Nguồn lao động chất lượng cao chính là người lao động được đào tạo gắn liền với hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, từ đó nâng cao năng suất lao động cho doanh nghiệp.
Đây là nhận định của TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Hội nghị Người sử dụng lao động 2018 với chủ đề “Hợp tác Doanh nghiệp và Nhà nước trong đào tạo và tuyển dụng”, do VCCI, Tổng Cục giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Liên Đoàn Giới chủ Nauy, tổ chức vào hôm nay (21/11).
Cũng theo TS Vũ Tiến Lộc: “Đây cũng chính là xu hướng đào tạo mà các nước tiên tiến trên thế giới đều thực hiện rộng rãi”.
Đào tạo phải gắn với doanh nghiệp
Đồng tình với quan điểm này, bà Trần Thị Lan Anh - Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Giám đốc Văn Phòng giới sử dụng lao động cho rằng: “Cần xây dựng một cơ chế chặt chẽ cho sự hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp”.
Theo đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệpvà doanh nghiệp cần phải chủ động hơn nữa trong việc tăng cường và nâng cao hiệu quả hợp tác trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Mối quan hệ này cần phải được xây dựng dựa trên lợi ích thiết thực từ các bên. Trên cơ sở đó mới nâng cao được chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Câu chuyện gắn kết giữa các cơ sở đào tạo, nhà trường, trung tâm với doanh nghiệp đã có từ rất lâu, tuy nhiên mối quan hệ này vẫn còn “lỏng lẻo”, hình thức. Điều này được thể hiện ở chất lượng nguồn lao động được đào tạo ra chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân để lý giải cho mối quan hệ hợp tác chưa chặt chẽ này. Trong đó, nguyên nhân lớn nhất là do doanh nghiệp thụ động trong việc tham gia vào sự hợp tác với cơ sở, nhà trường, trung tâm đào tạo nghề.
Chia sẻ rõ hơn về điều này, bà Vũ Thị Nhinh – Giám đốc nhân sự, Công ty VPIC1 cho biết: “Việc doanh nghiệp chưa chủ động trong việc hợp tác với nhà trường, có thể là do lĩnh vực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chưa có yêu cầu cao về việc đào tạo. Hay cũng có thể do doanh nghiệp cũng chưa nắm bắt được thông tin về các chính sách, quy định pháp luật, hoặc cũng có thể là do doanh nghiệp chưa nhận thức được lợi ích của việc tham gia liên kết đào tạo với các cơ sở, trường, trung tâm đào tạo nghề”.
Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Xuân Hùng – Vụ trưởng Vụ Đào tạo Chính quy – Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng: “Bài toán về chất lượng nguồn lao động sẽ không giải quyết được nếu như không gắn với doanh nghiệp. Bởi hơn ai hết chính doanh nghiệp mới là người sử dụng lao động”.
Cũng theo ông Vũ Xuân Hùng, những nỗ lực của Nhà nước trong việc đảm bảo chương trình, giáo viên, cơ sở vật chất chỉ trong một chừng mực nhất định. Vì vậy, khi có sự tham gia của doanh nghiệp, nhà trường sẽ có điều kiện tiếp cận các trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện đại, từ đó chất lượng nguồn lao động cũng sẽ thay đổi.
5 giải pháp từ doanh nghiệp
Theo thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, những năm gần đây, giáo dục nghề nghiệp đang có nhiều khởi sắc. Tuy vậy, tỷ lệ phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông vào học giáo dục nghề nghiệp vẫn ở mức thấp (8-10%).
Theo đó, Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào và cơ cấu lao động trẻ. Đến năm 2017, lực lượng lao động trung bình cả nước là 54,4 triệu người, chiếm 57% dân số. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên chiếm 67,9%. Đây là nhóm tuổi có tiềm năng tiếp thu được những tri thức mới, kỹ năng mới để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động của Việt nam.
Vậy câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để doanh nghiệp có thể chủ động trong việc kết nối với cơ sở, trung tâm, trường giáo dục nghề nghiệp?
Theo kinh nghiệm hợp tác và xây dựng được mối quan hệ tốt với các trường, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, bà Vũ Thị Nhinh đề xuất 5 giải pháp.
Một là, lựa chọn trường nghề có chương trình đào tạo phù hợp với lĩnh vực hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Hai là, cơ sở vật chất của nhà trường cũng phải đáp ứng được hoặc có mức độ phù hợp nhất định đối với doanh nghiệp.
Ba là, cơ chế chính sách của trường phải đảm ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Cụ thể, thể hiện sự năng động, chủ động của nhà trường trong việc xây dựng các chương trình đào tạo, kế hoạch đào tạo cho doanh nghiệp.
Bốn là, năng lực của đội ngũ giáo viên của nhà trường.
Năm là, các trường nghề cần chú trọng đển một số dịch vụ có thể đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp như: dịch vụ bảo dưỡng, bảo trì máy móc thiết bị... Đây là những cơ hội mở rộng hơn cánh của doanh nghiệp đến với các trường nghề.