Chịu lỗ liên tục, các quy định pháp lý ngày càng siết chặt trên toàn thế giới, mảng “gọi xe” gặp khó, các hãng gọi xe đua nhau mở thêm nhiều dịch vụ khác để tìm lợi nhuận.
Mới đây Grab vừa công bố kết quả kinh doanh quý 2/2021. Theo đó, trong quý này, tổng giá trị giao dịch của Grab tăng 62% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt con số kỷ lục 3,9 tỷ USD. Hai hoạt động quen thuộc nhất của Grab là gọi xe và giao hàng cũng ghi nhận chỉ số tích cực, tăng trưởng lần lượt 93% và 58%.
Tuy nhiên, những con số tăng trưởng này vẫn không thể cứu Grab khỏi tình trạng thua lỗ. Mức lỗ ròng trong quý 2/2021 chạm mức 815 triệu USD, trong khi quý 2 năm ngoái con số là 718 triệu USD. Theo thông tin tổng hợp, tính đến hết ngày 30/6, Grab ghi nhận tổng tiền mặt là 5,3 tỷ USD và tổng nợ là 2,1 tỷ USD. Tất cả đều tăng so với thời điểm đầu năm.
Những khoản lỗ này cho thấy mảng gọi xe - một trong những mảng chính của Grab - đã không còn là mảnh đất quá màu mỡ. Không chỉ Grab hay thị trường Đông Nam Á, các dịch vụ gọi xe khác trên thế giới cũng đang dần bị siết chặt.
Theo mô hình từ trước đến nay, các công ty gọi xe và tài xế đều chỉ là quan hệ đối tác, tức tài xế hưởng tiền cho từng cuốc xe, trích lại phần trăm cho công ty. Tài xế không phải là nhân viên chính thức của công ty.
Chẳng hạn bang California ở Hoa Kỳ. Với dân số gần 40 triệu người, đây là một thị trường quan trọng với những hãng gọi xe như Uber hay Lyft. Thế nhưng theo luật bang, các hãng gọi xe phải xem tài xế là nhân viên chính thức.
Một khi đã là nhân viên chính thức, tài xế sẽ được hưởng lương cứng, được đóng bảo hiểm, có ngày nghỉ phép, v.v.. Dĩ nhiên, Uber và Lyft không đồng ý luật này. Họ cho rằng như vậy là đang bóp chết ngành gọi xe. Vì nếu “gánh” thêm các khoản nêu trên, họ sẽ không còn lợi nhuận.
Tương tự vậy, tại Hà Lan, tòa án cũng đã phán quyết bắt buộc hãng gọi xe xem tài xế là nhân viên chính thức. Phán quyết cũng yêu cầu Uber nộp phạt gần 60.000 USD vì không tuân thủ luật này.
Còn tại Trung Quốc, chính phủ nước này đã cáo buộc những hãng gọi xe, bao gồm các ông lớn tại thị trường như Didi, T3 và Meituan, thực hiện hành vi tuyển dụng tài xế và các phương tiện khi chưa được cơ quan chức năng cho phép.
Theo đó, Trung Quốc yêu cầu các nền tảng phải đảm bảo có giấy phép cần thiết cho tài xế và phương tiện, không được đẩy rủi ro kinh doanh cho tài xế, giảm mức thu phí hoa hồng, tạo điều kiện nghỉ ngơi đầy đủ cho tài xế.
Không chính thức như bang California, Hà Lan hay Trung Quốc, nhưng Indonesia cũng hứa hẹn sẽ tiến hành cải tổ các dịch vụ gọi xe. Trong tháng 6 năm nay, hai dịch vụ xe công nghệ hàng đầu nước này là GoKilat (của Gojek) và Lalamove đều cắt giảm tiền hoa hồng của tài xế. Từ đầu năm đến nay tại Indonesia cũng đã có ít nhất 4 cuộc đình công vì vấn đề tương tự.
Trước tình hình này, đã có rất nhiều nghiên cứu, những tổ chức phi chính chủ và cộng đồng trực tuyến gửi đề xuất đến Bộ trưởng Bộ lao động Indonesia, yêu cầu “bảo vệ những người lao động cho các nền tảng thương mại điện tử”.
Với con số gần 33 triệu lao động làm việc theo mô hình thời vụ (Gig - làm việc tự do, ngắn hạn - gọi xe cũng thuộc kiểu này), các nhà phê bình tin rằng Chính phủ sẽ sớm vào cuộc.
Quay trở lại với câu chuyện của Grab. Với những bài học về việc siết chặt quy định đối với dịch vụ gọi xe, Grab hiểu rằng đây không còn là mảnh đất màu mỡ như xưa. Do đó, họ đang ngày càng đa dạng hóa các mảng kinh doanh để kiếm thêm doanh thu.
Một trong những mảng mới của Grab là GrabKitchens. Theo kế hoạch, Grab sẽ cho ra mắt 10 GrabKitchens trong nửa cuối năm 2021. Họ cũng đang thử nghiệm những giải pháp mới như cho người dùng duyệt thực đơn, đặt hàng và thanh toán thông qua Grab. Với tình hình dịch bệnh và giãn cách hiện tại, mọi người hạn chế đi ăn ngoài, thì đây có vẻ sẽ thành một mảng tiềm năng.
Mảng quảng cáo của Grab thuộc về GrabMerchant. Đây là dịch vụ cung cấp những quảng cáo tự phục vụ, cho phép đối tác tiếp cận nhiều người dùng để thúc đẩy doanh số.
Động lực chính cho mảng tài chính của Grab là dịch vụ Grab PayLatter. Trong quý 2/2021, tổng khối lượng thanh toán mảng dịch vụ tài chính của Grab đạt mức kỷ lục 2,9 tỷ USD, tăng 66% so với năm trước. Khoản giải ngân cho vay cũng đạt mức cao nhất trong lịch sử.
Với những mảng làm ăn mới đầy tiềm năng này, Grab hứa hẹn sẽ cải thiện được doanh thu và khắc phục các khoản lỗ. Không chỉ Grab, các dịch vụ gọi xe các cũng sẽ tiếp tục tìm cách mở rộng mảng kinh doanh trong tình hình gọi xe ngày càng thất thế và bị siết chặt hiện nay. Gojek cũng đã là một siêu ứng dụng ngang hàng với Grab. Be ngày càng thêm nhiều dịch vụ và FastGo vừa mở thêm kinh doanh cho thuê xe tự lái. Mô hình gọi xe nguyên thủy có lẽ sắp tới hồi kết.
QUÂN BẢO