Thị trường bất động sản đang bước vào chu kỳ phục hồi, song tình trạng “sức khoẻ” tài chính của nhiều doanh nghiệp trong ngành còn rất khó khăn.
Đã qua nửa đầu năm 2024, áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn là một vấn đề đau đầu của nhiều doanh nghiệp bất động sản.
Hiện tại, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm các nghĩa vụ thanh toán ước khoảng 209.200 tỷ đồng, chiếm 30% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của toàn thị trường. Trong đó nhóm ngành bất động sản tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn nhất khoảng 68% giá trị chậm trả.
Theo báo cáo mới cập nhật từ Công ty Chứng khoán MBS, giá trị trái phiếu doanh nghiệp mua lại trước hạn trong tháng 8 ước tính khoảng hơn 2.400 tỷ đồng, giảm 93% so với tháng trước, trong đó ngân hàng chiếm 44% và bất động sản chiếm 9%. Lũy kế từ đầu năm đến nay, khoảng hơn 110.300 tỷ đồng trái phiếu đã được mua lại trước hạn, giảm 34% so với cùng kỳ.
Khi áp lực nợ cũ chưa được giải quyết triệt để, cánh cửa tiếp cận vốn mới ngày càng khó khăn đè nặng lên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các công ty bất động sản buộc phải tính đến các phương án khác như phát hành cổ phiếu, bán dự án, vay bằng ngoại tệ.
Điển hình, năm qua Novaland đã phát hành riêng lẻ 2.000 tỷ đồng, phát hành quyền mua 11.700 tỷ đồng cho cổ đông hiện hữu. Bên cạnh đó, Đất Xanh Group cũng phát hành riêng lẻ 1.700 tỷ đồng, phát hành quyền mua 1.800 tỷ đồng cho cổ đông hiện hữu. Hay Phát Đạt đã chốt danh sách cổ đông để phát hành 1.300 tỷ đồng quyền mua cổ phiếu trong tháng 5 vừa qua.
Ngoài ra, một phương án khác được các doanh nghiệp địa ốc thực hiện để có thêm nguồn vốn là bán dự án. Có thể kể đến như Công ty cổ phần Bất động sản Tâm Lực bán cho Gamuda Land một dự án rộng 3,68ha tại TP Thủ Đức với giá 315,8 triệu USD. Tương tự, Becamex IDC bán cho Capitaland dự án khu đô thị Tân Thành rộng 18,9 ha.
Chia sẻ tại một toạ đàm mới đây, ông Lê Hồng Khang - Giám đốc phân tích và xếp hạng tín nhiệm FiinRatings cho biết, trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản về cơ bản vẫn thấp so với trung bình 5 năm trở lại đây. Các doanh nghiệp trong ngành hiện phải đối mặt và xử lý bài toán rất lớn, là khả năng tiếp cận nguồn vốn khó khăn hơn nhiều so với giai đoạn trước.
Theo ông Khang, trước đây các doanh nghiệp bất động sản có thể tiếp cận nguồn vốn đa dạng và linh hoạt. Họ có thể huy động vốn từ các hợp đồng hợp tác đầu tư, từ người mua nhà, trái phiếu, vay ngân hàng… Tuy nhiên, đến nay các kênh này đến nay đều gặp nhiều khó khăn, kể cả với kênh vay vốn ngân hàng.
Trong khi đó, ngân hàng thương mại cũng chịu áp lực rất lớn để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua theo tinh thần của Thông tư 02 và Nghị định 08, cơ cấu nợ cho khách hàng. Do đó, các ngân hàng thương mại khi rót vốn vào dự án bất động sản cũng phải nâng cao tiêu chuẩn đầu tư, sàng lọc rất kỹ các dự án.
Ông Khang nhận định, những dự án có chủ đầu tư pháp lý đầy đủ nhưng không nằm trong phân khúc ngân hàng tập trung đầu tư cũng rất khó để vay vốn. Có thể thấy, “cánh cửa” tiếp cận nguồn vốn đối với doanh nghiệp địa ốc đã hẹp lại. Dòng tiền thu được từ hoạt động đi vay của đa số các doanh nghiệp đều giảm mạnh trong năm 2023, khi thị trường trái phiếu ảm đạm cùng với việc ngân hàng siết chặt về cho vay.
Đề cập về khó khăn trong tiếp cận vốn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, vốn ngân hàng cho vay bất động sản không phải là nhỏ. Tổng dư nợ cho vay bất động sản và kinh doanh bất động sản chiếm gần 22% trên tổng dư nợ của nền kinh tế tính đến ngày 1/8. Dư nợ cho vay trực tiếp kinh doanh bất động sản vào khoảng 1,2 triệu tỷ đồng còn cho vay người tiêu dùng là 1,8 triệu tỷ đồng.
Vị Phó Chủ tịch chia sẻ, ngành ngân hàng cũng đã kiến nghị các cấp ngành sớm hoàn thiện thủ tục hướng dẫn, tháo gỡ để các dự án vướng mắc sớm được đưa vào tiêu thụ. Việc ba luật mới có hiệu lực đang được kỳ vọng sẽ giải quyết những tồn tại và đem lại cơ hội cho những đơn vị kinh doanh bất động sản có năng lực.