Phát biểu tại phiên họp Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế lần thứ nhất năm 2018 tại trụ sở Bộ Công Thương ngày 11/1, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, sẽ có hàng loạt lĩnh vực trong nước phải mở cửa, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nên phối hợp thế nào để thực thi mở cửa thị trường mang lại hiệu quả cao nhất, bởi không chỉ hàng rào thuế quan mà còn hàng rào phi thuế quan cũng như các vấn đề kỹ thuật sẽ đặt ra trong thời gian tới.
Ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ VN (Vietcraft) cho biết, tác động hội nhập ảnh hưởng rất nhiều đến ngành hàng thủ công mỹ nghệ, vì với 1,9 tỉ USD xuất khẩu sẽ có tác động xã hội rất lớn đến đối tượng lao động là ở nông thôn, 1,5 triệu lao động tham gia ngành này. “Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, ngành, doanh nghiệp sản phẩm, hợp chuẩn là rất quan trọng và rất cấp bách”, ông Ngọc cho biết.
Còn theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam, hưởng thuế ưu đãi tốt như GSP từ EU, tham gia WTO mức độ tăng trưởng gấp 5 lần. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các hiệp định này, khâu thủ tục là điều doanh nghiệp thường bị "làm khó" khi tiếp cận. Bà Xuân đưa ra ví dụ, vừa qua đoàn chúng tôi có tham dự chương trình xúc tiến xuất khẩu vàothị trường Nga,nhưng nhận thấy kim ngạch xuất khẩu sau khi ký hợp đồng tăng không nhiều do thủ tục hải quan giữa Nga và Việt Nam đã có sự không hiểu nhau, nên mặt hàng giày dép khó hưởng thuế suất.
"Doanh nghiệp vướng nhiều trong quá trình thực thi các hiệp định thương mại, trong đó hai vấn đề doanh nghiệp quan tâm là thuế và quy tắc xuất xứ, khi áp dụng thủ tục doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn vì cách hiểu giữa doanh nghiệp và cơ quan hải quan chưa đồng nhất”, bà Xuân bày tỏ.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam thì cho rằng, khi hội nhập thì doanh nghiệp phải tự vận động và nâng cao năng lực cạnh tranh của chính mình, còn Chính phủ và các cơ quan quản lý cũng cần mạnh dạn “cởi trói” cho doanh nghiệp bằng cải cách hành chính quyết liệt, cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn nữa. Vì khi đã hội nhập thì chỉ có những doanh nghiệp thực sự khỏe mạnh mới có thể tồn tại và phát triển, còn doanh nghiệp “yếu đuối” sẽ không còn có nhiều cơ hội.
Ghi nhận những đóng góp của các hiệp hội ngành nghề, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Công Thương cho biết, cơ chế điều hành của Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế là rất đầy đủ, nhưng nhiệm vụ đặt ra còn lớn nên để thực hiện tốt thì cần phải có một cơ chế phối hợp chặt chẽ và thường xuyên giữa Ban chỉ đạo và bộ ngành để cụ thể hóa các chương trình hành động.
Văn phòng Ban chỉ đạo cần kiện toàn hơn nữa, đặc biệt trong kết nối bộ ngành trong cập nhật thông tin, có tính tích hợp và lồng ghép chương trình chung. Lúc này cần xây dựng trung tâm dữ liệu về hội nhập quốc tế, góp phần cho các bộ ngành có điều kiện tiếp cận và nắm bắt cụ thể các nội dung. Tương tác giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước phải được cập nhật thường xuyên hơn để đảm bao quyền lợi của doanh nghiệp và người dân.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, công tác đánh giá hiệu quả của hội nhập vẫn còn bị động trong đánh giá. Như đánh giá WTO yêu cầu các văn bản bộ ngành đưa ra không đủ và không có tính phản biện xã hội, khi đánh giá chưa kịp thời đầy đủ nên chưa có chính sách phù hợp. Đơn cử như đánh giá mía đường và chăn nuôi, không chỉ khai thác một chiều thuận lợi thương mại mà còn an sinh xã hội, người dân... do đó cần có cơ chế và tiêu chí cụ thể trong phản biện để đánh giá có sức thuyết phục hơn.