Để đảm bảo số lượng nhân công phục vụ sản xuất, nhiều doanh nghiệp trêm địa bàn TP Đà Nẵng chấp nhận giảm doanh thu nhằm bảo đảm nguồn thu nhập “níu chân” người lao động.
>>Đà Nẵng mời doanh nghiệp ICT Hàn Quốc đến phát triển tại địa phương
Dịch bệnh đã khiến các doanh nghiệp đối mặt với hàng loạt khó khăn, tuy nhiên phần lớn các đơn vị vẫn cố gắng cầm cự để duy trì sản xuất.
Đảm bảo đời sống người lao động
Là địa phương chịu sự tác động tiêu cực nặng nề của dịch COVID-19, TP Đà Nẵng đang nỗ lực để khôi phục kinh tế - xã hội sau một thời gian dài áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt. Trong đó, các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn là những đơn vị phải chịu nhiều áp lực để thực hiện công cuộc tái thiết sản xuất.
Quan trọng nhất đối với bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp cần một lượng nhân công vừa đủ để tiếp tục sản xuất. Do đó, bản thân các doanh nghiệp xác định phải đảm bảo sức khỏe, đời sống của người lao động để lực lượng này yên tâm làm việc.
Ông Huỳnh Văn Chính - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Dệt may 29/3 cho biết trước đó doanh nghiệp đã từng xuất hiện F0 đang làm việc nên gần 2.000 công nhân phải thực hiện phương châm “3 tại chỗ”. Để tuân thủ các phương án phòng, chống dịch tối đa, lãnh đạo công ty chấp nhận chịu nhiều khoản lỗ lớn chỉ để đảm bảo bữa ăn chất lượng, đủ chất cho công nhân.
“Trong thời gian thực hiện phương châm “3 tại chỗ”, Công ty xác định tư tương phải bảo vệ được nguồn lực lao động, sẵn sàng sản xuất trong và ngay sau dịch. Nhờ vào sự động lòng của người lao động và Công ty, việc khôi phục sản xuất được diễn ra đúng dự kiến và hoàn thành các đơn hàng theo đúng hợp đồng đã ký”, ông Chính cho hay.
>>Chủ tịch phường tại Đà Nẵng hỗ trợ người dân tiêu thụ thủy sản
>>Vì sao Đà Nẵng chưa di dời ga đường sắt?
Không chỉ Công ty CP Dệt may 29/3, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TP Đà Nẵng cũng đã triển khai nhiều phương án hỗ trợ người lao động để đảm bảo nguồn lực hoạt động tại đơn vị. Trong đó, có nhiều đơn vị chủ động tìm địa điểm lưu trú, giao khoán công việc, sản phẩm để công nhân nhận về nhà làm hay tăng tiền thưởng năng suất.
Từ những cách làm việc linh động, các doanh nghiệp đã giảm được các thiệt hại về kinh tế từ những đơn hàng cấp thiết. Mặc dù kinh phí duy trì có tốn kém, tuy nhiên các doanh nghiệp vẫn “níu chân” được người lao động ở lại để phục vụ sản xuất cho các đơn hàng cuối năm nhằm phục hồi kinh tế.
Từ “níu chân” người lao động đến phục hồi sản xuất
Ông Trần Mạnh Huy - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VBPO cho hay thừa nhận phía Công ty đã phải chịu sút giảm doanh thu khoảng 30% vì ảnh hưởng dịch bệnh cũng như thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Tuy nhiên, ông Huy cũng cho rằng trong bối cảnh hiện tại người lao động mới là vốn quý nhất của doanh nghiệp.
“Do đó, VBPO đã cố gắng duy trì số lao động, không cắt giảm lương, phụ cấp cho gần 400 nhân viên tại Đà Nẵng xuyên suốt mùa dịch. Để giữ chân người lao động, phía Công ty đã nỗ lực để được tiếp cận nguồn vaccine sơm, ngoài ra việc truyền thông nội bộ để người lao động yên tâm làm việc cũng góp phần rất quan trọng. Nếu tình hình ổn định, các mức thưởng Tết sẽ được chi trả tương đương các năm trước”, ông Trần Mạnh Huy chia sẻ.
Thông tin từ ông Nguyễn Thanh Diệp - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.Đà Nẵng hiện nay nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn TP Đà Nẵng hiện nay là rất lớn. Trong bối cảnh hiện tại có không dưới 4.000 vị trí việc làm đang đăng tuyển, do đó cơ hội để người lao động và doanh nghiệp tìm thấy nhau ở ngay trước mắt.
“Vì tâm lý e ngại dịch bệnh bùng phát trở lại nên nhiều người chọn cách tìm việc ở quê nhà. Tuy nhiên, chúng tôi xác định mục tiêu hiện tại là liên kết với các tỉnh thành khác để đẩy mạnh các phiên giao dịch việc làm, đón người lao động trở về thành phố làm việc để thúc đẩy khôi phục sản xuất trên địa bàn”, ông Diệp nói.
Được biết, UBND TP Đà Nẵng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Tổ công tác đặc biệt này có nhiệm vụ tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất trong thời gian tới.
Trong bối cảnh hiện tại, các đơn vị liên quan tích cực nắm bắt, tiếp cận thông tin và kịp thời có tiếp thu các, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp. Đồng thời, tổ công tác cũng có nhiệm vụ tham mưu cho UBND TP Đà Nẵng về vấn đề hỗ trợ, giải quyết các khó khăn, giúp doanh nghiệp sớm phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, gắn liền khôi phục kinh tế với công tác phòng, chống dịch.
Có thể bạn quan tâm
Du lịch Đà Nẵng ảm đạm dù đã mở cửa hơn một tháng
11:45, 01/12/2021
Đà Nẵng có khu Data Center với tổng mức đầu tư khoảng 100 triệu USD
20:02, 23/11/2021
Cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp F&B trong mùa dịch tại Đà Nẵng
14:08, 22/11/2021
Ảm đạm thị trường vé xe, tàu Tết Đà Nẵng
06:45, 20/11/2021