Doanh nghiệp khoa học công nghệ cần gì?

LÊ HÀ 07/01/2022 10:30

Trao đổi với DĐDN, ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp (Bộ KH&CN) cho rằng, chuẩn hóa tiêu chuẩn doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN) mới chỉ là điều kiện cần.

Theo ông Quất, điều kiện đủ để phát triển doanh nghiệp KHCN cả về chất lượng và số lượng phụ thuộc vào cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp.

- Xin ông cho biết về kết quả đạt được trong việc phát triển doanh nghiệp KHCN kể từ khi Nghị định số 13/2019 được ban hành?

Nghị định số 13/2019 được ban hành với việc bỏ các quy định giới hạn lĩnh vực đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KHCN; mở rộng thêm các loại kết quả KHCN; đơn giản hóa thủ tục, quy trình thẩm định chứng nhận doanh nghiệp KHCN đã tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho việc phát triển doanh nghiệp KHCN trên cả nước. Trung bình từ năm 2019 đến nay, mỗi năm chứng nhận mới thêm khoảng 100 doanh nghiệp KHCN. Đặc biệt với những việc đơn giản hóa thủ tục chứng nhận, tăng thêm các ưu đãi hỗ trợ, cùng với sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, những năm gần đây cho thấy xu hướng các doanh nghiệp công nghệ thông tin đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KHCN đang ngày càng tăng lên.

Cùng với sự gia tăng số lượng thì chất lượng của các doanh nghiệp KHCN cũng ngày càng tăng: thể hiện qua kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh (số lượng doanh nghiệp có doanh thu năm từ 100 tỷ trở lên; tỷ lệ đóng góp vào ngân sách nhà nước tăng lên).
Hiệp hội doanh nghiệp KHCN Việt Nam đã được thành lập vào cuối năm 2019 cũng là một trong những dấu mốc đánh dấu sự phát triển của hệ thống doanh nghiệp KHCN tại Việt Nam.

- Trong năm 2021, những thành tựu nào của doanh nghiệp KHCN khiến ông hài lòng nhất và điều gì mà ông còn trăn trở?

Mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng nhìn chung doanh nghiệp KHCN vẫn chủ động linh hoạt trong việc chuyển đổi các mô hình kinh doanh, tìm kiếm thị trường mới để thích ứng trước những khó khăn. Nhiều doanh nghiệp vẫn hoạt động tốt, thậm chí còn tranh thủ cơ hội để chiếm lĩnh thị trường.

Tuy nhiên, nhìn chung thị trường của các sản phẩm KHCN của doanh nghiệp KHCN vẫn chủ yếu trong nước. Số lượng các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài vẫn khá khiêm tốn thương hiệu doanh nghiệp KHCN chưa thực sự trở thành thương hiệu mạnh, tài sản trí tuệ quan trọng của doanh nghiệp trên thương trường còn khiếm tốn.

gdfg

Nhìn chung thị trường của các sản phẩm KHCN của doanh nghiệp KHCN vẫn chủ yếu trong nước.

- Đâu là lời giải nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc chuyển đổi số, tăng nhanh số lượng các doanh nghiệp KHCN trong năm 2022 và những năm tiếp theo, thưa ông?

Kế hoạch phát triển doanh nghiệp KHCN chưa đạt được mục tiêu mà Chính phủ đề ra trong Chiến lược phát triển KHCN. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, mà nguyên nhân chủ yếu và quan trọng là sự chưa hoàn thiện của các thiết chế triển khai chính sách (cụ thể: các cơ quan liên quan đến việc triển khai chính sách phát triển doanh nghiệp KHCN còn chưa đạt được sự thống nhất và đồng bộ cao trong xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai; nhiều địa phương nhận thức về tầm quan trọng của công tác phát triển doanh nghiệp KHCN còn hạn chế).

Vì vậy, nhằm đẩy mạnh việc phát triển doanh nghiệp KHCN trong thời gian tới, thì cần triển khai một loạt các giải pháp đồng bộ từ nhiều phía (từ cả phía cơ quan quản lý, từ cả cộng đồng doanh nghiệp, từ nhận thức của người tiêu dùng trong nước đối với các sản phẩm KHCN “made in Vietnam”). Từ phía cơ quan quản lý, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị tới các cấp cao hơn nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và khả thi; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính đảm bảo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các hoạt động đầu tư, nghiên cứu và phát triển, sản xuất kinh doanh dựa trên KHCN.

Từ phía cộng đồng doanh nghiệp cần chú trọng đến việc tăng cường đầu tư cho KHCN, coi việc tăng năng lực R&D&C và đổi mới sáng tạo là yếu tố cốt lõi trong việc quyết định sự phát triển của doanh nghiệp, chú trọng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, kinh doanh bền vững, đảm bảo chất lượng sản phẩm để nâng cao thương hiệu doanh nghiệp KHCN, phát triển các sản phẩm hướng tới xuất khẩu.

- Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp công nghệ “đảo chiều” dòng chảy “chất xám Việt”

    Doanh nghiệp công nghệ “đảo chiều” dòng chảy “chất xám Việt”

    16:50, 14/12/2021

  • Sắp diễn ra Diễn đàn Quốc gia Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam lần thứ III

    Sắp diễn ra Diễn đàn Quốc gia Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ số Việt Nam lần thứ III

    16:44, 07/12/2021

  • Vinh danh Top 10 doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam 2021

    Vinh danh Top 10 doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam 2021

    12:38, 09/10/2021

  • Trung Quốc “làm khó” các doanh nghiệp công nghệ

    Trung Quốc “làm khó” các doanh nghiệp công nghệ

    15:30, 21/08/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp khoa học công nghệ cần gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO