Tranh mua, tranh bán vùng nguyên liệu chè đang khiến các doanh nghiệp chè tại Lai Châu đau đầu.
Theo Giám đốc Công ty CP Đầu tư Phát triển Chè Tam Đường - bà Nguyễn Thị Loan, những năm qua công ty đã đồng hành liên kết với người dân huyện Tam Đường (Lai Châu) đầu tư vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm, đặc biệt là đầu tư nhà máy sản xuất chế biến chè tại xã Bản Bo. Tuy nhiên, vừa qua Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lai Châu đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho hai đơn vị hoạt động chế biến chè, cạnh tranh vùng nguyên liệu với công ty. Thời gian gần đây, hai đơn vị này cạnh tranh không lành mạnh, phá giá để thu mua chè và tiến hành sản xuất, phá vỡ liên kết giữa doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.
“Vấn đề tranh mua, tranh bán vùng nguyên liệu trên địa bàn đang gây khó cho các doanh nghiệp” - bà Loan cho biết và kiến nghị: Nhà nước cần phát huy vai trò trong đảm bảo hành lang pháp lý, bảo vệ doanh nghiệp trong vấn đề này vì hiện nay vai trò của nhà nước chưa rõ nét.
Câu chuyện của Trà Than Uyên cũng tương tự, khi Chủ tịch HĐQT Công ty CP Trà Than Uyên Vũ Ngọc Sang cho biết, tỉnh đã phân vùng cho công ty vùng nguyên liệu chè tại xã Trung Đồng và ThânThuộc (Tân Uyên). Doanh nghiệp đã bỏ ra nguồn đầu tư rất lớn để liên kết với người dân tại đây (cung cấp từ giống, vật tư phân bón, làm đường…).
Có thể bạn quan tâm
01:15, 12/07/2019
21:19, 06/12/2017
Công ty Trà Than Uyên ký hợp đồng thu mua với người dân với giá từ 7.000 đến 7.500đ/kg nhưng hiện nay các đơn vị bên ngoài như HTX Phúc Khoa, Công ty Chè Hồng Đức, HTX Tân Tiến… đã tự ý thu mua các loại chè xấu với giá rẻ, điều này gây khó cho doanh nghiệp trong bảo vệ thương hiệu chè, ông Sang cho biết.
Thừa nhận thực trạng này, ông Hà Văn Um - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu cho biết, thời gian qua, một số công ty, hợp tác xã chế biến chè mới được cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp (chưa được cấp có thẩm quyền chấp nhận chủ chương đầu tư, chưa được phân vùng nguyên liệu, không phải bỏ chi phí đầu tư cũng như hỗ trợ người dân tham gia liên kết như ứng trước phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không phải trả lãi) đã thu mua nguyên liệu, chế biến chè búp tươi trong vùng nguyên liệu đã được giao cho các công ty, hợp tác xã khác với giá mua cao hơn... Vì vậy đã xảy ra hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh, tranh mua, tranh bán và có sự chênh lệch về giá.
Ông Hà Văn Um cho biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ sớm đề xuất UBND tỉnh xem xét sửa đổi cơ chế quản lý vùng nguyên liệu cho phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ổn định, phát huy tính liên kết trong sản xuất để phát triển thương hiệu.