Doanh nghiệp "bắt tay" sản xuất... thịt thực vật

Diendandoanhnghiep.vn Thịt chay, thịt làm từ thực vật, đã được đưa vào thực đơn tại nhiều nhà hàng ở Mỹ và châu Âu và giờ đây nó đang tạo nên "cơn sốt" ở một số nước châu Á. Và các doanh nghiệp không bỏ qua xu thế đó.

>>> Acecook Việt Nam gia nhập trào lưu thực phẩm dinh dưỡng

Từ câu chuyện thế giới

Tetra Pak, nhà cung cấp giải pháp chế biến và đóng gói đến từ Thụy Điển, mới đây đã hợp tác cùng công ty công nghệ thực phẩm Mycorena xây dựng một cơ sở sản xuất chuyên lên men nấm nhằm tạo ra các loại thực phẩm thay thế cho đạm động vật.

Bước đi này nằm trong lộ trình dài hạn của công ty trong việc giải quyết những thách thức xung quanh vấn đề an toàn và an ninh thực phẩm, thông qua việc tìm ra các nguồn thực phẩm mới.

Được đặt tại Falkenberg, Thụy Điển, cở sở này đang trong giai đoạn đầu tập trung sản xuất nguyên liệu cho các sản phẩm thay thế thịt động vật. Hơn nữa, Mycorena còn đặt tham vọng xây dựng thêm các nhà máy mới trên khắp châu Âu và châu Á nhằm gia tăng công suất và mở rộng phạm vi tiếp cận trong tương lai gần.

Trên thế giới, hơn một phần năm lượng phát thải khí nhà kính (GHG) bắt nguồn từ nông nghiệp và hơn một nửa trong số đó là đến từ chăn nuôi. Trong bối cảnh đó, việc sử dụng các nguồn đạm thay giúp mang lại cơ hội tạo ra các loại thực phẩm bền vững. Bên cạnh tiềm năng giảm thiểu được lượng khí thải carbon, điều này cũng góp phần làm giảm diện tích đất sử dụng cho trồng trọt và lượng nước tiêu thụ so với các loại đạm truyền thống. Sự kết hợp hài hòa của tất cả những yếu tố này sẽ mở ra cánh cửa mới trong việc cung cấp thực phẩm đáp ứng nhu cầu khi dân số đang gia tăng một cách bền vững hơn, đồng thời củng cố tham vọng của Tetra Pak trong việc đạt được mức phát thải khí nhà kính bằng không (net zero) trong toàn bộ chuỗi cung ứng của mình.

Ông Charles Brand, Phó Chủ tịch Điều hành phụ trách các Giải pháp Chế biến và Thiết bị của Tetra Pak cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng khi hợp tác với Mycorena trong dự án lần này bởi sự cải tiến trong chuỗi cung ứng thực phẩm phù hợp với cả ba mục tiêu của chúng tôi – bảo vệ thực phẩm, con người và trái đất. Quá trình lên men nấm sử dụng các vi sinh vật sẽ là nguồn cung cấp lượng đạm chất lượng cao và bổ dưỡng. Các vi sinh vật này rất nhỏ bé, nhưng rất có tiềm năng để tạo ra các ảnh hưởng tích cực tới việc xây dựng một hệ thống thực phẩm đa dạng và lành mạnh, đặt nền móng cho một tương lai tốt đẹp cho tất cả mọi người”.

Tiến sĩ Ramkumar Nair, Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành, Mycorena cho biết thêm: “Quá trình lên men nấm là tương lai của ngành công nghiệp thực phẩm và chúng tôi tự hào là những người tiên phong cách mạng hóa cho lĩnh vực này. Cơ sở mới này là một nhà máy sản xuất hiện đại, là cơ sở để chúng tôi có thể nhân rộng mô hình này tại Thụy Điển cũng như trên toàn cầu. Trên hành trình đầy tham vọng đó, Tetra Pak là đối tác đồng hành cùng chúng tôi, không chỉ bởi chuyên môn hàng đầu của Công ty trong lĩnh vực chế biến, mà còn vì chúng tôi có chung tham vọng phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm bền vững hơn".

Đến xu thế của Việt Nam

Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit cho biết: sử dụng thịt thực vật là xu thế của cả thế giới, là xu hướng tiêu dùng của tương lai. Khoảng 5-6 năm trước, Mỹ là quốc gia đầu tiên sử dụng và bùng nổ xu hướng này. Hiện nay xu hướng này đang lan ra và chuẩn bị bùng nổ nhiều ở khu vực châu Á. Việt Nam bắt đầu nhen nhóm và hiện nhiều bạn trẻ, có thu nhập khá, thu nhập cao đang theo xu hướng sử dụng thịt thực vật.

