Vì lợi nhuận doanh nghiệp mới đầu tư sản xuất nhưng doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm với xã hội, bản thân doanh nghiệp và khách hàng của mình.
Đây là chia sẻ của GS. Harry Futselaar, Chuyên gia về công nghệ nước – Đại học khoa học ứng dụng Saxion Hà Lan tại Hội thảo quốc tế về quản lý và tái sử dụng tài nguyên nước tại khu vực đô thị, do trường ĐH Kinh tế quốc dân tổ chức.
- Doanh nghiệp khi đầu tư vào khâu thu gom và xử lý nước thải sẽ có lợi ích gì, thưa ông?
Nếu không đầu tư vào khâu xử lý nước thải trước thì bản thân doanh nghiệp đó cũng sẽ bị ảnh hưởng. Chính nguồn nước thải có thể là nguồn đầu tiên sản xuất ra nước uống ở những nơi khác. Do đó, nếu doanh nghiệp đầu tư vào khâu này thì không chỉ mang lại lợi nhuận cho chính doanh nghiệp của họ, mà còn làm lợi cho chuỗi các doanh nghiệp khác trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 07/12/2019
11:05, 14/11/2019
05:00, 12/11/2019
11:09, 21/10/2019
- Hà Lan đã làm những gì để khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực này, thưa ông?
Ngoài việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, Chính phủ Hà Lan cũng phải bù đắp lại lợi ích cho phía nhà đầu tư hay doanh nghiệp. Ví dụ, giảm thuế, ưu đãi giá thuê nhà xưởng… Lợi ích này sẽ tạo ra động lực cho doanh nghiệp đầu tư. Ở Hà Lan có câu nói, người nào gây ra ô nhiễm thì sẽ phải “bồi thường” lại ô nhiễm. Mỗi hộ gia đình sẽ phải trả tiền tùy theo các mức giá khác nhau cho lượng rác thải hoặc nước thải mà họ thải ra môi trường. Chính người gây ô nhiễm sẽ phải chịu trách nhiệm với việc hạn chế gây ô nhiễm trước khi doanh nghiệp đầu tư vào khâu xử lý nước thải.
Số lượng người trong một gia đình cũng ảnh hưởng đến số lượng rác thải. Ví dụ, 1 người trong 1 gia đình tạo ra rác thải thì sẽ chỉ phải trả 1 đơn vị tiền cho rác thải đã thải ra, nhưng có 3 người thì sẽ phải trả gấp 3 lần. Vì thế sẽ có một khoản tiền lấy được từ những người gây ô nhiễm, và khoản tiền này có thể hỗ trợ cho các nhà đầu tư hay cho những tổ chức làm sạch môi trường. Tất cả các doanh nghiệp ở Hà Lan đều phải tuân theo luật pháp cũng như chính phủ. Như vậy, nếu chúng ta bắt đầu từ mỗi cá nhân hay từng hộ gia đình thì sẽ tốt hơn cho cả một dây chuyền, và không đổ dồn hết về phía doanh nghiệp.
- Để tạo ra sự hấp dẫn cho các doanh nghiệp đầu tư vào khâu xử lý nước thải, chính phủ Hà Lan đã có những chính sách gì, thưa ông?
Chính phủ Hà Lan làm việc rất sát sao với mỗi doanh nghiệp tư nhân, có thể “tạm ứng” một khoản tiền trước cho doanh nghiệp và yêu cầu phía doanh nghiệp phải cam kết đảm bảo đúng theo tiêu chuẩn đã ký kết với chính phủ. Hoặc doanh nghiệp có thể vay vốn ngân hàng với mức lãi suất ưu đãi nhất. Những hệ thống xử lý nước thải phức tạp, cần khoản đầu tư lớn chính phủ sẽ đầu tư, doanh nghiệp tham gia vận hành tốt hệ thống và tạo ra được lợi nhuận khi xử lý nguồn nước thải thì sẽ được giữ lại số lợi nhuận đó, chính phủ không thu lại khoản tiền này. Còn nếu không tạo ra được thì chính phủ cũng không yêu cầu doanh nghiệp phải đóng lại số tiền này.
Tuy nhiên, ở đây sẽ có mức thang đo chất lượng xử lý nguồn nước thải của doanh nghiệp, nếu làm quá tệ thì sẽ bị xử phạt bằng cách trả tiền thuế cho chính phủ nhiều hơn. Tóm lại, chính phủ sẽ điều phối tất cả các chương trình này, và cuối cùng cái gì cũng quay về thuế. Nếu doanh nghiệp làm tốt thì sẽ được hưởng lợi nhuận và ưu đãi từ chính phủ, còn làm tồi tệ hơn thì sẽ bị phạt rất nặng.
- Xin cảm ơn ông!