Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) kiến nghị nhiều giải pháp hồi phục sản xuất và duy trì chuỗi cung ứng cho ngành sản xuất da giày.
Trái với những tín hiệu hồi phục trong những tháng đầu năm, ngành da giày đang đối mặt nỗi lo xu hướng xuất khẩu sẽ giảm xuống trong các tháng cuối năm nay, do tác động của đại dịch COVID-19, 80% nhà máy tạm dừng hoặc phải giảm năng suất lao động.
Nếu 7 tháng đầu năm nay, ước tính tổng kim ngạch xuất khẩu da giày đạt 14,2 tỷ USD, tăng 25,3% và đang trên đà tiếp tục tăng trưởng, thì thời điểm hiện tại, ngành này đối mặt nỗi lo xu hướng xuất khẩu sẽ giảm xuống trong các tháng cuối năm, do tác động của đại dịch COVID-19, 80% nhà máy phải giảm năng suất lao động hoặc thậm chí là tạm dừng sản xuất.
Cụ thể, trong hơn 1 tháng qua, các doanh nghiệp da giày khu vực phía Bắc dù vẫn hoạt động nhưng với công suất chỉ 50% do thiếu nguyên phụ liệu từ các nhà máy phía Nam. “Trong khi đó, việc nhập khẩu từ Trung Quốc cũng không thuận lợi do việc di chuyển gặp khó khăn khi nguyên phụ liệu ngành da giày nhập khẩu chính từ Trung Quốc (60%), tiếp đến là Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Những khó khăn hiện nay đã khiến nhiều đối tác của ngành da giày dần chuyển đơn hàng sang các nước khác”, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) cho biết.
Điều này dẫn tới phản ứng ngưng trệ dây chuyền, ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Pousung Việt Nam cho biết: “Đặc thù của ngành da giày là sản xuất theo dây chuyền. Tình trạng ngưng trệ sản xuất không chỉ xảy ra với doanh nghiệp ngành giày da, mà có nhiều doanh nghiệp khác cùng ngành nghề, doanh nghiệp cung ứng nguyên vật liệu… khiến kế hoạch sản xuất ngưng trệ”.
Đặc biệt, dù nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến cuối năm nay, nhưng rất nhiều khó khăn khiến doanh nghiệp khó giữ tiến độ giao hàng cũng như duy trì lực lượng công nhân.
"Mặc dù chúng tôi đã có đơn hàng đến hết tháng 12/2021 nhưng nguyên vật liệu về chậm, giá tăng 10 - 30%; vận chuyển khó khăn; thực hiện sản xuất "3 tại chỗ" không phù hợp do mật độ lao động dày đặc là những khó khăn doanh nghiệp đang phải đối mặt. Và nếu dịch bệnh kéo dài, đơn hàng sẽ không thực hiện được, hoặc chậm trễ, khách hàng sẽ cắt đơn hàng. Vì vậy, doanh nghiệp phải bồi thường cho khách hàng. Sau dịch, khả năng mất đơn hàng là rất lớn, để khôi phục lại hết sức khó khăn", ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định lo lắng.
Các doanh nghiệp đều cho rằng, việc thực hiện biện pháp "3 tại chỗ" không phù hợp với ngành da giày, không đảm bảo phòng dịch bệnh do đặc thù ngành rất đông công nhân. Mô hình sản xuất “3 tại chỗ” chỉ phù hợp với một số ngành như dệt, sợi sử dụng ít nhân công.
Do đó, Phó Chủ tịch LEFASO cho biết, đã cùng các nhãn hàng quốc tế bàn thảo và sẽ kiến nghị lên Chính phủ. "Thứ nhất là đẩy mạnh khả năng tự test nhanh trong nội bộ các nhà máy để duy trì sản xuất theo mô hình 2 tại chỗ. Thứ hai là mua vaccine, doanh nghiệp sẵn sàng chung tay cùng với Nhà nước để có nguồn kinh phí tiêm miễn phí cho người lao động", Phó Chủ tịch, Tổng Thư Ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, Phan Thị Thanh Xuân nhận định
Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt, ngành da giày sẽ có cơ hội thực hiện các đơn hàng xuất khẩu, giữ được mục tiêu khoảng 22-23 tỉ USD năm nay.
Nhưng để hiện thực được mục tiêu này, tại công văn góp ý vào dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về việc hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 mới đây, LEFASO đưa ra một loạt góp ý ở cả góc độ phục hồi sản xuất.
