Bộ TT&TT vừa công bố thành lập và ra mắt “Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài”, nhằm phối hợp các cơ quan liên quan triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ.
Năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông mở chiến dịch hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số (ICT) đang kinh doanh ở nước ngoài hoặc đi ra nước ngoài nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng của thị trường toàn cầu với doanh thu lên đến hơn 1.800 tỷ USD/năm.
Trao đổi với DĐDN, ông Nguyễn Thiện Nghĩa - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghệ thông tin và Truyền thông, Tổ phó Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp ICT ra nước ngoài (Bộ TT&TT) cho biết: với số lượng doanh nghiệp ICT lớn, thị trường trong nước ngày càng “chật chội”. Trong khi đó, nhu cầu của thị trường thế giới là không có giới hạn, mang đến cơ hội lớn để doanh nghiệp ICT Việt Nam phát triển và mở rộng thị phần cho sản phẩm dịch vụ số.
- Năng lực của các doanh nghiệp ICT Việt Nam đã đủ sức đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới, thưa ông?
Thị trường thế giới rất rộng, có đủ phân khúc, sản phẩm dịch vụ mà doanh nghiệp Việt Nam có thể cung cấp. Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp trong nước đã trở thành nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ cho các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động ở Việt Nam. Trước đây, các doanh nghiệp ICT Việt Nam chỉ làm được một số công đoạn nhỏ trong sản phẩm theo đặt hàng của đối tác nước ngoài.
Tuy nhiên, hiện nay có khoảng 50 - 60% doanh nghiệp đã thực hiện được toàn bộ sản phẩm. Do vậy, đối tác nước ngoài chỉ đưa “đề bài”, doanh nghiệp Việt Nam thực hiện và hoàn thiện sản phẩm, từ khâu thiết kế, lập trình đến cung cấp phần cứng. Đây là xu thế mà các doanh nghiệp Việt Nam đang dần dần nâng tầm của mình trong chuỗi giá trị. Đã có nhiều doanh nghiệp ICT Việt Nam tiên phong ra nước ngoài và đạt được nhiều thành công. Năm 2022, doanh thu với đối tác nước ngoài trong lĩnh vực ICT của các doanh nghiệp Việt Nam đạt khoảng 2,2 tỷ USD, cao hơn thị trường nội địa. Tôi cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam đã có đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu của thị trường các nước.
- Các doanh nghiệp đã thành công ở thị trường trong nước có thể trụ vững và phát triển ở thị trường nước ngoài, thưa ông?
Đây là điều kiện thuận lợi nhưng không phải là điều kiện đủ. Để thành công ở thị trường nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước phải hiểu sâu sắc về văn hoá, cách nghĩ, cách làm của các doanh nghiệp nước ngoài. Chúng ta phải nhìn doanh nghiệp nước ngoài như một hệ sinh thái, một chuỗi giá trị, xác định vị trí của mình trong chuỗi phân phối, sản phẩm và dịch vụ cung cấp. Thị trường Việt Nam không khó tính bằng thị trường nước ngoài nên doanh nghiệp đã thành công ở trong nước chưa chắc đã cung cấp sản phẩm đúng với nhu cầu của chuỗi phân phối tại thị trường nước ngoài.
- “Biển lớn sóng to” tâm lý này dường như đang khiến một số doanh nghiệp Việt Nam chưa tự tin, chủ động đi ra thế giới, thưa ông?
Tâm lý tự ti là phản ứng tự nhiên. Vấn đề mà doanh nghiệp Việt Nam cần từng bước khắc phục là rào cản về ngôn ngữ và văn hoá. Tuy nhiên, hiện nay các doanh nghiệp đang có yếu tố tích cực là số lượng du học sinh tại các quốc gia trên thế giới khá lớn. Sau khi tốt nghiệp, một số em có nguyện vọng làm việc ở nước ngoài. Nhờ lợi thế là hiểu văn hoá, quen với cách nghĩ cách làm của doanh nghiệp nước ngoài và có tinh thần dân tộc, các bạn trẻ là cầu nối hiệu quả của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường nước ngoài. Khi đã vượt qua được rào cản này, tâm lý tự ti không còn, ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam rất tự tin.
Chúng ta đang có nhiều lợi thế để mở rộng thị trường trên toàn cầu. Đó là nguồn nhân lực, chất lượng sản phẩm dịch vụ tốt với giá cả cạnh tranh.
- Doanh nghiệp Việt Nam còn đối mặt với những hạn chế nào trên thị trường quốc tế, thưa ông?
Ngoài yếu tố văn hoá, ở giai đoạn khởi đầu, doanh nghiệp ICT trong nước còn gặp khó khăn trong kết nối quan hệ để có khách hàng đầu tiên. Để tháo gỡ khó khăn này cho doanh nghiệp, Bộ TT&TT tập trung hỗ trợ trên 2 góc độ. Thứ nhất là cung cấp cho doanh nghiệp thông tin, yêu cầu kỹ thuật về các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp nước ngoài; hỗ trợ đánh giá chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế để khi có đối tác nước ngoài có nhu cầu là chúng ta có thể đáp ứng được ngay. Thứ hai là hỗ trợ trong công tác tiếp cận thị trường, kết nối cộng đồng trí thức, người Việt Nam đang làm việc và sinh sống tại các nước trên thế giới để hợp tác hiệu quả hơn về nguồn nhân lực, trình độ, tiếp cận công nghệ, thị trường…
Phần lớn doanh nghiệp ICT có quy mô nhỏ nên hãy chọn thị trường hiện thiếu nhân lực công nghệ hoặc các thị trường mà những doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ toàn cầu chưa phục vụ và lan toả.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm