Doanh nghiệp logistics trước áp lực số hoá: Thay đổi để tồn tại

Ngọc Hà 16/01/2019 00:10

Chi phí vận chuyển cao, thiếu nhân lực có trình độ và phương tiện vận chuyển chưa đa dạng chính là những “phàn nàn” của doanh nghiệp thương mại điện tử khi sử dụng dịch vụ logistics hiện nay.

Dịch vụ logisitcs chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp thương mại điện tử.

Hiện nay, dịch vụ logisitcs chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp thương mại điện tử.

Các doanh nghiệp khẳng định rằng, để doanh nghiệp logistics có thể đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp thương mại điện tử đang có xu hướng tăng trưởng “nóng” cần thiết phải ưu tiên sử dụng dịch vụ của nhau, liên kết nhịp nhàng, như hai bánh xe trong một cỗ máy.

Doanh nghiệp thương mại điện tử “phàn nàn”

Là một doanh nghiệp thương mại điện tử, đang sử dụng dịch vụ, ông Vũ Đức Thịnh – Giám đốc Lazada Express chia sẻ rằng: “Hiện nay, các phương tiện vận chuyển ở Việt Nam chưa đa dạng, chưa tăng trưởng kịp với sản lượng hàng hóa trong khi đó giá thành lại cao, chưa kể nhân lực thiếu trình độ và kinh nghiệm”.

Theo đó, các dịch vụ hỗ trợ e-logistics còn thiếu, chưa áp dụng được nhiều yếu tố công nghệ. Đặc biệt, riêng với thương mại điện tử, chi phí logistics tại Việt Nam đang chiếm khoảng 30% doanh thu.

Đây là tỷ lệ rất cao so với các ngành nghề thương mại truyền thống và so với một số quốc gia khác, như Ấn Độ chỉ chiếm 5 - 15% (2017), Mỹ 11,7% và Trung Quốc 12%.

Cùng quan điểm về chi phí logistics còn cao, ông Nguyễn Quang Thuật – Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ nhấn mạnh: “Mặc dù, trong chuỗi dịch vụ logistics, vận chuyển được coi là "xương sống" của thương mại điện tử. Tuy nhiên, chi phí vận chuyển của các doanh nghiệp logistics còn khá cao. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới tính cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp”.

Ngoài ra, ông Nguyễn Quang Thuật cũng lưu ý rằng, thói quen sử dụng tiền mặt trong các giao dịch mua bán dễ gây ra những rủi ro, đặc biệt khi lượng tiền các doanh nghiệp logistics phải thu hộ doanh nghiệp thương mại điện tử quá cao.

Có thể thấy, những tồn tại trong việc sử dụng dịch vụ logistics được các doanh nghiệp thương mại điện tử chỉ ra như trên cũng chính là những khó khăn, tồn tại của ngành logistics trong thời gian vừa qua.

Theo nhận định của ông  Đào Trọng Khoa - Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), hiện nay, phần lớn doanh nghiệp logistics Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, tính chuyên nghiệp chưa cao.

Bên cạnh đó còn phải kể đến những tồn tại khác như: chưa liên kết chặt chẽ để phục vụ khách hàng, chỉ đáp ứng được các dịch vụ giao nhận, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, gom hàng lẻ, chưa tham gia điều hành cả chuỗi logistics như các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Số hoá là câu chuyện của tồn tại

Theo thông tin từ Hiệp hội Logistics, hiện nay, số lượng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong hoạt động được tăng lên từ 15% - 20% đến 40 - 50%. Tuy nhiên, hiện vẫn còn hơn ½ doanh nghiệp chưa ứng dụng công nghệ trong hoạt động của mình. Chi phí logistics tại Việt Nam do VLA tính toán là khoảng 16,8%. Con số này còn cao so với trung bình Châu Á Thái Bình Dương là 12,5%, Thái Lan (15%), Singapore (8,5%).

Theo nhận định của ông Đào Trọng Khoa: “Số hoá là xu hướng tất yếu mà các doanh nghiệp logistics của Việt Nam cần thực hiện. Đây không còn là sự lựa chọn của các doanh nghiệp nữa, mà là câu chuyện tồn tại”.

Theo đó, mọi giao dịch bình thường trước đây giờ đều là giao dịch điện tử vì vâỵ doanh nghiệp cần phải ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào hoạt động của doanh nghiệp mình để giảm chi phí, tiết kiệm thời gian.

Trong thời gian tới, để vượt lên những khó khăn của ngành, cũng như đáp ứng tốt hơn dịch vụ logistics dành cho hoạt động thương mại điện tử, theo chia sẻ của ông Nguyễn Tương, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, doanh nghiệp ngành logistics đã đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó phải kể đến hoạt động cắt giảm chi phí và đầu tư cơ sở hạ tầng.

Trước tiên, liên quan đến hoạt động cắt giảm chi phí, doanh nghiệp logistics sẽ tập trung nâng cao hiệu suất của ngành trong chuỗi quản lý cung ứng, bằng cách phối hợp giữa các nhà sử dụng dịch vụ, nhà sản xuất, nhà xuất, nhập khẩu, nhà phân phối... hướng tới việc giảm chi phí logistics.

Ngoài ra, doanh nghiệp logistics cũng chủ động nâng cao năng lực bản thân doanh nghiệp thông qua việc đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ cao, và đào tạo nguồn nhân lực.

Việc ứng dụng số hoá, cụ thể là bockchain vào hoạt động cung cấp dịch vụ logistics sẽ như thế nào? Việc thực hiện này có khó khăn gì? Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp logistics trước áp lực số hoá: Thay đổi để tồn tại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO