Xu thế tích hợp nhiều tiện ích tại một địa điểm đang trở thành chiến lược phát triển mà một loạt ông lớn của Việt Nam như Vingroup, Thaco, Masan hay Shine30 hướng đến.
>>eKYC và xu hướng One Stop Shopping trên thế giới và tại Việt Nam
“Một điểm dừng - nhiều tiện ích” là kiểu mô hình kết hợp nhiều loại hình dịch vụ, thông thường là nhà hàng, cửa hàng tạp hóa kết hợp với trạm sửa xe, điểm dừng chân tiếp năng lượng. Đây là xu thế hiện được khá nhiều ông lớn của Việt Nam hướng đến.
Mới đây nhất có thể kể đến Thaco, nhà sản xuất xe ô tô vừa sở hữu thương hiệu siêu thị Emart từ tháng 5/2021. Khi ở dưới trướng chủ cũ là một công ty Hàn Quốc, Emart hoạt động ổn định nhưng không thể mở thêm chi nhánh mới. Còn trong năm đầu tiên về với Thaco, Emart dự kiến sẽ đưa vào hoạt động thêm 2 siêu thị tại Sala - Thủ Thiêm và Phan Huy Ích - Gò Vấp.
Và không phải tự dưng mà một công ty sản xuất ô tô như Thaco lại chú ý đến thương hiệu siêu thị như Emart. Bởi theo chia sẻ của ông Trần Bá Dương, chủ tịch công ty, Thaco đang hướng đến mô hình “một điểm dừng, nhiều tiện ích”. Tức là Thaco mong muốn tích hợp đại siêu thị cùng với showroom ô tô và các dịch vụ thương mại khác để đem đến sự tiện lợi cho khách hàng.
Nếu Thaco chỉ là đang ở thì tương lai, thì Masan đã biến mô hình này thành thực tế. Cụ thể vào giữa năm 2021, Masan Group chi 15 triệu USD để mua 20% vốn Phúc Long, triển khai kiot Phúc Long ngay tại các cửa hàng WinMart/Winmart+.
>>Masan bỏ 110 triệu USD cho 31% cổ phần Phúc Long: Trả giá có quá đắt?
Từ thành công của sự kết hợp này, Masan tiếp tục xây dựng và thí điểm mô hình mini-mall, nơi phục vụ đa dạng sản phẩm và dịch vụ thiết yếu như nhu yếu phẩm, dược phẩm, tài chính, giải trí, viễn thông, v.v..
Còn 30Shine, hệ thống salon tóc nam nổi tiếng của Việt Nam, cũng đang ấp ủ những kế hoạch tương tự. Theo chia sẻ của Tổng Giám đốc Quân Ngô, 30Shine có kế hoạch mở thêm dịch vụ rửa xe, vệ sinh giày, v.v. để phục vụ khách trong thời gian khách chờ cắt tóc.
Trên thực tế, mô hình “một điểm đến - nhiều tiện ích” không hề mới. Đã có nhiều công ty trên thế giới thực hiện, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến Tesla.
Theo đó, ý tưởng của Tesla là khi khách hàng dừng chân ở các trạm sạc điện xe, thì trong thời gian chờ đợi, họ sẽ có nhu cầu ăn uống, mua sắm. Từ giữa năm 2018, Tesla đã có kế hoạch xây dựng nhà hàng phục vụ tài xế ở trạm sạc tại Los Angeles. Rồi đến giữa năm 2021, Tesla đăng ký hẳn 3 nhãn hiệu mới cho dịch vụ nhà hàng.
Elon Musk, CEO của Tesla, xác nhận ý tưởng này khi nói rằng sẽ tích hợp các quán ăn tại trạm sạc xe công cộng của Tesla, cũng như cung cấp bỏng ngô và chiếu các đoạn phim hay.
Quay trở lại với câu chuyện ở Việt Nam. Trong quá trình phát triển, Masan thu nhận những thành công bước đầu, khi công ty này cho biết các cửa hàng thí điểm mini-mall đều thu được những kết quả khả quan.
Tuy nhiên mô hình “một điểm đến - nhiều tiện ích” cần đầu tư rất lớn, chỉ phù hợp với các tập đoàn lớn. Ngoài ra mô hình này vẫn còn khá mới ở Việt Nam. Do đó vẫn cần thêm thời gian để đánh giá mức độ thành công của hướng đi này.
Có thể bạn quan tâm