Ngành địa ốc đã kết thúc chuỗi 4 quý tăng trưởng âm liên tiếp. Tuy nhiên, thị trường vẫn cần thêm thời gian để khẳng định sự phục hồi bền vững và lấy lại niềm tin của nhà đầu tư.
Báo cáo chiến lược thị trường của VNDIRECT Research ước tính lợi nhuận ròng toàn thị trường của các công ty niêm yết trên ba sàn (HoSE, HNX, UPCoM) tăng 18,8% so với cùng kỳ, nhờ hiệu ứng cơ sở thấp từ quý III/2023.
Tuy nhiên, đà tăng trưởng đã chậm lại khi lợi nhuận quý III/2024 chỉ tăng 1,2% so với quý II/2024 sau khi đã tăng 12,3% theo quý trong quý I/2024. Dù vậy, đây vẫn là sự cải thiện so với quý III/2023 khi lợi nhuận giảm 5,5% theo quý.
Theo ông Đinh Quang Hinh - Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT, nhà đầu tư cần đánh giá kỹ các khía cạnh liên quan tới sức khỏe tài chính và khả năng hoàn thiện thủ tục pháp lý của các dự án đang triển khai để có được sự lựa chọn doanh nghiệp bất động sản phù hợp cho quyết định đầu tư vào cổ phiếu của nhóm này.
Về tình hình tín dụng trong lĩnh vực bất động sản, chuyên gia của VNDIRECT Research cũng nhận định đang chuyển biến tích cực. Tính đến cuối tháng 9 năm nay, tín dụng toàn ngành đã tăng 9,15% so với đầu năm. Việc tín dụng kinh doanh bất động sản tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt mức 16% cho thấy các doanh nghiệp đang có xu hướng ưu tiên kênh huy động vốn thông qua vay ngân hàng.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, tín dụng mua nhà lại tăng trưởng ở mức thấp hơn, chỉ đạt 4,62%. Theo VNDIRECT Research, nguyên nhân có thể đến từ việc người dân e ngại sử dụng đòn bẩy tài chính để mua nhà khi giá nhà tăng nhanh hơn thu nhập khả dụng. Bên cạnh đó, nhu cầu vay mua bất động sản đầu tư, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng cũng giảm đáng kể.
Theo VNDIRECT Research, hiện bất động sản khu công nghiệp vẫn là điểm sáng đầu tư trong năm 2025.
Sự sôi động của thị trường này được thể hiện rõ nét qua tỷ lệ lấp đầy cao tại các tỉnh trọng điểm. Dòng vốn FDI đổ mạnh vào Việt Nam, trong 9 tháng qua, con số này tiếp tục tăng trưởng ấn tượng với tổng vốn FDI đăng ký đạt khoảng 25 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ, điều này đã tạo nên lực đẩy đáng kể cho giá thuê đất khu công nghiệp.
Đặc biệt, các tỉnh thành sở hữu nguồn cung đất dồi dào, kết hợp với hạ tầng giao thông đang được nâng cấp mạnh mẽ như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh và Hưng Yên đang dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng giá thuê. Xu hướng dịch chuyển sản xuất và dòng vốn FDI vào lĩnh vực công nghiệp tiếp tục mở rộng diện tích hấp thụ ròng của các khu công nghiệp.
Với những lợi thế cạnh tranh nổi bật như chi phí sản xuất hợp lý, vị trí địa lý thuận lợi và nền kinh tế tăng trưởng ổn định, Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục là "thỏi nam châm" thu hút dòng vốn FDI trong những năm tới. Xu hướng này sẽ thúc đẩy nhu cầu thuê đất KCN để xây dựng nhà máy và kho xưởng, tạo đà tăng trưởng cho thị trường bất động sản công nghiệp.
Đánh giá về triển vọng bất động sản công nghiệp, ông Đinh Quang Hinh nhận định nguồn cung sẽ dần cải thiện, trong khi giá thuê vẫn tiếp tục xu hướng tăng.
Trong đó, dự báo các tỉnh trọng điểm miền Bắc dự kiến sẽ chào đón khoảng 1.766ha nguồn cung mới trong giai đoạn 2024 - 2026. Ở phía Nam, nguồn cung mới dự kiến sẽ cải thiện từ năm 2025, với hơn 1.598ha đất KCN được bổ sung trong giai đoạn 2024 - 2026, tập trung chủ yếu ở Bình Dương với các dự án đáng chú ý như khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2, khu công nghiệp VSIP 3 giai đoạn 2 và khu công nghiệp Cây Trường.
Nhu cầu thuê đất khu công nghiệp từ các dự án công nghệ cao được dự báo sẽ là động lực chính thúc đẩy giá thuê tại thị trường miền Bắc. Trong khi đó, việc đầu tư nâng cấp hạ tầng sẽ hỗ trợ tăng trưởng giá thuê tại thị trường miền Nam trong giai đoạn 2024 - 2026.
Theo ông Đinh Quang Hinh, những diễn biến của thị trường như đã phân tích, cho thấy cơ hội sẽ dành nhiều hơn cho nhóm cổ phiếu doanh nghiệp khu công nghiệp.