LTS: Để chống được "giặc COVID-19", chúng ta đã huy động toàn bộ các nguồn lực xã hội tham gia, đặc biệt là vấn đề xã hội hóa vaccine.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo, hỗ trợ và có văn bản hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp tiếp cận các nguồn cung vaccine phòng COVID-19 trên thế giới. Ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho rằng đây là động lực để doanh nghiệp tiếp tục “mục tiêu kép”.
- Bộ Y tế sẽ tiếp tục đưa ra các chính sách khuyến khích nhiều hơn các địa phương, doanh nghiệp tham gia vào quá trình tìm kiếm vaccine phòng COVID-19. Ông đánh giá sao về các chính sách này?
Trong bối cảnh cấp bách như hiện nay, nguồn vaccine COVID-19 “cung không đủ cầu” và do đó những chính sách động viên địa phương, doanh nghiệp tiếp cận, tìm kiếm vaccine mặc dù đã có từ lâu nhưng luôn cần thiết. Doanh nghiệp được hỗ trợ một cách tốt nhất để có thể “gánh vác” một phần trong công cuộc đàm phán, tiếp cận vaccine COVID-19. Tuy nhiên, thực tế, Chính phủ cũng như doanh nghiệp đã nhận thấy công tác triển khai, tìm kiếm nguồn vaccine COVID-19 không dễ dàng. Khó khăn đầu tiên, chắc chắn phải kể đến sự khan hiếm của vaccine COVID-19 và thậm chí, toàn thế giới đang ở trong “cuộc đua tranh khốc liệt” để sở hữu từng lô vaccine quý giá.
Nguyên nhân thứ hai, các loại vaccine được Bộ Y tế phê duyệt hiện nay, đặc biệt là các loại vaccine có nguồn gốc từ phương Tây, đều được cấp phép sử dụng khẩn cấp và chưa được cấp phép bán thương mại cho các doanh nghiệp. Do đó, trên thế giới hiện nay chưa có hãng dược phẩm nào cấp phép lưu hành cho vaccine COVID-19 với mục đích thương mại.
Tuy vậy, mới đây, công ty tư nhân Vạn Thịnh Phát đã thành công tiếp cận 5 triệu liều vaccine Sinopharm để tặng cho TP Hồ Chí Minh và lô hàng gồm 1 triệu liều vaccine đã về tới thành phố. Mặc dù Sinopharm vẫn là vaccine được cấp phép khẩn cấp nhưng chúng ta cũng thấy rằng, 5 triệu liều vaccine trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết. Bởi vậy, các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong tiến trình xã hội hóa vaccine là vô cùng đúng đắn và kịp thời.
Ở góc độ khác, các doanh nghiệp cũng chủ động tìm kiếm, sản xuất vaccine cũng là điều cần được ghi nhận. Được biết, vaccine Nano Covax của Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen đã được phê duyệt thử nghiệm lâm sàng (TNLS) giai đoạn 3 cũng cần được ghi nhận sự nỗ lực của doanh nghiệp.
- Tuy nhiên, chính sách cũng cần có định hướng rõ ràng, thưa ông?
Trong cuộc họp của ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế tạo mọi điều kiện, hỗ trợ hết sức cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn cung vaccine trên thế giới. Tất cả mọi chính sách hỗ trợ này đều được Bộ Y tế áp dụng và xử lý nhanh nhất, sớm nhất trong từng lô vaccine COVID-19 được nhập khẩu gần đây. Theo đó, Bộ Y tế sẵn sàng sử dụng nguồn lực bằng hệ thống tiêm chủng của nhà nước hoặc hệ thống y tế tư nhân hỗ trợ doanh nghiệp một cách an toàn, hiệu quả.
Mọi công đoạn đều được Bộ Y tế tính toán tối ưu nhất, “cái khó” duy nhất của doanh nghiệp chính là giải bài toán làm sao để tìm kiếm, đàm phán mua được vaccine COVID-19.
- Về cơ chế chính sách cho doanh nghiệp trong tiến trình xã hội hóa vaccine, ông có đề xuất gì cho Bộ Y tế cũng như Chính phủ, thưa ông?
Với các doanh nghiệp thành viên thuộc Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN, sở hữu những chuỗi cửa hàng dược phẩm, chúng tôi muốn đề xuất Bộ Y tế cho phép những doanh nghiệp này sử dụng nguồn nhân lực là các y tá, dược sĩ được tham gia quá trình tiêm chủng. Bởi, hiện nay, Bộ Y tế mới chỉ chấp nhận sử dụng nguồn lực từ nhà nước hoặc y tế tư nhân.
Theo đó, Chính phủ cũng đã thông báo, quý 4 năm nay, hàng chục triệu liều vaccine sẽ được cung cấp cho người dân Việt Nam. Do đó, Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN cũng như các doanh nghiệp thành viên mong muốn được góp phần củng cố nguồn lực tiêm chủng, đẩy nhanh quá trình tiêm chủng một cách kịp thời.
- Xin cảm ơn ông!
Để đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng, với khoảng 60 – 70% dân số được tiêm vaccine nhanh nhất thì xã hội hóa vaccine là hướng huy động nguồn vaccine để chúng ta có nguồn vaccine sớm nhất. Theo đó, chúng ta cần phải có khoảng 150 triệu liều vaccine để tiêm cho người dân, nếu là loại tiêm 2 liều. Hiện có 36 doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu vaccine được nhập những vaccine mà Bộ Y tế cấp phép.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 05/08/2021
11:30, 10/06/2021
14:52, 03/06/2021
14:22, 12/04/2021
19:36, 03/08/2021
09:18, 22/07/2021
06:00, 07/07/2021
01:00, 02/07/2021
04:00, 21/06/2021
20:33, 24/05/2021