Doanh nghiệp “gặp hạn” vì phát hiện tàu cổ

BÁ TÚ 10/02/2018 15:35

Trong quá trình nạo vét xây cảng nước sâu tại bờ biển xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Cty TNHH MTV Hào Hưng Quảng Ngãi đã phát hiện ra một chiếc tàu cổ. Nhưng cũng từ đó, doanh nghiệp phải tạm dừng dự án.

Cổ vật thì chưa thấy đâu nhưng Cty Hào Hưng Quảng Ngãi đã thiệt hại tính tới thời điểm này khoảng trên 20 tỷ đồng do dự án đã bị dừng thi công hơn nửa năm. Điều đáng nói, là việc dừng thi công dự án cảng nói trên từ những quyết định "đá nhau" một cách khó hiểu của các cơ quan chức năng.

Những đầu cọc phải dừng thi công nên đứng trước nguy cơ phải phá bỏ khi thi công trở lại

Những đầu cọc phải dừng thi công nên đứng trước nguy cơ phải phá bỏ khi thi công trở lại

Doanh nghiệp dài cổ chờ

Sự việc phát hiện tàu cổ diễn ra vào ngày 26/7/2017, trong quá trình nạo vét thi công cảng, tàu hút cát của Cty Hào Hưng Quảng Ngãi đã hút lên những mảnh gốm cổ. Ngay lập tức, doanh nghiệp này đã cho dừng thi công và tức tốc báo cáo lên các cơ quan chức năng của tỉnh và địa phương. Qua khảo sát và phân tích ban đầu của các chuyên gia, vị trí tàu cổ cách mố cầu cảng khoảng 20m, độ sâu nước biển khoảng 7 – 9 m và chìm sâu dưới cát khoảng 4 m. Chiếc tàu cổ có độ dài khoảng 20 – 30 m là tàu chuyên trở đồ gốm của Trung Quốc thời Minh (khoảng thế kỉ XV).

Theo ông Thang Văn Thông – Phó tổng Giám đốc Cty TNHH Hào Hưng, để  việc thi công cảng đúng tiến độ và đảm bảo an toàn kết cấu cảng, đồng thời chiếu theo Luật Di sản năm 2009, Cty đã hợp tác ký hợp đồng khai quật tàu cổ với Viện Khảo cổ học. Dưới hình thức, Cty sẽ cung cấp mọi trang thiết bị điều kiện khai quật cần thiết cho các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ học dưới nước (thuộc Viện Khảo cổ học) để tiến hành khai quật dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng của trung ương và địa phương.

Từ những đề xuất hợp lý của doanh nghiệp, ngày 16/8/2017, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ông Trần Ngọc Căng đã ban hành Quyết định số 571 về việc khai quật khẩn cấp tàu cổ đắm tại vùng biển Dung Quất nói trên. Quyết định đã nêu rõ giao cho các cơ quan chức năng của địa phương và Cty Hào Hưng Quảng Ngãi phối hợp khai quật khẩn cấp tàu cổ.

Vì lý do, tàu cổ nằm gần bờ nên dễ dẫn đến tình trạng khai thác, trục vớt trái phép của những kẻ hôi của, khiến cổ vật bị hư hỏng thất thoát và mất an toàn xã hội khu vực, việc ra quyết định khai quật khẩn cấp dưới hình thức xã hội hoá phù hợp với quy định của Luật Di sản đã nhận được sự đồng tình của dự luận xã hội tại địa phương. Quyết định 571 cũng đưa ra mục tiêu rõ ràng, việc khai quật khẩn cấp sẽ thu về các tài sản xác tàu cổ bị đắm và các hiện vật khác một cách hiệu quả. Đây sẽ là nguồn tư liệu quý giá góp phần hình thành các sản phẩm di sản văn hoá phục vụ phát triển du lịch của Quảng Ngãi.

Tuy nhiên, theo ông Thông, mặc dù ngày 31/7, doanh nghiệp này mới có báo cáo chính thức lên lãnh đạo tỉnh nhưng ngay ngày 30/7 (nghĩa là trước đó 1 ngày) tại cuộc họp do Phó chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Dũng chủ trì với một số cơ quan liên quan và Cty Hào Hưng Quảng Ngãi thì đã xuất hiện Cty CP đầu tư phát triển Đoàn Ánh Dương. Tại cuộc họp này, ông Đoàn Sung - Giám đốc Cty Đoàn Ánh Dương cũng không ngại ngần khi tuyên bố với đại diện Cty Hào Hưng rằng: “các ông muốn khai quật tàu cổ phải qua chúng tôi”. 

Doanh nghiệp thiệt đơn, nhà nước thiệt kép

Theo số liệu của Cty Hào Hưng Quảng Ngãi, dự án cảng tại xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi của Cty Hào Hưng Quảng Ngãi có tổng vốn đầu tư khoảng 1.720 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án được hoàn thành và đi vào khai thác vào tháng 9/2017. Tuy nhiên, do phát hiện tàu cổ dự án đã bị tạm dừng thi công khoảng hơn 6 tháng nay. Tính đến thời điểm này dự án vẫn dậm chân tại chỗ với khoảng 85% các hạng mục được hoàn thành. Thiệt hại sơ bộ có thể tính toán được vào khoảng trên 20 tỷ đồng (bao gồm hơn 5 tỷ đồng đền bù cho nhà thầu thi công, tiền lãi vay khoảng gần 2 tỷ đồng…).

Ông Nguyễn Văn Vỹ - Kỹ sư trưởng của dự án còn bày tỏ lo lắng, các đầu cọc, sắt thép hàn dang dở sẽ bị nước biển làm han gỉ khi thi công trở lại sẽ phải cắt bỏ đi hàng loạt…

Tuy nhiên, điều đáng nói là dự án chậm triển khai ngân sách địa phương cũng sẽ bị thất thu. Theo tính toán của doanh nghiệp, cảng chậm đưa vào khai thác khoảng 6 tháng thì ngân sách địa phương sẽ thất thu khoảng 1.440 tỷ đồng.

Như vậy, càng để kéo dài thì cả nhà nước và doanh nghiệp cùng chịu thiệt. Ông Thang Văn Thông lý giải, nếu để việc khai quật được xã hội hoá theo đúng tinh thần của Luật Di sản và Quyết định 571 của UBND tỉnh Quảng Ngãi thì mọi việc sẽ trở nên hoàn toàn minh bạch.

Bởi vì, cơ quan tiến hành khai quật là Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ học dưới nước (thuộc Viện Khảo cổ học). Đơn vị giám sát là đầy đủ các cơ quan chức năng từ trung ương tới địa phương. Cty Hào Hưng Quảng Ngãi chỉ là đơn vị cung cấp trang thiết bị cần thiết, tất nhiên là Cty cũng tiến hành giám sát hỗ trợ để hoạt động khai quật không ảnh hưởng đến kết cấu cảng (đây là yêu cầu số 1 của doanh nghiệp).

Với việc bỏ ra toàn bộ chi phí khai quật, theo Luật Di sản tất cả những gì độc bản sẽ trả về cho nhà nước còn những gì đại trà thì chia 3 phần cho doanh nghiệp, 7 phần trả về nhà nước.  

Nhưng điều đáng nói, ông Thông tiết lộ là tất cả các cổ vật sẽ được Cty Hào Hưng Quảng Ngãi đưa vào và xây dựng thành một bảo tàng tại Dung Quất. Đặc biệt, Cty sẽ đầu tư kinh phí để các chuyên gia khảo cổ dưới nước cho trục vớt toàn bộ xác tàu đưa vào bảo tàng. Đây sẽ là điểm nhấn cho phát triển du lịch của địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Phương án này chưa từng được ai đề xuất và thực hiện tại Việt Nam.

Được biết sau cuộc họp do Phó thủ tướng Nguyễn Đức Đam chủ trì với sự có mặt của các bộ ngành như Bộ VH-TT-DL, Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT, Bộ GTVT, chính quyền Quảng Ngãi và các chuyên gia, một đoàn khảo sát con tàu cổ vừa được thành lập. Cty Hào Hưng Quảng Ngãi đang thấp thỏm chờ mong sẽ sớm có một quyết định khai quật tàu cổ đảm bảo công khai minh bạch, an toàn và nhanh chóng để cảng sớm đi vào khai thác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp “gặp hạn” vì phát hiện tàu cổ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO