Doanh nghiệp bất bình vì sản phẩm bị “nhái”

THIÊN BÌNH 27/09/2018 11:50

Nhãn hiệu Giấy Hà Nội đã được Cục SHTT cấp bằng bảo hộ cho Công ty Tiến Hiếu từ tháng 5/2009. Tuy nhiên, mới đây Công ty phát hiện một loại giấy có bao bì y hệt giấy Hà Nội.

Cửa hàng Trang Anh nằm trên phố Lý Bôn, phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình hiện đang bán cả 2 loại: Giấy Hà Nội của Tiến Hiếu và loại giấy có bao bì y chang.

Lập lờ đánh lận con đen

Bà Phạm Thị Trang - chủ cửa hàng cho biết, mấy năm nay vẫn bán giấy Hà Nội chính hãng nhưng đợt vừa rồi hết hàng. Có người xưng là nhân viên công ty tới chào hàng nói là sản phẩm của cùng một công ty nhưng được sản xuất ở một nhà máy khác. “Bao bì y hệt lại còn có tem chống hàng giả nên tin tưởng lấy vào. Bán mấy hôm thấy khách hàng phản ánh giấy mủn, không dai như loại cũ nên tôi có nghi ngờ” – bà Trang cho biết.

Một cửa hàng tại Thái Bình bán cả 2 loại giấy chính hãng và không chính hãng

Một cửa hàng tại Thái Bình bán cả 2 loại giấy chính hãng và không chính hãng

Tại thành phố Thái Bình hiện có hàng chục cửa hàng, trong đó có nhiều cửa hàng tạp hóa lớn trên phố chính Hai Bà Trưng bán loại giấy giống Giấy Hà Nội. Còn tại một số tỉnh, thành phố lân cận Hà Nội cũng đã xuất hiện loại giấy này, tuy không phổ biến như Thái Bình.

Loại giấy xâm phạm nhãn hiệu Giấy Hà Nội có bao bì sản phẩm giống hệt bao bì của Tiến Hiếu từ logo TIE tới chữ HÀ NỘI cách điệu. Nếu quan sát kỹ mới thấy chữ bên dưới logo có khác nhau: Hàng chính hãng có tên công ty Tiến Hiếu Co.ltd còn hàng không chính hãng có chữ chung chung là Hà Nội Việt Nam.

“Để tạo lòng tin, trên bao bì hàng không chính hãng có ghi số bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, thậm chí có cả tem chống hàng giả. Trong khi bao bì của Tiến Hiếu suốt 10 năm xây dựng thương hiệu trên thị trường không cần tới những yếu tố này”, bà Đinh Thị Kim Định – Giám đốc Công ty Tiến Hiếu cho biết.

Trích xuất thông tin từ Cục Sở hữu trí tuệ về bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp của cơ sở sản xuất trên cho thấy văn bằng được cấp tháng 3/2018 (tức là chỉ cách đây 6 tháng) cho Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hà ở Biên Giang - Hà Đông. Kiểu dáng được bảo hộ chính là bao bì của Giấy Hà Nội đã có mặt trên thị trường gần 10 năm mà Công ty Tiến Hiếu đã mất nhiều công sức xây dựng.

Có thể bạn quan tâm

  • Mạnh tay với vi phạm sở hữu trí tuệ

    Mạnh tay với vi phạm sở hữu trí tuệ

    22:30, 02/03/2016

  • Xuất hiện hàng nhái nhãn hiệu Kärcher trên thị trường

    Xuất hiện hàng nhái nhãn hiệu Kärcher trên thị trường

    14:20, 25/12/2017

  • Bắt giữ 12 container chứa hàng giả, hàng nhái các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng

    Bắt giữ 12 container chứa hàng giả, hàng nhái các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng

    11:11, 24/06/2017

Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ

Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Công ty Luật hợp danh Thiên Thanh, trước tiên nếu so sánh 2 văn bằng thì văn bằng được cấp trước rõ ràng có cơ sở pháp lý vững chắc. Văn bằng cấp sau có dấu hiệu xâm phạm nhãn hiệu của văn bằng cấp trước thì Cục Sở hữu trí tuệ phải có trách nhiệm.

“Khi so sánh nhãn hiệu sản phẩm của cơ sở sản xuất tại Hà Đông và sản phẩm của Tiến Hiếu thì các yếu tố gây nhầm lẫn rất rõ ràng, có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được quy định tại Luật sở hữu trí tuệ. Việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp với nhãn hiệu y chang nhãn hiệu của người khác rõ ràng có động cơ không trong sáng. Ngoài ra, việc cấp bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp cho cơ sở sản xuất tại Hà Đông có trách nhiệm của Cục Sở hữu trí tuệ”, Luật sư Truyền nhấn  mạnh.

Chủ cơ sở sản xuất giấy Hà Nội Việt Nam cho phóng viên xem văn bằng bảo hộ

Chủ cơ sở sản xuất giấy Hà Nội Việt Nam cho phóng viên xem văn bằng bảo hộ

Điều 63 Luật sở hữu trí tuệ 2013 quy định: Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ phải đáp ứng điều kiện có tính mới. Còn điều 65 quy định: Kiểu dáng công nghiệp có tính mới nếu khác biệt đáng kể với những kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng. Trong khi đó kiểu dáng công nghiệp được hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hà mang đi đăng ký không những không khác biệt đáng kể mà còn bệ y nguyên bao bì của Tiến Hiếu ra đời trước đó 10 năm. Như vậy việc Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng cho hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hà thiếu cơ sở pháp lý.

Để giải quyết tình trạng một bao bì 2 đơn vị được cấp bằng này Ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết: “Sản phẩm của Tiến Hiếu đã bộc lộ trên thị trường trước khi kiểu dáng công nghiệp này đăng ký. Thì với đầy đủ bằng chứng pháp lý để đối chứng, Tiến Hiếu có thể nộp đơn lên Cục Sở hữu trí tuệ yêu cầu hủy bỏ hiệu lực của văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp mà Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp. Chúng tôi sẽ xem xét lại những bằng chứng đó dựa vào quy định của luật pháp”.

Hiện Công ty TNHH Tiến Hiếu đã gửi công văn yêu cầu chủ cơ sở Nguyễn Thị Hà chấm dứt sản xuất loại giấy mang nhãn hiệu Giấy Hà Nội (có các dấu hiệu chữ TIE, Hà Nội Silk cách điệu trên nhãn hiệu). Đồng thời Công ty cũng đã gửi đơn tới Cục Sở hữu trí tuệ yêu cầu hủy bỏ bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp của cơ sở trên.

Đồng thời, Tiến Hiếu cũng đưa ra thị trường thiết kế bao bì mới nhằm hạn chế khả năng bắt chước, trục lợi nhãn hiệu giấy Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp bất bình vì sản phẩm bị “nhái”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO