HLV Park Hang Seo đã áp dụng triết lý bóng đá của mình triệt để vào việc dẫn dắt đội tuyển U23 Việt Nam. Nhìn rộng ra, đây sẽ là triết lý quản trị cho mỗi doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất.
Với đội hình U23+3, ông Park đưa tuyển Olympic đặt một dấu mốc mới cho bóng đá Việt Nam, với lần đầu tiên vào tới bán kết ASIAD 18, diễn ra sau đó chỉ 6 tháng trên đất Indonesia. Và một năm thành công trọn vẹn đã tới, khi ĐTQG vượt qua Malaysia trong hai trận chung kết AFF Suzuki Cup để mang về chiếc cúp vàng khu vực lần thứ hai trong lịch sử.
Triết lý bóng đá
Để có thể đạt được một thành công có thể nói là chấn động toàn cầu, vị “thuyền trưởng” đội tuyển Việt Nam đã áp dụng một thứ triết lý xuyên suốt lên đội bóng: đội bóng không phụ thuộc ngôi sao, không xây dựng một đội hình xoay quanh một ai.
Triết lý này đã tạo nên một đội hình gắn kết, trưởng thành qua từng trận đấu, từng giải đấu và cũng không cần nhiều thời gian để ông Park Hang Seo truyền đạt triết lí bóng đá của mình tới các học trò.
Dù thế, tôi không có ý tôn sùng cá nhân HLV Park Hang Seo hay bất cứ ai, ông ấy cũng là một con người và có nhiều nhược điểm. Tôi chỉ muốn nói rằng HLV Park Hang Seo và ban huấn luyện đã làm thế và đã có những kết quả, và hy vọng những điều họ đã ứng dụng trong bóng đá, dù mới hay cũ, đều có thể là một cảm hứng cho chúng ta trong công việc kinh doanh.
Và quản trị trong doanh nghiệp
Với triết lý “Đội bóng không phụ thuộc ngôi sao”, khi áp vào câu chuyện doanh nghiệp sẽ thấy vô cùng hợp lý. Khi một doanh nghiệp không thể phụ thuộc vào bất kỳ một cá nhân, hay xoay quanh một ai, tất cả phải là công sức, là sự đoàn kết của toàn tập thể. Giống như cơ chế hoạt động của một chiếc đồng hồ, từng bánh răng, từng kim giây, kim phút hoạt động nhịp nhàng, khăng khít, tất cả đều có sự liên kết với nhau, vận hành trơn tru.
Đối với một doanh nghiệp, người lãnh đạo cũng phải góc nhìn linh hoạt, tinh nhạy, không rập khuôn mà phải biến đổi sao cho phù hợp với năng lực, vận dụng tài tình khôn khéo năng lực mỗi nhân sự để có một chiếc “đồng hồ” vận hành trơn tru. Như HLV Park không áp dụng rập khuôn một đội hình cho mỗi trận đấu, ông thay đổi liên tục vị trí và đội hình trước từng đối thủ.
Đây chính là điểm yếu của các lãnh đạo doanh nghiệp. Họ “ngại” đổi mới cả trong tư duy lẫn hành vi dẫn đến “khóa chặt” cách quản lý theo rập khuôn, ít linh hoạt và khéo léo. Nhất là những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hay ngân hàng, tình hình thị trường và nhu cầu luôn thay đổi, nếu doanh nghiệp không có nhiều đột phá thì rất dễ thua cuộc so với nhiều đối thủ cạnh tranh.
Bí quyết làm nên thành công của một “lãnh đạo” tài năng không phải chỉ ở tư duy, chiến lược vận dụng… mà chính là khả năng truyền lửa, truyền cảm hứng tới cộng sự của mình.
HLV cũng như nhà quản lý một doanh nghiệp hay tổ chức, phải là người dẫn dắt, truyền ngọn lửa nhiệt huyết vào cầu thủ cũng như nhân viên. Câu nói “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau” nhấn mạnh vai trò của tính đồng đội và kỷ luật trong một tổ chức. Vai trò của HLV hay nhà quản lý rất quan trọng trong việc dẫn dắt đội ngũ, duy trì tính kỷ luật, tinh thần đồng đội để đạt được mục tiêu đề ra.
Khi bức tranh toàn cầu hóa xuất hiện thì những cách tiếp cận cũ có thể đã lỗi thời. Và buộc họ phải tư duy tạo ra chiến lược hoạt động cốt lõi cho tổ chức và dẫn dắt doanh nghiệp vượt mọi thử thách. Vì thế người đứng đầu doanh nghiệp phải xác định công ty đang nằm ở vị trí nào? Đối thủ ra sao?…để luôn linh hoạt cập nhật chiến lược kinh doanh phù hợp, từ đó linh động và điều chỉnh kế hoạch phát triển sao cho phù hợp nhất có thể.
Bài học về bố trí nhân sự và tối ưu hóa nguồn nhân lực của tổ chức. Rõ ràng với hơn 3 tháng tiếp quản “ghế nóng”, HLV Park chắc chắn sẽ không có được thành công như ngày hôm nay nếu không biết lắng nghe những góp ý từ những chuyên gia khác. Cái giỏi đầu tiên của ông Park là dùng những người giỏi hơn mình trong từng lĩnh vực. Thứ hai, trong từng trận đấu, nhờ sự hỗ trợ của các cộng sự, ông đã có nhưng phương án thay người hợp lý. Áp dụng hai cách làm việc trên của HLV Park vào môi trường doanh nghiệp, các nhà quản lý cần: biết cách sử dụng người giỏi hơn mình; biết lắng nghe những ý kiến đóng góp, thậm chí là những ý kiến phản biện trên tinh thần xây dựng; tận dụng trí tuệ tập thể trong quá trình ra quyết định. Ngoài ra, lãnh đạo cần giao việc đúng người nhằm phát huy tối đa điểm mạnh của từng cá nhân, đồng thời duy trì tính đoàn kết trong tập thể để đạt được mục tiêu đề ra. Bài học về áp dụng và vận hành hệ thống quản lý hiện đại, linh hoạt. Chúng ta có thể tóm lược trong 4 từ của hệ thống quản lý: PDCA (Plan – Do – Check - Act). Plan (Kế hoạch): Đây là việc đầu tiên và quan trọng nhất trong một hệ thống quản lý nói chung và vận hành đội bóng nói riêng. Nếu thất bại trong việc chuẩn bị thì sẽ là chuẩn bị cho thất bại. Do (Thực hiện): Nhà quản lý cần phân công rõ vai trò, nhiệm vụ của từng cá nhân thông qua việc trả lời các câu hỏi: Ai, việc gì, ở đâu, như thế nào, làm thế nào để đạt được mục tiêu đề ra? Check (Kiểm tra lại): Việc kiểm tra việc thực hiện kế hoạch của có đúng không, có cần phải thay đổi chỉnh sửa gì không là rất cần thiết. Act (Hành động): Giống như cách HLV Park thay đổi sơ đồ chiến thuật khi nào thì tấn công khi nào thì phòng ngự, khi nào thì luân chuyển nhân sự, hoán đổi vị trí, khi nào thì thay người. |