Cơ quan kiểm dịch thực vật chuyển quy trình từ lấy ngẫu nhiên 10-20% mẫu sản phẩm, sang lấy mẫu 100% container hàng hóa, đã gây khó cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu điều.
>>>Hạt điều “rộng cửa” vào EU
Theo phản ánh của Hội Điều Bình Phước, từ đầu năm 2023, cơ quan kiểm dịch thực vật chuyển quy trình - từ lấy ngẫu nhiên 10-20% mẫu sản phẩm, chuyển sang lấy mẫu 100% container hàng hóa, đã gây khó cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Hội Điều Bình Phước chia sẻ, chưa năm nào các doanh nghiệp điều gặp khó như lúc này. Hiện hoạt động xuất khẩu ì ạch, giá xuống thấp khiến họ thua lỗ.
Gần đây, các doanh nghiệp tiếp tục "khó chồng khó" khi cơ quan kiểm dịch bố trí cán bộ đi kiểm dịch 100% các lô hạt điều chế biến đã đăng ký xuất khẩu tại các nhà máy.
"Với tỷ lệ kiểm dịch tối đa, lực lượng thực thi lại hạn chế và các nhà máy điều ở xa khiến doanh nghiệp chờ đợi tốn nhiều thời gian, bị động trong việc thực hiện đơn hàng và chậm xoay vòng vốn", ông nói.
Bên cạnh đó, theo các doanh nghiệp phản ánh, quy trình này, thời gian kiểm dịch trước đây trong vòng 24 tiếng, nay tăng lên 3 đến 4 ngày, và vào dịp nghỉ lễ càng lâu hơn. Vì vậy, chi phí quản lý, lưu kho của doanh nghiệp tăng thêm. Chất lượng sản phẩm không tránh khỏi ảnh hường do phải lưu lại kho bãi tạm.
“Các doanh nghiệp phải gắp các container vào bãi để kiểm tra và phải lưu container tại bãi, tại cảng đến khi có kiểm dịch thực vật được phép thông quan. Nếu theo quy định như vậy sẽ làm tăng chi phí rất nhiều, bởi phải thuê cẩu gắp container vào bãi, mỗi lần gắp như vậy chi phí phải mất 500.000 đồng/container”, ông Sơn cho biết.
Ở chiều xuất khẩu, 100% lô hàng cũng lấy mẫu ngay tại kho trước khi được đưa tới cảng. Doanh nghiệp có nhiều nhà máy phải chờ kiểm tra hết các cơ sở sản xuất.
>>>Việt Nam mới chủ động được 30% nguyên liệu hạt điều thô
Do đó, doanh nghiệp kiến nghị cần có danh mục hạn chế hoặc bỏ qua khâu kiểm dịch nếu đã qua sơ chế, khó bị sinh vật ngoại lai xâm nhập.
“Trong quá trình sản xuất, nhân hạt điều đã được làm chín rất kỹ. Điều thô được hấp ở nhiệt độ trên 100 độ C, thời gian hơn 30 phút. Tiếp theo, nhân điều có vỏ lụa được sấy ở nhiệt độ từ 70 đến 80 độ C trong 18 tiếng, tức sản phẩm được thanh trùng. Sau đó, nhân hạt điều được xử lý hun trùng trước khi đóng gói chân không (môi trường không có oxy) trong bao PE/PP, thời gian bảo quản là 24 tháng”, ông Sơn nói.
Lãnh đạo Hội Điều Bình Phước cũng khẳng định với các bước trên, hạt điều đã là thực phẩm nấu chín, rất khó có côn trùng trong sản phẩm xuất khẩu, không có nguy cơ sâu mọt. “Do đó, tôi thấy không cần kiểm dịch 100% lô hàng như hiện nay", ông Sơn chia sẻ.
Đồng thời đề xuất Bộ NN&PTNT xem xét đưa điều nhân vào danh mục không phải kiểm dịch thực vật, hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí và giảm thời gian.
Dẫn chứng từ các quốc gia trên thế giới, ông Sơn cho biết Hoa Kỳ và Australia có quy định kiểm dịch thực vật ngặt nghèo nhưng hạt điều Việt Nam vào đây, họ chỉ kiểm tra với tỷ lệ chưa đến 1%. Vì họ coi hạt điều là thực phẩm đã được làm chín, đóng gói kỹ nên không nguy hại đến môi trường.
Mặc dù lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT khẳng định sẽ xem xét để đề xuất lên Bộ NN&PTNT đưa mặt hàng nhân điều sơ chế và một số mặt hàng nông sản xuất khẩu khác ra khỏi danh mục bắt buộc kiểm dịch nếu thấy không cần thiết, không có nguy cơ để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên hiện chưa có thay đổi nào được thực thi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm cuối năm.
Trong khi đó, theo các doanh nghiệp khẳng định, muốn gia tăng sản lượng xuất khẩu cần loại bỏ quy trình không cần thiết, chỉ nên kiểm dịch chặt chẽ với sản phẩm có cảnh báo từ thị trường hoặc phía đối tác.
Có thể bạn quan tâm
04:39, 09/02/2023
11:15, 02/11/2022
04:00, 15/07/2022