Khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, doanh nghiệp lâm, thủy sản mong muốn các ngân hàng đơn giản hóa thủ tục, linh hoạt cho vay tùy từng thời điểm.
>>Cần làm gì để tăng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp?
Thực tế, hiện nay việc tiếp cận vốn tín dụng và các thủ tục chứng minh tài sản đảm bảo đang là bài toán khá hóc búa với các doanh nghiệp trong lĩnh vực, nông, lâm, thuỷ sản.
Là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xuất khẩu gỗ, từ năm 2023 đến nay, Công ty TNHH Kẻ Gỗ gặp không ít khó khăn khi tổng cầu thế giới suy giảm, dẫn đến tụt giảm lượng hàng bán và tăng chỉ số tồn kho. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng gặp vướng mắc về thủ tục hoàn thuế, làm cho doanh nghiệp bị mất cân đối nghiêm trọng về dòng tiền.
Ông Trịnh Đức Kiên – Phó Giám đốc Công ty TNHH Kẻ Gỗ chia sẻ, Công ty TNHH Kẻ Gỗ là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Vì vậy, việc tiếp cận các khoản vay ưu đãi hoặc tiếp cận nguồn tài chính từ các ngân hàng, thậm chí là thương mại cổ phần gặp khó khăn hơn các doanh nghiệp lớn. Thứ nhất, các tài sản đảm bảo của doanh nghiệp vừa và nhỏ không dồi dào như các doanh nghiệp lớn. Thứ hai, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam chỉ có tài sản lớn nhất là các hàng hoá sản xuất ra. Nếu hàng hoá chưa tiêu thụ được thì đó là hàng tồn kho. Bên cạnh đó, máy móc, thiết bị, nhà xưởng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có tài sản đảm bảo đủ sức để tiếp cận nguồn vốn lớn hơn. Vì vậy, khi các doanh nghiệp vay vốn ngân hàng, họ gặp khó khăn bởi không đáp ứng được điều kiện của các tổ chức tín dụng.
Còn bà Nguyễn Hải Bình – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn STP cho biết: “Công ty chúng tôi hoạt động trong hai lĩnh vực. Đó là đầu tư nông nghiệp và cùng với bà con nông dân thực hiện các chuỗi đầu vào, đầu ra của sản xuất nông nghiệp. Xét về đầu tư, chúng tôi đang tự thân đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp bởi các doanh nghiệp và các ngân hàng trong nước chưa có chính sách tốt nhất”.
“Hiện, yếu tố tài sản của ngành nông nghiệp mà chúng ta chỉ xét yếu tố mặt nước hay mặt đất để thực hiện thì theo pháp luật nước ta chưa được coi là tài sản thế chấp. Vì thế, các doanh nghiệp chỉ có thể thế chấp tài sản gắn liền với đất. Như chúng tôi là một doanh nghiệp khá mới, tài sản gắn với vùng nước, đặc biệt là gắn ở trên biển. Vì vậy, chúng tôi cho rằng điều này cần phải được tháo gỡ bằng việc đưa ra giải pháp coi đó là một loại thế chấp tài sản. Ngoài ra, bà con nông dân khi tham gia vào chuỗi sản xuất không phải ai cũng có tài sản bất động sản, họ không thể vay vốn trên cam kết tín dụng”, bà Bình chia sẻ.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp lâm sản và thủy sản phục hồi, phát triển sản xuất, tháng 7/2023, Ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn ngân hàng thương mại triển khai Chương trình tín dụng 15.000 tỉ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản. Đến cuối tháng 2/2024, tại cuộc họp về tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại đã và đang tham gia sẽ tiếp tục nghiên cứu bổ sung, nâng quy mô gói tín dụng này lên 30.000 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết: “Các chương trình hạ lãi suất và gói tín dụng 30.000 tỉ cho ngành thủy sản, lâm sản là cần thiết, kịp thời nhằm thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp và bà con nông ngư dân quay vòng vốn đầu tư sẵn sàng cho sản xuất khởi sắc trở lại. Chúng tôi mong rằng, các ngân hàng sẽ xem xét thêm việc “đơn giản và linh hoạt hơn” về các yêu cầu thủ tục, hồ sơ và điều kiện của các ngân hàng để các doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn thuận lợi hơn. Trong đó, tỉ lệ tín dụng cho doanh nghiệp xuất khẩu kỳ vọng sẽ tăng lên ít nhất 50% tổng dư nợ, thay vì khoảng 27-28% trong gói 15.000 tỉ đồng vừa qua”.
Ông Hà Huy Cường - Phó Tổng Giám đốc Nam Á Bank chia sẻ: “Để các ngân hàng tiếp cận được khách hàng hay các khách hàng tiếp cận được vốn vay đòi hỏi sự đồng hành từ hai bên. Các doanh nghiệp khi tiếp cận các ngân hàng, đòi hỏi sự chuẩn chỉ, tính minh bạch là yêu cầu đầu tiên. Về phía ngân hàng, các cơ chế, thủ tục chính sách hồ sơ phải đơn giản hoá, đặc biệt là số hoá các hồ sơ, thủ tục chính sách để giúp các doanh nghiệp này để có thể tiếp cận một cách nhanh nhất, dễ dàng hơn. Còn đối với tài sản mặt nước, đây là một tài sản rất lớn và không thua gì tài sản trên mặt đất. Song, chúng ta phải có độ trễ để thiết lập một cơ chế chuẩn về luật, quy định về luật”.
“Khi triển khai các gói tín dụng của Ngân hàng Nhà nước và định hướng của Chính phủ đòi hỏi phải có sự vào cuộc, đồng hành của các sở, ban, ngành, hiệp hội, Ngân hàng Nhà nước và doanh nghiệp. Trong gói nâng từ 15.000 tỉ đến 30.000 tỉ, chúng tôi cũng cam kết với Ngân hàng Nhà nước giải ngân khoảng 3.000 tỉ – 5.000 tỉ nữa. Điều này cũng sẽ giúp hỗ trợ cho chương trình nông, lâm, thuỷ sản”, ông Cường cho biết thêm.
Có thể bạn quan tâm