Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, nếu không có các biện pháp ứng phó và giảm thiểu phù hợp, ước tính biến đổi khí hậu sẽ khiến Việt Nam mất khoảng 12% đến 14,5% GDP mỗi năm vào năm 2050.
>>> Startup dùng nấm vi sinh vật chống biến đổi khí hậu
Trước nguy cơ từ biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Các chương trình hành động quốc gia, cấp ngành, địa phương cũng từng bước được xây dựng và triển khai thực hiện. Đặc biệt, sau cam kết của Việt Nam tại COP26 các Bộ, ngành đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều đề án, chiến lược, kế hoạch hành động.
Ông Nguyễn Sỹ Linh, Trưởng ban Ban Biến đổi khí hậu và các vấn đề toàn cầu, Viện chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường) cho rằng, các cam kết quốc tế liên quan đến biến đổi khí hậu trước đây chỉ đơn thuần là vấn đề biến đổi khí hậu, còn bây giờ liên quan đến vấn đề về phát triển kinh tế, đặc biệt Việt Nam là một quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu rất lớn.
>>> FWC 2023: Ngành logistics thích ứng biến đổi khí hậu
Do đó, các cam kết quốc tế như cam kết về giảm phát thải dòng bằng 0, cam kết về giảm phát thải metan toàn cầu, cam kết chấm dứt tình trạng phá rừng đặc biệt là rừng nhiệt đới, cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới CBAM của Liên minh châu Âu… là những cam kết sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.
Hơn nữa, theo ông Linh nhìn nhận, đối với doanh nghiệp sản xuất tiêu hao, sử dụng năng lượng nhiều cần chuyển hướng vừa sử dụng tiết kiệm và hiệu quả vừa chuyển đổi nguồn năng lượng sử dụng.
Đối với doanh nghiệp sản xuất trong nước, không phải doanh nghiệp sản xuất tiêu dùng năng lượng nhiều nhưng lại ở khu vực chịu tác động của biến đổi khí hậu cần chuyển đổi các mô hình sản xuất, quy trình sản xuất và xây dựng cơ sở, nhà xưởng,… dễ dàng thích ứng với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu.
"Ví dụ, thường xuyên bị mưa lũ, bão hay nắng nóng thì việc chuyển đổi các mô hình sản xuất, quy trình sản xuất cũng như xây dựng, thiết kế các mô-đun nhà xưởng làm sao có thể dễ dàng thích ứng được với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đó là định hướng mà doanh nghiệp cần hướng đến", ông Linh nói.
Còn theo ông Hoàng Văn Tâm, Phó Chánh Văn phòng Biến đổi khí hậu và Tăng trưởng xanh (Bộ Công Thương), xu thế tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ carbon thấp là một xu thế không thể đảo ngược, nên các doanh nghiệp cần nhìn nhận đây là một cơ hội lớn. Cơ hội mang lại cho doanh nghiệp sẽ nhiều hơn.
>>> Biến đổi khí hậu hé mở "lỗ hổng" an ninh lương thực Trung Quốc
Từ đó, giúp doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất xanh, đi đúng theo xu thế chung của toàn cầu, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường, đặc biệt là những thị trường lớn như EU, Mỹ… Những doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi sẽ nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường và “đường đi” rất thuận lợi…
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội chuyển đổi xanh mang lại, nhiều doanh nghiệp lo lắng vấn đề về vốn đầu tư, công nghệ… là những thách thức với họ. Khi muốn giảm được dấu vết carbon, doanh nghiệp phải đầu tư giải pháp về công nghệ, chuyển đổi năng lượng có nguồn gốc từ hóa thạch sang năng lượng sạch nên chi phí đầu tư rất lớn.
Để giải quyết những khúc mắc còn tồn tại, Việt Nam sẽ cần xây dựng, ban hành thêm khung pháp lý, chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu. Các doanh nghiệp cần thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng tăng trưởng xanh.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Đạt, Ban Kỹ thuật, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho rằng, về thuận lợi, các doanh nghiệp thành viên Tập đoàn Hóa chất được tiếp cận với công nghệ xanh, tín dụng xanh. Tuy nhiên, còn không ít khó khăn, trong đó có vấn đề về vốn đầu tư, công nghệ và con người vận hành công nghệ.
Để giải quyết những vấn này ông Đạt kiến nghị: "Thứ nhất là cấp có thẩm quyền sớm ban hành cơ chế, chính sách để các doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi. Thứ hai là cũng ban hành những chính sách khuyến khích đầu tư thích ứng với biến đổi khí hậu để chuyển dịch năng lượng".
Có thể bạn quan tâm
13:44, 06/10/2023
01:18, 22/08/2023
15:19, 01/08/2023
04:30, 20/07/2023