FPT vừa tuyên bố khai tử thương hiệu Truyền hình FPT, hợp nhất vào dịch vụ streaming FPT Play. Một động thái cho thấy Streaming đang dần lấn át truyền hình truyền thống.
FPT vừa tuyên bố khai tử thương hiệu Truyền hình FPT, hợp nhất vào dịch vụ streaming FPT Play. Một động thái cho thấy Streaming đang dần lấn át truyền hình truyền thống.
Tuần qua, đại diện FPT đã thông báo tuyên bố hợp nhất dịch vụ truyền hình FPT và dịch vụ streaming (truyền hình trực tuyến) FPT Play dưới tên duy nhất FPT Play, sau một thời gian chạy song song cả hai.
Cũng giống như các dịch vụ streaming khác, FPT Play sở hữu kho nội dung phim truyện, TV show cùng gần 20 kênh truyền hình trong nước và quốc tế. Người dùng có thể đăng nhập và xem cùng lúc trên nhiều thiết bị, tùy thuộc vào gói cước đăng ký.
Không chỉ riêng FPT Telecom hay thị trường Việt Nam, thị trường quốc tế cũng đang ghi nhận sự chuyển biến mạnh mẽ từ truyền hình truyền thống (cáp, vệ tinh, v.v.) sang streaming. Ví dụ điển hình nhất là việc Disney cho tạm dừng hoạt động các kênh truyền hình tại Đông Nam Á và Hồng Kông.
Theo đó, các kênh bị tạm dừng đều là những cái tên khá quen thuộc như Fox, Fox Life, Fox Action Movies, Fox Sports, Disney channel, Disney Junior, v.v.. Đại diện Disney cho biết việc tạm dừng này là để sắp xếp lại các nguồn lực nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh.
Ra mắt năm 2019 tại Hoa Kỳ, Canada và Hà Lan, Disney + đã ghi dấu ấn cực kỳ to lớn. Với hơn 100 triệu lượt đăng ký chỉ sau 16 tháng ra mắt, đây chính là đối thủ đáng gờm nhất hiện nay của Netflix.
Ngày 23/2/2021, Disney + chính thức chào sân Đông Nam Á tại Singapore, sau đó là Indonesia. Disney cho biết họ sẽ tiếp tục triển khai dịch vụ ở nhiều quốc gia trong khu vực, bao gồm cả Hồng Kông. Vậy nên không có gì khó hiểu khi Disney + mạnh tay chấm dứt hàng loạt chương trình truyền hình ở khu vực Đông Nam Á như vậy.
Dù không cắt giảm kênh truyền hình như Disney, nhưng một số đơn vị đài truyền hình truyền thống đã và đang ra mắt rất nhiều ứng dụng streaming song song. Chẳng hạn VTV có VTV Go, hoặc HBO có HBO Go.
Việc những FPT hay Disney tập trung phát triển mảng streaming thay vì truyền hình truyền thống không phải là điều bất ngờ. Bởi giờ đây khán giả đã dần quay lưng với truyền hình truyền thống.
Chẳng hạn, theo thống kê, trong năm 2020, có đến 6 triệu hộ gia đình tại Hoa Kỳ đã chấm dứt các gói truyền hình truyền thống - con số cao nhất từ trước đến giờ. Số tiền dành cho quảng cáo trên TV cũng giảm 15%.
Thứ nhất, vì dịch bệnh và giãn cách xã hội, mọi người sẽ ở nhà nhiều hơn, nhu cầu xem các nội dung giải trí cũng tăng cao. Do đó, những dịch vụ vừa tiện dụng (có thể xem trên nhiều thiết bị, từ TV, máy tính cho đến điện thoại) vừa phát theo yêu cầu (thích gì xem đó) như streaming quả thực là một loại hình giải trí không thể bỏ qua.
Thứ hai, một bộ phận rất đông khán giả bắt truyền hình cáp vì muốn xem trực tuyến các trận đấu thể thao. Tuy nhiên vì dịch bệnh, thể thao không thể diễn ra, vì vậy họ dần cắt giảm đi các gói đăng ký truyền hình truyền thống. Khi thể thao quay lại, khán giả vẫn không dùng lại truyền hình truyền thống.
Thứ ba, các dịch vụ streaming đều có giá cả rẻ hơn so với truyền hình truyền thống, ngoài ra nội dung rất đa dạng, cài đặt lại dễ dàng.
Và cuối cùng, những hạn chế trước đây của dịch vụ streaming là kết nối internet yếu, tải lâu, chất lượng video không cao. Thế nhưng trong những năm gần đây, với sự phát triển của công nghệ băng thông rộng, mạng cáp quang hoặc mạng 5G, thì vấn đề này không còn gì đáng ngại.
Khi ngày càng có nhiều người dùng hướng về dịch vụ streaming, thì chắc chắn các ông lớn ngành truyền thông/giải trí cũng sẽ không nằm ngoài cuộc chơi. Không chỉ là tăng cường sản xuất các nội dung độc quyền, họ còn rất chịu chi để thâu tóm và hợp nhất những đơn vị sản xuất nội dung khác.
Chẳng hạn Amazon đã mua lại MGM, hoặc công ty viễn thông hàng đầu nước mỹ AT&T đang có kế hoạch hợp nhất các đơn vị trong WarnerMedia, bao gồm HBO và CNN. Nếu thương vụ này thành công, họ sẽ trở thành đơn vị cung cấp nội dung lớn nhất thế giới, cạnh tranh trực tiếp với những ông lớn cùng ngành như Netflix, Disney hay Amazon.
Khi dịch vụ và nội dung ngày càng đa dạng, khán giả sẽ càng sử dụng dịch vụ streaming nhiều hơn (vì họ được lợi). Với nhu cầu đang không ngừng tăng cao như vậy, dự báo trong tương lai streaming vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ, chiếm ngôi truyền hình truyền thống. Các công ty truyền hình Việt Nam chắc chắn không thể bỏ qua xu hướng này.
QUÂN BẢO