Cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo thêm nguồn lực để thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Thảo luận tại tổ ngày 22/10, các ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đều nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa và Thừa Thiên Huế nhằm cụ thể hóa các nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển các tỉnh, thành phố trên cơ sở khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của địa phương, đồng thời những cơ chế chính sách đặc thù sẽ tạo thêm nguồn lực để thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Đối với một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa, các ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, dự thảo Nghị quyết đề cập đến cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách nhà nước và phân cấp quản lý trong lĩnh vực đất đai, quy hoạch, lâm nghiệp.
Tuy nhiên, theo Nghị quyết số 58 còn nội dung về “tổ chức bộ máy, biên chế” chưa được đề cập đến, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung nội dung tổ chức bộ máy biên chế của tỉnh Thanh Hóa giai đoạn từ nay đến năm 2045. Điều chỉnh, bổ sung từ ngữ tại nội dung đối tượng áp dụng ở Điều 2 của dự thảo nghị quyết này.
Đối với các tỉnh Thừa Thiên Huế và Nghệ An, đây là các tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là du lịch nhưng chưa khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả tiềm năng này.
Có thể bạn quan tâm
14:14, 22/10/2021
Do đó, việc xây dựng Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù sẽ tạo sức bật giúp các tỉnh phát triển. Đề nghị, Ban soạn thảo nghiên cứu thêm cụm từ “cơ quan” vào trước cụm từ “tổ chức, cá nhân khác có liên quan” về đối tượng áp dụng tại Điều 2 của dự thảo Nghị quyết.
Còn với TP. Hải Phòng, cần cân nhắc việc phân cấp cho UBND thành phố thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị; điều chỉnh làm rõ các mục tiêu về quản lý tài chính ngân sách; nâng hạn mức dư nợ vay để đảm bảo huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là trong các trường hợp phát sinh dự án cấp bách.
Ngoài ra, đề nghị làm rõ việc chậm trễ, khó khăn trong điều chỉnh quy hoạch hiện nay, ảnh hưởng đến việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là do quy định của Luật Quy hoạch hay do tổ chức thực hiện. Nếu là do quy định của Luật Quy hoạch thì phải kiến nghị sửa luật, nếu là do tổ chức thực hiện thì cần phải chấn chỉnh việc tổ chức thực hiện...
Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc với nhiều nội dung quan trọng, như nghe các báo cáo về tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm y tế và thảo luận về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2020…
Xoay quanh các nội dung này, các ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, ngành BHXH có rất nhiều nỗ lực, đã góp phần chăm lo, bảo vệ một lượng lớn dân số nước ta. Tuy nhiên, tính bền vững, ổn định của chính sách còn là vấn đề cần sự quan tâm thấu đáo.
Do đó, đề nghị bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành đầy đủ cho ngành BHXH; bổ sung, sửa đổi Điều 14 Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) theo hướng quy định công đoàn cấp trên cơ sở được quyền khởi kiện đơn vị nợ BHXH mà không cần người lao động cần ủy quyền.
Đồng thời, các đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung chế độ thai sản, ốm đau đối với BHXH tự nguyện để tăng tính hấp dẫn, thu hút người dân tham gia. Đồng thời, dự báo tình hình đóng BHXH trong thời gian tới để chủ động có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho quỹ…
Có thể bạn quan tâm
13:07, 22/10/2021
12:38, 22/10/2021
06:00, 22/10/2021
22:20, 21/10/2021
16:34, 20/10/2021