Doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng

THY HẰNG 18/04/2022 04:00

Hợp đồng đã chốt ký từ đầu năm, nếu lương tối thiểu được điều chỉnh từ 1/7/2022 doanh nghiệp phải bỏ ngang hợp đồng, ảnh hưởng công việc, thu nhập người lao động và sự tồn vong của doanh nghiệp.

>>>Lương tối thiểu vùng 2022: "Chốt" mức đề xuất tăng 6% từ 1/7/2022

Mới đây, các thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thông qua phương án tăng lương tối thiểu vùng mức 6% từ ngày 1/7/2022 để báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định.

Người lao động

 Phương án sản xuất, tài chính và đơn hàng của doanh nghiệp đều được xây dựng từ cuối năm trước, do đó, áp dụng tăng lương tối thiểu ngay tháng 7/2022 sẽ "làm khó" doanh nghiệp.

Tuy nhiên, 8 hiệp hội doanh nghiệp trong nước mới có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị lùi thời gian áp dụng tăng lương tối thiểu vùng từ 1/1/2023 nhằm đảm bảo quyền lợi của cả doanh nghiệp và người lao động.

Cụ thể, công văn của các Hiệp hội gồm Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hiệp hội các Nhà sản xuất xe máy Việt Nam.

Theo đó, các Hiệp hội đánh giá, thời điểm áp dụng tăng lương tối thiểu vùng mức 6% từ 1/7/2022 như phương án “chốt” trình Chính phủ của Hội đồng Tiền lương quốc gia sẽ khiến các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.

Vì vậy, các hiệp hội đề nghị Thủ tướng xem xét và cân nhắc giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, lùi thời điểm áp dụng tăng lương tối thiểu vùng, áp dụng từ 1/1/2023 nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị tốt nhất.

Lý giải đề xuất này, các hiệp hội nêu rõ, trong 2 năm 2020 và 2021, dịch Covid-19 bùng phát mạnh và diễn biến khó lường đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp thực sự rất khó khăn và kiệt quệ.

Đến hiện nay, tình trạng người lao động là F0 vẫn tiếp tục xảy ra, thiếu lao động, các doanh nghiệp vẫn đang phải “gồng mình” đối phó với tình hình và kéo theo là tình trạng hậu Covid-19, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất của doanh nghiệp.

Mặt khác, trong thời gian tới có thể sẽ xuất hiện làn sóng mới với biến chủng mới của dịch Covid-19, gây ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp không thể xoay xở kịp để thay đổi chiến lược kinh doanh, kế hoạch sản xuất do thời điểm đã đến quá gần, tất cả các phương án sản xuất, tài chính và đơn hàng của doanh nghiệp đều được xây dựng từ cuối năm trước.

“Hiện nay, các doanh nghiệp đều đã thực hiện tăng lương đầu năm 2021, 2022. Đồng thời hợp đồng với các đối tác bao gồm giá hàng hoá... đều đã được chốt và ký với các đối tác từ đầu năm nên không thể tăng giá bán hàng hoá. Nếu áp dụng tăng lương tối thiểu vùng từ tháng 7/2022 sẽ đẩy doanh nghiệp vào tình huống vô cùng khó khăn, nhiều doanh nghiệp sẽ phải hủy bỏ ngang hợp đồng vì chi phí không đảm bảo, ảnh hưởng đến công việc và thu nhập của người lao động và sự tồn vong của doanh nghiệp”, Công văn nêu khó khăn.

Cùng với đó, các hiệp hội còn cho rằng, nhiều doanh nghiệp hiện đang có nguy cơ phải cắt giảm lao động, tạm dừng hoặc thu hẹp sản xuất, thậm chí phá sản vì không thể lo nổi chi phí nhân công. Điều này sẽ dẫn đến khả năng hàng chục ngàn người lao động không có việc làm.

“Với tình hình trên, có thể thấy rằng doanh nghiệp cũng là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, cũng cần có được sự hỗ trợ từ Chính phủ giống như Chính phủ hỗ trợ người lao động”, Công văn của các Hiệp hội doanh nghiệp nêu rõ.

>>>Khảo sát tiền lương 2.000 doanh nghiệp xem xét điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2022

>>>Đề xuất tăng lương tối thiểu 2021 dựa vào "xuất khẩu tăng" là sai lầm!

Trước đó, sau hai cuộc thảo luận, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã bỏ phiếu thống nhất về mức đề xuất tăng 6% cũng như thời điểm áp dụng việc tăng lương. 15/17 thành viên đồng ý tăng lương tối thiểu vùng ngay từ 1/7, áp dụng hết năm 2023, 2/17 thành viên chọn phương án tăng lương từ 1/1/2023.