Cụ thể, đối với phương án phục hồi sản xuất, Hiệp hội góp ý bổ sung giao Bộ Y tế xây dựng Bộ Tiêu chí về sản xuất an toàn thời dịch cho các hình thức vận hành khác nhau, để các địa phương có khung nhằm đánh giá các phương án hoạt động do doanh nghiệp đệ trình.
Ví dụ như cần có Bộ Tiêu chí về “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến” cố định. Ngoài ra, cần thiết ban hành Bộ Tiêu chí để doanh nghiệp áp dụng “2 tại chỗ” hoặc “4 xanh” theo tỷ lệ nâng dần công suất từ 30-50-70%, có tính đến thực tế đại bộ phận người lao động trong các ngành xuất khẩu thâm dụng lao động hiện nay chưa được tiêm vaccine, hoặc tỷ lệ phủ mũi 1 rất thấp và sẽ mất nhiều tháng nữa mới phủ được mũi 2. Cùng với đó là Bộ Tiêu chí để doanh nghiệp áp dụng kể cả khi người lao động đã tiêm 1 hoặc đủ 2 mũi vaccine.
Ngoài ra, LEFASO kiến nghị bổ sung quy định giao Bộ Y tế và Bộ Công Thương phối hợp để ra Quy trình tiêu chuẩn, giúp các địa phương đánh giá được mức độ rủi ro trong hoạt động của doanh nghiệp nhằm hạn chế tối đa việc đóng cửa doanh nghiệp.
Hiệp hội cũng góp ý bổ sung giao Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu và cho phép doanh nghiệp áp dụng Điều 108 của Bộ Luật Lao động để vượt trần thời gian làm thêm giờ cả mức tháng và mức năm; có thể cân nhắc cho phép áp dụng Điều 108 trong tình hình đặc biệt hiện nay đến hết năm 2021.
“Nếu chỉ nâng mức trần theo tháng thì rất nhiều doanh nghiệp cho đến nay đã dùng gần hết mức trần của năm, do đó sẽ không còn dư địa để đẩy nhanh tốc độ sản xuất nhằm bù đắp cho thời gian đã mất, cũng như người lao động sẽ phục hồi thu nhập càng chậm hơn”, bà Phan Thị Thanh Xuân phân tích.
LEFASO cũng đề xuất cho phép doanh nghiệp thương lượng về lương sau 14 ngày đóng cửa đầu tiên với người lao động theo hình thức tập thể, với Công đoàn là đại diện người lao động. Bởi theo Phó Chủ tịch LEFASO: “Đa phần các doanh nghiệp phía Nam đã đóng cửa trên 1 tháng và đang gặp rất nhiều khó khăn khi thương lượng chế độ với từng cá nhân người lao động riêng lẻ qua điện thoại, zalo,.., đặc biệt là với những doanh nghiệp có hàng nghìn hoặc vài chục nghìn lao động. Việc thương lượng tập thể này đặc biệt quan trọng, giúp doanh nghiệp giữ chân được người lao động và giảm chi phí tuyển dụng lại”.
Hiệp hội cũng đề nghị dừng thu kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn trước mắt đến 30/6/2022; Miễn đóng đến 31/12/2021 cho doanh nghiệp nằm trong các địa phương thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ.
Đáng chú ý, để giảm chi phí cho sản xuất, Lefaso cũng đề nghị giảm 30% giá điện cho các doanh nghiệp đến hết năm 2021. Các địa phương không điều chỉnh giá thuê đất trong điều kiện các doanh nghiệp phải gồng mình chống dịch và nghiên cứu giảm tiền thuê đất 50% cho doanh nghiệp ở các địa phương áp dụng Chỉ thị 16.
“Thành phố Hải Phòng dừng thu phí cảng biển đến 31/12/2021 và nghiên cứu giảm 50% cho năm 2022. TP. HCM hoãn áp dụng thu phí cảng biển cho đến 30/6/2022. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng không hạ hạn mức tín dụng đối với với những doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19, tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 0,5% - 1%/năm và giãn thời gian trả nợ gốc và lãi của năm 2021 và 2022”, đại diện Lefaso đưa ra kiến nghị.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 08/06/2021
04:00, 05/02/2021
19:42, 23/12/2020
02:31, 03/10/2020