Trong năm 2018, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ được ký kết, đây vừa là cơ hội cũng như thách thức cho ngành giày dép Việt Nam. Doanh nghiệp sẽ phải đầu tư đáp ứng các tiêu chuẩn của EU cho xuất khẩu, cùng với đó phải chiếm lĩnh và xây dựng được chỗ đứng thị trường trong nước.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu giày dép sang thị trường nước ngoài trong tháng đầu năm 2018 đạt 1,42 tỷ USD, tăng mạnh 21,1% so với tháng đầu năm 2017.
Thị trường châu Âu đã có một thời luôn đứng đầu danh sách xuất khẩu giày dép tuy nhiên hiện nay, Mỹ đã soán ngôi, trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2018, thị trường Mỹ chiếm 35,7% trong tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của cả nước, đạt trên 500 triệu USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2017.
Trong khi đó, thị trường EU nói chung tiêu thụ gần 29,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam, đạt 417,6 triệu USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ. Với Hiệp định EVFTA dự kiến được ký kết trong năm 2018, ngành giày dép nhiều khả năng sẽ có một năm xuất khẩu khởi sắc.
Khi EVFTA được ký kết, sản phẩm giày, dép của Việt Nam sẽ được hưởng chênh lệch thuế từ 3,5-4,2% khi xuất khẩu vào EU so với Trung Quốc nên sẽ tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn.
Đặc biệt, với mức thuế suất 0% khi EVFTA có hiệu lực đây sẽ là lợi thế vô cùng lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu giày dép Việt Nam. Riêng với mặt hàng chủ lực là giày thể thao, chiếm 2/3 tổng lượng giày xuất sang EU, thuế suất sẽ được giảm ngay còn 0%, không chịu mức bảo hộ 7 năm như giày da.
“Cánh cửa” hội nhập đã mở ra đối với các doanh nghiệp nhưng thách thức cũng không hề nhỏ. Về kỹ thuật, doanh nghiệp trong nước sản xuất gia công là chủ yếu, trong khi đó, để đáp ứng tiêu chuẩn EU, đòi hỏi quy chuẩn cao hơn, dây chuyền công nghệ hiện đại. Về chất lượng, doanh nghiệp phải các doanh nghiệp phải đáp ứng được các quy định về nguồn gốc xuất xứ, quy tắc xuất xứ cho các bộ phận đối với sản phẩm da giày.
EVFTA có hiệu lực, đồng nghĩa với các sản phẩm ngoại nhập cũng sẽ được hưởng thuế suất 0%, đây chính là áp lực cạnh tranh không hề nhỏ cho doanh nghiệp trong nước.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, mỗi năm cả nước tiêu thụ khoảng 130 - 140 triệu đôi giày dép các loại, giá trị ước tính trên 1,5 tỷ USD. Trong đó, các doanh nghiệp giày dép nội địa mới đáp ứng khoảng 40% nhu cầu. Như vậy, thị phần cho các doanh nghiệp nước ngoài vẫn còn rất lớn.
Để có thể cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài, việc các doanh nghiệp cần làm bây giờ xây dựng thương hiệu. Bản thân các doanh nghiệp phải có chỗ đứng tại thị trường trong nước, đây sẽ vừa là kinh nghiệm khi thâm nhập thị trường nước ngoài vừa là để khẳng định vị thế của chính doanh nghiệp tại thị trường nội địa.
Việc đầu tư xây dựng thương hiệu chưa được chú trọng để có một chiến lược marketing bài bản, một phần là do chi phí chương trình quảng bá khá cao, nếu tính toán không hợp lý sẽ đội giá sản phẩm, giảm sức cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu không có chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động marketing, doanh nghiệp khó có thể tiếp cận tốt hơn tới các đối tượng khách hàng.
Trong năm 2017, nói về bài học marketing, nổi bật nhất của ngành da giày chính là thương hiệu Biti’s, một thương hiệu mà từ lâu nay mỗi khi nhắc đến, người tiêu dùng sẽ nhớ ngay đến câu slogan “Nâng niu bàn chân Việt”.
Với chiến lược marketing không phải là mới trên thế giới, đó chính là thông qua người nổi tiếng, sản phẩm Biti’s Hunter với giá thành phải chăng, kiểu dáng hiện đại, trẻ trung đã tạo cơn sốt trong giới trẻ Việt Nam. Như vậy, Biti’s một lần nữa đã khẳng định thành công thương hiệu của mình.
Tiềm năng và cơ hội của doanh nghiệp giày dép Việt tại thị trường nội địa là rất lớn, bởi nhu cầu tiêu dùng cao, để tận dụng tối đa cơ hội phát triển tại thị trường này, các doanh nghiệp cần chuẩn bị vững nguồn lực nội tại, cải tiến sản phẩm, tập trung hơn nữa vào chiến lược kinh doanh và marketing. Như vậy, doanh nghiệp nội mới nắm chắc phần thắng trên sân nhà.