Nghề trồng rừng và sự ra đời của doanh nghiệp gỗ dăm mang lại rất nhiều nguồn lợi cho địa phương. Vì sao bị hạn chế?
Trục đường Hồ Chí Minh trên địa phận Quảng Trị đoạn từ thị trấn Cam Lộ đến giáp tỉnh Quảng Bình dài hơn 30km là cung đường tuyệt đẹp bởi một màu xanh của rừng tràm, chốc lát lại bắt gặp từng đoàn xe chở gỗ nguyên liệu mới khai thác tập kết về bãi chuẩn bị xuất sang tỉnh bạn.
Gần thị trấn Bến Quan (huyện Vĩnh Linh) rất nhiều trạm cân mọc lên tự phát - thu mua gỗ nguyên cây để bán đi nơi khác - một hệ quả tất yếu khi UBND tỉnh Quảng Trị có chủ trương dừng cấp phép đối với các nhà máy gỗ dăm, bắt đầu từ văn bản số 4972/UBND-CN ngày 6/10/2017 và tiếp tục tại văn bản 6310/UBND-NN ngày 24/12/2021.
Do vậy, “mỏ vàng” kinh tế rất tiềm năng bị đẩy ra khỏi địa phương, hạ tầng giao thông oằn mình gánh chịu trong khi nguồn thu thuế, công ăn việc làm cũng theo đó ra đi! Theo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị, mỗi năm doanh nghiệp gỗ dăm đóng góp cho ngân sách 200 tỷ đồng, tương đương 10% tổng thu toàn tỉnh.
Đơn cử như Công ty TNHH MTV Lâm sản Khánh Hân trung bình mỗi năm nộp 15 - 17 tỷ đồng tiền thuế. Chưa kể hàng nghìn việc làm cho thu nhập ổn định; đài thọ công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, vững bền sinh kế cho người trồng rừng.
Để một nhà máy dăm có thể hoạt động cần đầu ra ít nhất 50 nghìn tấn/năm. Hiện toàn tỉnh có 38 nhà máy gỗ dăm, có nghĩa là tạo ra ít nhất 1,9 triệu tấn sản phẩm/năm; chưa kể nguồn xuất khẩu sang Trung Quốc. Như vậy nguồn nguyên liệu rất dồi dào chứ không hề ít như báo cáo.
Mong muốn của cơ quan chức năng là thúc đẩy doanh nghiệp tham gia chế biến sâu - song điều kiện này chưa phù hợp với đặc điểm doanh nghiệp tại địa phương, do vốn đầu tư lớn, đòi hỏi công nghệ cao, nhiều rủi ro, chu chuyển vốn chậm.
Hiệp hội Doanh nghiệp cho rằng, để sản xuất mỗi tấn viên nén gỗ cần rất nhiều chi phí nhưng giá bán ra hiện nay tương đương hoặc thấp hơn gỗ dăm, dẫn đến thua lỗ. Doanh nghiệp có quyền chọn lựa phân khúc sản phẩm nào có lợi, phù hợp với thị trường.
Hơn nữa để trồng rừng lấy gỗ cần ít nhất 8 - 10 năm, mật độ tối đa 1.500 cây/hecta, quá nhiều rủi ro với người dân và doanh nghiệp khi năm nào Quảng Trị cũng hứng chịu nhiều cơn bão, lũ, nguy cơ hỏa hoạn; không có pháp lý về bảo hiểm rừng trồng. Trong khi trồng rừng làm dăm chỉ cần 3-5 năm cho thu hoạch với mật độ 5.000 cây/hecta.
Người dân và doanh nghiệp có quyền làm những gì pháp luật không cấm - gỗ dăm là một trong lĩnh vực kinh doanh không có điều kiện. Thể hiện tại Điều 6, Điều 7 và phụ lục IV của Luật Đầu tư 2020. Lẽ ra cần được tạo điều kiện tối đa như quan điểm điều hành từ Trung ương.
Đối với các dự án hoạt động trên cơ sở quyết định giao đất, cho thuê đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có hoạt động chế biến dăm gỗ; chế biến gỗ và tận dụng phế phẩm nguyên liệu gỗ để làm dăm gỗ trước thời điểm 01/7/2015 nên được hoạt động khi doanh nghiệp tuân thủ quy định về đất đai, môi trường, đảm phòng chống cháy nổ.
Vì Luật Đầu tư 2005 cho phép dự án dưới 15 tỷ đồng không thuộc lĩnh vực đầu tư có điều kiện thì không phải đăng ký đầu tư.
Hơn thế nữa, theo tìm hiểu của phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh thì một số địa phương lân cận có hoạt động sản xuất dăm gỗ chưa thấy chủ trương việc dừng cấp phép đầu tư mới.
Chẳng lẽ cơ quan tham mưu quản lý và hoạch định chính sách kinh tế không biết rằng: Sự ra đời và phát triển của doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn do quy luật kinh tế khách quan chi phối; họ sẽ phá sản nếu đầu tư vào lĩnh vực ít tiềm năng phát triển, đặc biệt khi phải tuân theo quyết sách thiếu khoa học.
Ông Võ Thái Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị giãi bày: “Cộng đồng doanh nghiệp thiết tha được hoạt động đúng luật pháp. Đối với những dự án tuân thủ quy định về đất đai, quan trắc môi trường, an toàn lao động cần được tháo gỡ rào cản pháp lý trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế đe dọa sự tồn vong của doanh nghiệp”.