Sau khi EVFTA được ký kết, thị trường xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam được mở rộng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành này cũng đối mặt với không ít thách thức.
Cơ hội lớn...
Mới đây, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) được ký kết đã mở ra nhiều cơ hội cho cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, đối với các mặt hàng dệt may, thuế sẽ được xóa bỏ dần trong vòng 7 năm xuống 0%.
Ông Trần Quốc Khánh – Thứ trưởng Bộ Công Thương, Trưởng đoàn Đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế kỳ vọng, việc giảm thuế này sẽ mang đến chất xúc tác lớn cho các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu sang thị trường EU. "Quy tắc xuất xứ của EVFTA đối với mặt hàng dệt may sẽ đơn giản hơn so với CPTPP. Đối với CPTPP yêu cầu phải đáp ứng Quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi, có nghĩa là các công đoạn từ sợi – vải – cắt may đều phải thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, còn EVFTA chỉ yêu cầu từ vải", ông Khánh cho biết.
Có thể bạn quan tâm
01:50, 03/08/2019
00:09, 31/07/2019
15:37, 30/07/2019
11:56, 25/07/2019
EU cũng đồng ý cho phép tất cả các quốc gia sẽ ký FTA với EU sẽ được tính cộng gộp xuất xứ với những nước đã có FTA với EU. Do đó, Việt Nam hoàn toàn có quyền nhập khẩu vải từ Hàn Quốc sản xuất các mặt hàng may mặc để xuất khẩu sang thị trường EU nhằm hưởng ưu đãi về thuế quan.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam nhận định, đây là một trong những thời cơ phát triển bền vững của ngành dệt may trong những năm 2025-2030, chúng ta sẽ có rất nhiều lợi thế từ những dòng đầu tư từ trong nước hay đầu tư từ các nguồn vốn FDI.
... nhưng thách thức không nhỏ
Bên cạnh những cơ hội lớn từ thị trường Châu Âu, để trụ vững được ở "sân chơi" rộng lớn này, các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam cần hóa giải rất nhiều thách thức.
Ông Lương Hoàn Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng: Khâu yếu nhất hiện nay của ngành dệt may là khâu dệt và điểm nghẽn là nhuộm. Nếu như muốn tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, chúng ta phải nắm được mấu chốt cơ bản của chuỗi cung ứng đó. Nếu không có sự chuẩn bị tổng thể, không có sự tham gia của các bộ ngành địa phương, và không vượt qua thách thức nói trên của ngành dệt may, thì việc tận dụng cơ hội này rất khó. "Trước những thách thức rất lớn đối với những ngành truyền thống như ngành dệt may, bắt buộc chúng ta phải đổi cách kinh doanh từ trước đến nay", ông Thái khẳng định.
Để tận dụng được cơ hội từ EVFTA, ngành dệt may đang gặp phải nút thắt về nguồn cung nguyên liệu bị thiếu hụt, tức phải đáp ứng quy tắc xuất xứ trong hiệp định thương mại tự do này. Cùng với đó là các vấn đề về nguồn nhân lực chất lượng cao, vấn đề môi trường...
Ông Vũ Đức Giang cho rằng, để đạt được mục tiêu lợi ích mà EVFTA mang lại, các bộ ngành, địa phương cần tìm cách giúp doanh nghiệp dệt may khắc phục nguồn cung nguyên liệu bị thiếu hụt, thiết lập chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời đáp ứng yêu cầu các điều khoản hiệp định đưa ra. Đặc biệt với EU, chúng ta phải đáp ứng yêu cầu xuất xứ từ vải.
Hiện nay, mặc dù có rất nhiều nỗ lực, nhưng khoảng 90% nguyên phụ liệu của ngành dệt may Việt Nam đang nhập khẩu từ các nguồn không phải là thành viên của EVFTA và không được ưu đãi cộng gộp trong hiệp định. Đây là một vấn đề vướng mắc của ngành dệt may Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang khẳng định nếu không đáp ứng được các quy tắc xuất xứ, chúng ta xuất khẩu với mức thuế như cũ và không được hưởng ưu đãi. Nếu có nguồn cung nguyên liệu phù hợp và đáp ứng quy tắc xuất xứ có liên quan thì hàng hóa của Việt Nam nói chung và hàng dệt may của Việt Nam nói riêng có thể được hưởng lợi từ ưu đãi thuế quan theo EVFTA.
Do đó, các doanh nghiệp dệt may cần hóa giải những thách thức nói trên thì mới tận dụng được tối đa những cơ hội mà EVFTA mang lại.