Mặc dù đã ở thời điểm cận kề, nhưng vẫn chưa có thỏa thuận "ra đi" nào khả dĩ sau khi các nghị sĩ Anh bác bỏ dự thảo Brexit hồi cuối năm 2018.
Bao trùm lên nước Anh là bầu không khí của sự lo lắng và chia rẽ, cộng đồng doanh nghiệp tại Anh cũng không nằm ngoài sự kiện.
Nghiên cứu của Đại học St. Andrew cho thấy, ngoài các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp công nghệ cao và doanh nghiệp định hướng xuất khẩu là những đối tượng quan tâm nhất về Brexit.
Một số doanh nghiệp đang chuẩn bị cho mình những phương án dự phòng hoặc cắt giảm công việc hoặc trì hoãn việc mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, đã có một vài doanh nghiệp chuyển hoạt động của họ ra khỏi nước Anh.
Có thể bạn quan tâm
06:30, 18/01/2019
06:30, 17/01/2019
12:15, 15/01/2019
07:00, 17/12/2018
Ông Mike Hawes, giám đốc điều hành của Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy, một tập đoàn đại diện cho hơn 800 công ty ô tô cho biết: "Sự không chắc chắn của Brexit đã gây thiệt hại to lớn đến hoạt động sản xuất, đầu tư và việc làm của doanh nghiệp tại Anh".
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của Toyota Motor chi nhánh châu Âu, ông Johan van Zyl đã lên tiếng cảnh báo Toyota có thể chấm dứt hoạt động sản xuất tại Anh nếu London rời EU (hay còn gọi là Brexit) mà không có thỏa thuận nào cụ thể.
Cùng với đó, Ngân hàng Trung ương Anh cảnh báo tác động của một Brexit hỗn loạn đối với nền kinh tế có thể lớn hơn tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cách đây một thập kỷ.
Kết quả khảo sát khoảng 650 công ty dịch vụ tại Anh, niềm tin của các doanh nghiệp trong năm tới đã giảm xuống mức thấp chưa từng có.
Trong khi các công ty lớn có thể đủ khả năng lập kế hoạch và các phương án dự phòng, các doanh nghiệp nhỏ tại Anh chỉ có thể chờ đợi và hy vọng vào trường hợp tốt nhất khi lo sợ rằng Vương quốc Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận, hoặc không có thỏa thuận có ích cho các doanh nghiệp nhỏ.
Trong khi các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể bị cản trở bởi thiếu đầu tư, các công ty nhỏ cũng gặp khó khăn khi nhắm mục tiêu vào các thị trường thay thế. Họ không có đủ nguồn lực để dự trữ hàng hóa trong nhiều tháng hoặc thành lập một công ty con ở EU.
Lý giải điều này, để tiếp tục hoạt động tại EU, các doanh nghiệp Anh cần thiết lập một cơ sở đây và có địa chỉ EU trên bao bì sản phẩm. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ phải chịu thêm chi phí điều hành hai văn phòng, và với những doanh nghiệp nhỏ, các khoản phí đó vượt ngoài khả năng chi trả.
Sự không chắc chắn của Brexit xung quanh câu chuyện thuế quan đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sang EU cũng như khu vực Trung Đông, khi hoạt động này chiếm 70% doanh thu của một số công ty.
Các nhà phân tích nhận định, nếu Vương quốc Anh rời khỏi EU mà không có thỏa thuận, doanh nghiệp tại Anh mặc định sẽ phải tuân thủ theo các quy tắc cạnh tranh của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) như các công ty toàn cầu khác dẫn đến nguy cơ các doanh nghiệp nhỏ bị loại khỏi cuộc chơi.
Trong thời điểm hiện tại, hầu như tất cả các doanh nghiệp ở xứ sở sương mù đều thống nhất chống lại Brexit không có thỏa thuận. Tinh thần của giới doanh nhân đang đi xuống.
Nếu không có thỏa thuận, hoặc không gia hạn Brexit, Vương quốc Anh sẽ rời EU mà không có giai đoạn chuyển tiếp từ 23h00 GMT ngày 29/3 tới. Kịch bản này gần như chắc chắn sẽ dẫn tới đứt quãng về thương mại và làm các thị trường tài chính hoang mang.
Hiện tại chưa có gì để bảo đảm chắc chắn rằng nước Anh có thể hoàn tất được tiến trình Brexit vào đúng thời hạn chót 29/3, khi mà chính trong nội bộ nước Anh đang tồn tại nhiều bất đồng. Thủ tướng Anh, Theresa May đang nỗ lực để đưa thỏa thuận sửa đổi để Hạ viện xem xét bỏ phiếu vào ngày 12/3 tới.
Nhưng EU sẽ không sẵn lòng trao cho bà May những thay đổi cần thiết để xoa dịu phe đối lập trong nước. Về mặt kỹ thuật, các bên cần chốt một thỏa thuận vào cuối ngày 10/3 để kịp công bố ngày 11/3.
Trường hợp cuộc bỏ phiếu sắp tới tiếp tục bác bỏ những thỏa thuận sửa đổi, thì Chính phủ Anh sẽ phải tổ chức một cuộc bỏ phiếu khác để các nhà lập pháp quyết định hoặc gia hạn lùi ngày Anh rời EU.