VCCI nhận định để khôi phục được 50% công suất phải từ 3-6 tháng, khôi phục 70% công suất sản xuất: 9 tháng - 1 năm, khôi phục 100% công suất sản xuất sẽ cần khoảng 1,5 - 2 năm.

VCCI nhận định để doanh nghiệp khôi phục được 50% công suất phải từ 3-6 tháng, khôi phục 70% công suất sản xuất: 9 tháng - 1 năm, khôi phục 100% công suất sản xuất sẽ cần khoảng 1,5 - 2 năm.

Trong phiên họp này, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh nhận định, mức tăng 6% chưa cao nhưng đáp ứng được mong muốn của người lao động và cả người sử dụng lao động.

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp cho ý kiến tại phiên thảo luận, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, nhất trí với kế hoạch điều chỉnh lương tối thiểu tuy nhiên cần cân nhắc kỹ lưỡng thời điểm điều chỉnh phù hợp.

Theo đó, vị đại diện cộng đồng doanh nghiệp cho biết việc điều chỉnh nên tiến hành từ 1/1/2023  vì kế hoạch sản xuất, ngân sách tài chính cho năm 2022 của các doanh nghiệp đã được lập, đặc biệt đối với các ngành thâm dụng lao động, sản xuất hàng xuất khẩu thì các đơn hàng trong tháng 7, tháng 8 thậm chí đến cuối năm 2022 đã được ký kết và chốt giá với khách hàng.

Trong khi đó, thực tế năm 2022 là năm phục hồi, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn về chuỗi cung ứng nguyên liệu và cung ứng thành phẩm vẫn tiếp tục bị “đứt gãy”, thêm vào đó, chính sách “Zero-Covid” của một trong những thị trường lớn nhất thế giới là Trung Quốc đã gây thêm nhiều áp lực lên chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt đối với thị trường có nguồn nguyên liệu đầu vào và mậu biên phụ thuộc nhiều vào nước này như Việt Nam.

Bên cạnh đó, chi phí tăng do liên tục có các biến chủng mới của SARS-CoV-2 nên doanh nghiệp vừa sản xuất nhưng vẫn thực hiện nhiều chi phí phòng, chống dịch tại nơi làm việc cũng như các chi phí cho người lao động của doanh nghiệp bị nhiễm bệnh, đồng thời những rủi ro chính trị như vấn đề Nga - Ukraina dẫn đến thiếu lượng cung và giá hàng hóa nguyên vật liệu tăng khó khăn cho sản xuất gồm cả nông nghiệp, xây dựng, công nghiệp, vận tải, thủy sản... thiếu hụt nguồn cung lao động.

Trong bối cảnh đó, VCCI nhận định doanh nghiệp cần năm 2022 tiếp tục là năm phục hồi. Mà trung bình để khôi phục được 50% công suất phải từ 3-6 tháng, khôi phục 70% công suất sản xuất: 9 tháng - 1 năm, khôi phục 100% công suất sản xuất sẽ cần khoảng 1,5 - 2 năm.

Trong bối cảnh toàn bộ Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương đang đẩy mạnh những giải pháp để trở thành động lực cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, việc xem xét điều chỉnh lương tối thiểu từ 1/1/2023 ở mức hợp lý để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và hài hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động. 

Theo đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia trình Chính phủ, mức lương tối thiểu vùng ở 4 vùng (nếu được thông qua) sẽ lần lượt tăng thêm như sau: Vùng 1 tăng thêm 260.000 đồng; vùng 2 tăng thêm 240.000 đồng; vùng 3 tăng thêm 210.000 đồng; vùng 4 tăng thêm 180.000 đồng. Cụ thể:

Vùng 1: Tăng 260.000 đồng, từ mức 4,42 triệu đồng lên 4,68 triệu đồng.

Vùng 2: Tăng 240.000 đồng, từ 3,92 triệu đồng lên 4,160 triệu đồng.

Vùng 3: Tăng 210.000 đồng, từ 3,43 triệu đồng lên 3,64 triệu đồng.

Vùng 4: Tăng 180.000 đồng, từ 3,07 triệu đồng lên 3,250 triệu đồng.

Có thể bạn quan tâm

  • Lương tối thiểu vùng 2022: "Chốt" mức đề xuất tăng 6% từ 1/7/2022

    11:51, 12/04/2022

  • Khảo sát tiền lương 2.000 doanh nghiệp xem xét điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2022

    11:00, 24/03/2021

  • Đề xuất tăng lương tối thiểu 2021 dựa vào "xuất khẩu tăng" là sai lầm!

    04:30, 08/03/2021

  • Hàng loạt Hiệp hội doanh nghiệp đề nghị không điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2021

    12:27, 06/03/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp đồng loạt kiến nghị lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO