Thời gian qua, thị trường đá Hà Tĩnh “bế tắc” đầu ra, khiến nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, số còn lại cũng chỉ hoạt động lay lắt…
Nhiều năm trước, huyện Kỳ Anh (nay được tách thành thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) thu hút hàng chục dự án, trong đó phải kể đến dự án xây dựng khu Gang thép Hưng nghiệp Formosa và cảng biển Sơn Dương tại Khu kinh tế Vũng Áng.
Một thời hoàng kim
Thời điểm đó, trên địa bàn huyện Kỳ Anh và Thị xã Kỳ Anh đã có đến khoảng hơn 50 mỏ đá được cấp phép hoạt động. Các mỏ đá ngày đêm hoạt động rầm rộ, những công trường tấp nập lượng xe tải ra vào “ăn” hàng. Thậm chí, công nhân phải tăng ca mới có đủ sản phẩm cấp cho nhà thầu.
“Có thời điểm nhu cầu cao trong khi đó số lượng xe tải không đáp ứng đủ, phải thuê xe từ Quảng Bình ra với giá thành khá cao nhưng vẫn phải chấp nhận. Nhiều doanh nghiệp mua thêm xe tải và giàn xay để vận chuyển đá kịp tiến độ cho các công trình”, chủ một doanh nghiệp đá nhớ lại.
Lãnh đạo một địa phương cho biết, vào khoảng năm 2011 – 2014 là thời kỳ các doanh nghiệp khai thác đá kinh doanh sôi động nhất. Tiếng nổ mìn, tiếng máy xay, nghiền đá vang cả một vùng trời. Mỗi ngày, có hàng trăm chuyến xe tải chở đá chạy qua địa bàn. Đặc biệt, các doanh nghiệp khai thác đá đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, đem lại nguồn thu hàng chục tỷ đồng.
Doanh nghiệp tháo chạy
Rầm rộ là thế, nhưng từ năm 2015 nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng tại đại công trường Formosa và các dự án tại Khu kinh tế Vũng Áng sụt giảm đáng kể, khiến nhiều doanh nghiệp đá bắt đầu rơi vào cảnh ế ẩm. Từ 100% công suất, nay giảm xuống còn 50%, thậm chí nhiều mỏ chỉ còn lại 30%.
Có thể bạn quan tâm
21:12, 04/03/2020
21:54, 17/02/2020
01:45, 12/02/2020
00:00, 08/02/2020
10:31, 07/02/2020
Năm 2013, Công ty TNHH Xây lắp và Khai thác vật liệu xây dựng Thanh Nam cũng được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp quyền khai thác khoáng sản đá với diện tích 12 ha, trữ lượng 12 triệu tấn tại phường Kỳ Long (Thị xã Kỳ Anh). Nhưng đến 2018, Công ty mới bắt đầu tiến hành khai thác nhưng hoạt động cũng rất cầm chừng, sản lượng không đáng kể.
Hiện nay phần lớn các mỏ đá ở huyện Kỳ Anh đã tạm dừng hoạt động, chỉ còn chờ làm thủ tục phá sản. Trong cơ bĩ cực ấy, nhiều doanh nghiệp đã ồ ạt tháo chạy khỏi địa bàn hoạt động...
Theo cán bộ quản lý máy móc của công ty này thì trước đây Công ty đấu thầu mỏ đá với kỳ vọng cung cấp vật liệu cho một doanh nghiệp lớn trên địa bàn nhưng sau đó không thành công. “Năm 2019, Công ty chỉ khai thác khoảng 7.000 tấn giúp cho đơn hàng xuất khẩu của một đơn vị khác. Từ đầu năm 2020 tới nay, thị trường xuất khẩu đang gặp khó khăn, còn thị trường nội địa tiêu thụ không đáng kể nên chỉ hoạt động cầm chừng”, người quản lý cho biết. Đây cũng chính là tình cảnh chung của hơn 50 doanh nghiệp kinh doanh mỏ đá tại Kỳ Anh.
Trao đổi với báo DĐDN, ông Phan Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Khai thác và Chế biến đá Kỳ Anh buồn bã: “Thời kỳ “ăn theo” dự án Formosa có khoảng hơn 50 mỏ đá, giải quyết hơn 2.500 lao động, tuy nhiên hiện nay chỉ còn khoảng hơn 30 mỏ đá. Đáng nói hơn, trong số những mỏ còn duy trì hoạt động, thì chỉ có 5- 6 mỏ còn hoạt động cầm chừng. Hầu hết các mỏ đã tạm dừng hoạt động, chỉ còn chờ làm thủ tục xin phá sản. Trong cơn bĩ cực ấy, nhiều doanh nghiệp đã ồ ạt tháo chạy khỏi địa bàn như mỏ đá Khe Giàn, Hồng Sơn, Đá Dàn, Cơn Tria…”.
Kỳ II: Bất cập trong cách tính thuế