Trong các “deal” giao dịch thu hút vốn, nhà đầu tư ngày nay không chỉ chú trọng các chỉ tiêu tài chính như trước đây, mà đặt vấn đề nhiều hơn về phi tài chính (non-financial).
Nhấn mạnh về yếu tố đầu tư cho quản trị doanh nghiệp có ý nghĩa lớn đối với tăng trưởng và thu hút vốn đầu tư, chia sẻ tại Diễn đàn thường niên lần thứ 7 của VIOD vừa diễn ra, ông Vũ Quang Thịnh, Giám đốc điều hành Công ty Quản lý Quỹ Dynam Capital cho rằng, trên thế giới, trong vòng 20 năm qua các nhà đầu tư đã nói về quản trị rất nhiều.
“Nếu trước đây, doanh nghiệp, nhà đầu tư chỉ quan tâm tài chính, lợi nhuận… thì nay họ quan tâm nhiều hơn vào việc đầu tư có trách nhiệm. Thế giới cũng chứng kiến nhóm các nhà đầu tư trách nhiệm gia tăng mạnh.
Theo một nghiên cứu, quy mô thị trường kinh doanh có trách nhiệm hiện vào mức 158.000 tỷ USD, rất lớn so với GDP. Trong khi nỗi sợ hãi lớn nhất của nhà đầu tư là mất tiền, nên việc làm thế nào để cải thiện yếu tố quản trị trong doanh nghiệp ngày càng được ưu tiên", ông Thịnh nêu.
Ông Trịnh Hoài Giang - Tổng Giám đốc Chứng khoán HSC cũng nhận định là các nhà đầu tư ngày nay thay vì quan tâm nhiều về tài chính, thì họ quan tâm nhiều hơn về mặt phi tài chính. Phi tài chính ở đây, theo ông Giang ngoài các vấn đề liên quan pháp lý… thì họ nói rất nhiều về quản trị doanh nghiệp.
“Để có được một thương vụ thành công và giá cao, theo tôi nhận thấy, chỉ có những công ty nào có quản trị tốt mới đạt được”, ông Giang nói. Dẫn trường hợp trong lĩnh vực tài chính, một Ngân hàng TMCP vừa chốt được “deal” với giá cao gấp 20 lần EBITDA. Ngoài ra ông Giang cho biết HSC cũng giữ vai “bà mối” thu hút vốn cho doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác và trong nhiều trường hợp, trở thành chuyên gia tư vấn cho cả bên mua chứ không chỉ là cho bên bán ngay ở góc độ xuất phát ban đầu, đặc biệt khi bên mua - các nhà đầu tư, sẽ rất cần sự tham vấn để hiểu sâu về giá trị quản trị của doanh nghiệp bán vốn.
Tổng Giám đốc HSC cho rằng doanh nghiệp ngày nay cần tập trung vào 5 vấn đề chính: quản trị rủi ro, minh bạch, quản lý về xung đột lợi ích và hơn hết là việc áp dụng thực tiễn. “Chủ doanh nghiệp phải có cái nhìn toàn diện nhiều khía cạnh, không chỉ lợi nhuận, lợi ích cho cổ đông mà phải bao gồm cả tác động đến môi trường, tác động xã hội…. ”, ông Giang chia sẻ. Ông cũng ví von, nếu doanh nghiệp được ví như một anh học sinh, thì anh học sinh đó phải giỏi và ngoan. Giỏi tức tăng trưởng và phát triển, còn ngoan là phải có phát triển bền vững.
Bà Nguyễn Thúy Hạnh, Tổng Giám đốc ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho hay, trong quá trình triển khai về tín dụng xanh, phát triển bền vững cho doanh nghiệp, bản thân ngân hàng có những khó khăn do Việt Nam chưa có danh mục phân loại xanh. “Chúng tôi xét cho vay sản phẩm tiêu chuẩn của châu Âu phải có nguyên tắc tuân thủ, nhưng khi báo cáo lên thì giá trị rất nhỏ so với thị trường Việt Nam.
"Tôi cho rằng Việt Nam rất cần yêu cầu xây dựng khung đánh giá ESG nói riêng, xây dựng bộ khung về sản phẩm xanh và bền vững, xây dựng bộ khung chuyển dịch cũng như xây dựng khung trái phiếu bền vững.
Các nhà chức trách Việt Nam cần ban hành danh mục phân loại xanh và bền vững, chúng ta không cần sáng tạo gì khác mà các tiêu chuẩn danh mục phân loại quốc tế đã có; chiếu theo và ban hành sẽ giúp doanh nghiệp chuyển đổi, thực hành hiệu quả”, bà Hạnh nhấn mạnh.
Từ phía doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Trà My, nhà đồng sáng lập kiêm TGĐ PAN Group nhận định, thế giới hiện nay đang thay đổi rất nhanh, các rủi ro địa chính trị và sự phát triển nhanh về công nghệ, AI đã làm cho mọi thứ trở nên khó đoán định.
“Ngoài các rủi ro nói trên, ngành nông nghiệp – thực phẩm của chúng tôi còn có thêm rủi ro về biến đổi khí hậu. Giữa muôn vàn rủi ro lớn như vậy, chúng ta phải làm gì, làm như thế nào để tồn tại?
Chúng tôi không mơ ước cao xa như Elon Musk, thiết kế tàu vũ trụ đưa con người lên mặt Trăng. Tập đoàn PAN có 11.000 nhân viên với hơn 10 công ty thành viên, đa phần là công ty niêm yết. Đến năm 2050, theo dự báo của một tổ chức quốc tế, nạn đói có thể xảy ra. An ninh lương thực là vấn đề vô cùng quan trọng, đặc biệt khi Việt Nam được coi như bếp ăn của thế giới. Là một doanh nghiệp, tập đoàn đứng đầu trong ngành nông nghiệp, chúng tôi nhận thấy sứ mệnh của mình”, bà My cho biết.
Quay trở lại câu chuyện HĐQT doanh nghiệp, theo bà, khái niệm quản trị công ty là cách 1 công ty được định hướng và kiểm soát. PAN có hơn 10 công ty thành viên, hầu hết là niêm yết, với tổng 68 thành viên hội đồng quản trị. Riêng HĐQT của công ty mẹ gồm 7 người.
“Chúng tôi tự hào có HĐQT mạnh, minh bạch và luôn nỗ lực đem lại lợi ích hài hòa cho cổ đông cũng như các bên liên quan. Và điểm khác biệt nhất của chúng tôi là sự đa dạng. Thành phần HĐQT của Tập đoàn PAN qua các thời kỳ đều rất đa dạng về lĩnh vực, kinh nghiệm, lứa tuổi U40-80 và cả giới tính. 7 người 7 chuyên môn khác nhau (tài chính, vốn, nông nghiệp, công nghệ, đổi mới sáng tạo, xu hướng mới…). Chủ tịch HĐQT, anh Nguyễn Duy Hưng (kiêm Chủ tịch SSI) là người có kinh nghiệm về chiến lược tài chính, 1 thành viên giỏi về tối ưu nguồn vốn, 1 giáo sư Đại học Hawaii (Mỹ) có thế mạnh về công nghệ, và 1 thành viên HĐQT U30 nắm bắt xu hướng kinh doanh, đổi mới sáng tạo. Cá nhân tôi có 30 năm đồng hành với ngành nông nghiệp, một ngành rất khó khăn nhưng tôi có đam mê và mong muốn truyền cảm hứng, tình yêu nông nghiệp, yêu nông dân cho HĐQT và đất nước chúng ta”, bà My nói.
TGĐ PAN Group cũng cho rằng trong cơ cấu HĐQT công ty mẹ, nữ giới chiếm tỷ trọng 44%. Trong khi đó báo cáo của HoSE cho biết chưa tới 10% số công ty niêm yết hiện nay có ít nhất 1/3 số thành viên HĐQT là nữ. Do đó, tỷ trọng 44% của PAN là con số khá lớn.
“Theo McKinsey và World Bank, các công ty có chất lượng quản trị tốt sẽ được định giá cao hơn 10-20% và có chi phí vốn thấp hơn 10-15% khi gọi vốn. Điều này minh chứng cho việc quản trị công ty tốt không phải là điều kiện cần, mà là điều kiện sống còn.
Đặc biệt như tôi vừa nói, HĐQT của chúng tôi đa dạng lứa tuổi U40-80, vậy làm thế nào để quản trị công ty tốt, tôi nghĩ quan trọng nhất là đổi mới sáng tạo và quản trị rủi ro. Đây là "combo" mà lãnh đạo chúng tôi luôn luôn đau đáu.
Giữa thế giới đầy biến động, chúng tôi cũng nghiên cứu phát triển sản phẩm mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp. Chúng tôi đã nghiên cứu ra những giống lúa chịu mặn, chịu ngập, chịu nóng và cứng cáp, có thể sống sót qua bão gió. Đó là những điều chúng tôi rất tự hào khi mang lại giá trị hơn 2.000 tỷ cho nông dân trong năm nay.
Hàng năm, chúng tôi có giải thưởng The PAN Group Innovation Awards, 2024 chúng tôi có hơn 560 sáng kiến được áp dụng, trong đó có 10 sáng kiến được vinh danh và trao thưởng. Với Tập đoàn PAN, quản trị rủi ro là điều quan trọng nhất, đặc biệt trong xã hội đầy biến động. Tuy nhiên, giống như thị trường chứng khoán, có xuống, có lên, quản trị rủi ro thì có cả trong đó là quản trị cơ hội để làm sao không mất cơ hội”, bà My nhấn mạnh.
Cũng có quan điểm về quản trị có ý nghĩa sống còn với doanh nghiệp, bà Kasturi Nathan, Chuyên gia cao cấp về chiến lược, quản lý rủi ro và giao dịch của Deloitte Đông Nam Á, nhận định trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, việc nâng cao chất lượng quản trị công ty "là yếu tố sống còn để thu hút nguồn vốn đầu tư bền vững". Các công ty không chỉ cần thực hiện các chiến lược kinh doanh hiệu quả mà còn phải tạo ra một môi trường quản trị minh bạch và có trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các nhà đầu tư quốc tế.
“Đặc biệt, trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, việc quản trị công ty đúng đắn sẽ tạo ra sự khác biệt rõ rệt cho các doanh nghiệp Việt Nam, giúp họ gia tăng uy tín, thu hút vốn đầu tư và xây dựng nền tảng phát triển bền vững trong tương lai”, bà Kasturi Nathan khẳng định.
Tại Diễn đàn, ông Phan Lê Thành Long, Tổng giám đốc VIOD công bố sáng kiến Bộ chỉ số VNCG50, được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) ủng hộ. Đây là bộ thẻ điểm được xây dựng dựa trên các chỉ số đánh giá của ACGS theo các thông lệ tốt, đồng thời dựa trên thực tiễn về quản trị công ty tại Việt Nam.
VNCG50 được đánh giá bởi Hội đồng do VNX chủ trì, gồm các thành viên là các chuyên gia đến từ Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), đại diện quỹ, công ty chứng khoán và chuyên gia độc lập.
Theo lộ trình, năm 2024 sẽ công bố Thẻ điểm VNCG50 dưới dạng sáng kiến. Trong cuộc họp mới đây với các sở giao dịch, VNX và cuộc họp hội đồng của VNCG50, quan điểm thống nhất mang tính chiến lược là sở giao dịch sẽ căn cứ vào sáng kiến này để nâng cấp và ban hành Bộ chỉ số VNCG 50 trong thời gian tới, dự kiến là ngay trong năm 2025.
Khi nâng thành bộ chỉ số, những doanh nghiệp nằm trong danh sách này sẽ có những lợi ích lớn, bởi bộ chỉ số sẽ trở thành điểm tham chiếu để thu hút đầu tư. Nhắc đến việc thu hút vốn đầu tư, doanh nghiệp cũng sẽ có nhiều động lực lớn hơn để cải thiện quản trị công ty.
Ông Long đánh giá, để nâng điểm số lên được mức trung bình của khu vực vẫn còn nhiều khó khăn mang tính kỹ thuật, do đó, nỗ lực từ phía chính doanh nghiệp là rất cần thiết. Việc công bố Thẻ điểm VNCG50 nhằm mục tiêu lớn nhất là thị trường chứng khoán Việt Nam không chỉ được nâng hạng, mà còn thu hút thành công dòng vốn mới, chất lượng vào thị trường.