Theo ông Viên, có một số lý do khiến nhiều người tiêu dùng chuyển hướng sang sử dụng thịt thực vật thay vì thịt động vật, đó là họ nhận ra nguyên nhân gây bệnh viêm mãn tính xuất phát từ mỡ của động vật, xuất phát từ thịt đỏ; họ cũng nhận thấy việc sử dụng rau, củ, quả mang lại sức khỏe tốt hơn. Nhiều người cũng hiểu rằng, việc chăn nuôi quá nhiều cũng là nguyên nhân gây ra hiệu ứng nhà kính, ô nhiễm môi trường... theo đó, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường hay tác động lên trái đất thì việc giảm thiểu chăn nuôi là việc làm cần thiết.

Một nguyên nhân nữa, ông Viên cho rằng, hiện nay sau đại dịch Covid-19, việc cuộc chiến tranh Nga – Ukraine vẫn đang diễn ra đã gây nên mối nguy cho an ninh lương thực toàn cầu. Vì vậy, người sản xuất không ngừng tìm ra nguồn lương thực thay thế thịt động vật; người tiêu dùng cũng tăng cường sử dụng nguồn đạm từ thực vật hơn...

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, vừa tham dự Thaifex 2022 từ Bangkok trở về, cũng chia sẻ: hoàn cảnh mới hiện nay của chúng ta là hậu đại dịch với một số đặc điểm nổi bật: thứ nhất là người tiêu dùng bị ám ảnh về đại dịch từ đó dẫn đến mối âu lo về sức khỏe và miễn dịch. Thứ hai là kinh tế toàn cầu suy giảm. Thứ ba là biến đổi khí hậu và nông nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng nặng. Thứ tư là môi trường thiên nhiên bị tổn thương nghiêm trọng.

Từ đó, bà Hạnh nhận định, sẽ hình thành nên một số xu hướng nhu cầu mới như sau: thứ nhất người tiêu dùng thế giới yêu cầu có một chế độ ăn uống cân bằng, tốt cho sức khỏe nhưng đồng thời phải tiện lợi. Chẳng hạn ở châu Âu hiện nay xu hướng làm việc từ xa, làm việc tại nhà đang ngày càng phổ biến kèm theo đó là nhu cầu tác phong mới, như người ta ngại ăn uống bên ngoài, ít thời gian chuẩn bị cho ăn uống, đồng thời tiết kiệm hơn. Thứ hai, cuộc chiến Nga – Ukraine dẫn đến sự khủng hoảng về lương thực. Thứ ba là yêu cầu bảo vệ môi trường ngày càng cấp thiết. Cuối cùng là công nghệ chế biến ngày càng sâu, đa dạng, đa chức năng.

Bà Hạnh cũng cho biết, tham quan, khảo sát 1.000 gian hàng của Thaifex, bà thấy xu hướng chung nổi lên hiện nay là plant-based, tức là sản phẩm dựa trên thực vật. Plant-based nằm trong khái niệm rộng hơn đó là về thực phẩm tương lai – future food. Bên cạnh plant-based còn thấy các xu hướng sản phẩm cũng đang nổi lên khác là sản phẩm có nguồn gốc từ côn trùng; thứ ba là sản phẩm sinh học phát triển từ LAB (phòng thí nghiệm) hay từ các loại nấm.

Theo bà Hạnh, cả ba loại sản phẩm này nằm trong một khái niệm chung gọi là “đạm thay thế”  (alternative protein).

Được biết, tại Việt Nam, Công ty TNHH sản xuất – kinh doanh thực phẩm chay Cây Đề giới thiệu là doanh nghiệp đầu tiên sản xuất thịt thực vật với thương hiệu VMEAT.

Theo giới thiệu, 100% thành phần của sản phẩm của công ty đi từ thực vật, có thành phần dinh dưỡng gần với thịt động vật; sản phẩm có được cấu trúc của thịt, cho được cảm giác nhai như thịt và sản phẩm có độ béo, độ dai, độ ẩm ướt tương tự thịt động vật, loại bỏ được mùi của đạm thực vật. Các sản phẩm gồm nhân burger Vmeat, thịt xay Vmeat, hem chay và chả lụa chay. Thịt xay giá khoảng 297.000 đồng/1kg; Nhân burger Vmeat 445.000 đồng/1kg và chả lụa 220.000 đồng/1kg, hem 164.000 đồng/1kg.

Quy mô của thị trường này, bà Hạnh dẫn số liệu cho biết, được cho là có thể nhảy vọt từ 24,9 tỷ USD năm 2020 lên đến 162 tỷ USD vào năm 2030. “Cơ bản Việt Nam đã có sẵn những thứ cần thiết để bắt đầu tham gia vào cuộc chạy đua của xu hướng thực phẩm tương lai rồi, phần còn lại là có ai muốn tham gia hay không thôi”, bà Hạnh chia sẻ. 

 

 

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp "bắt tay" sản xuất... thịt thực vật tại chuyên mục Xe - Công nghệ của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714108016 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714108016 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10