Đối thoại, kiến nghị nhiều và Thủ tướng cũng nhiều lần chỉ đạo… Song, nhiều doanh nghiệp vẫn bị ngâm tiền hoàn thuế, nguy cơ rơi vào tình trạng nợ nần, phá sản.
Đó là chia sẻ của ông Võ Quang Thuận – nguyên Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Phước với PV Diễn đàn Doanh nghiệp, xoay quanh nội dung hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Ông đánh giá như thế nào về nội dung trả lời của lãnh đạo ngành thuế mới đây tại buổi đối thoại chính sách thuế với hơn 300 doanh nghiệp phía Nam?
Trước tiên cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao sự thẳng thắn của lãnh đạo Tổng cục Thuế và các cục thuế địa phương khi đã thẳng thắn trả lời những bức xúc của doanh nghiệp xoay quanh nội dung đối thoại chính sách thuế. Đặc biệt là những nội dung kiến nghị về việc hoàn thuế GTGT của doanh nghiệp.
Có thể nói, đây là lần đầu tiên các doanh nghiệp được nghe lãnh đạo ngành thuế trả lời thẳng thắn và không né tránh những câu hỏi của doanh nghiệp như vậy.
Những nội dung rõ ràng, khác với những lần trước là chỉ dành thời lượng lớn để phổ biến các chính sách sau đó kết thúc. Ngược lại, ở buổi đối thoại lần này ngành thuế đã đi thẳng vào phần hỏi đáp, trong đó tập trung chủ yếu vào những nội dung mà doanh nghiệp đang búc xúc, mong muốn giải đáp.
Đặc biệt, những nội dung được nhấn mạnh của Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã phần nào xoa dịu được những bức xúc của doanh nghiệp. Trong đó, những nội dung được doanh nghiệp đánh giá cao thể hiện qua việc ngành thuế mong muốn được lắng nghe giải đáp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định, chính sách pháp luật thuế.
Do đó, chúng tôi hy vọng sau lần đối thoại này ngành thuế sẽ có những hành động cụ thể để giải quyết dứt điểm tiền hoàn thuế GTGT cho các doanh nghiệp.
Trong buổi đối thoại, đa số các doanh nghiệp bức xúc xoay quanh vấn đề hoàn thuế GTGT. Vậy, đâu là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp tỏ ra bức xúc, thưa ông?
Doanh nghiệp bức xúc với ngành thuế liên quan đến tiền hoàn thuế GTGT cũng là điều dễ hiểu. Bởi, trên thực tế nhiều doanh nghiệp đã chờ đợi 3- 4 năm nay và không còn vốn để kinh doanh, trong đó có cả nguồn vốn chủ sở hữu, bao gồm: máy móc, đất đai… bao nhiêu của cải, vật chất đã bị “chôn” trong tiền thuế GTGT nhưng chưa được hoàn lại.
Bên cạnh đó, nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng vốn dĩ từ xưa đến nay được các doanh nghiệp luôn luôn mong chờ, hy vọng, là đòn bẩy thì nay cũng đã “khép lại” do còn nợ cũ, báo cáo tài chính, phương án kinh doanh, phương án trả nợ thiếu thuyết phục nên không có một tổ chức tín dụng nào dám giải ngân.
Mười đồng đi vay sẽ là một đồng tiền lãi đi kèm, thế nhưng, hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ tiền hoàn thuế GTGT của doanh nghiệp bị “ngâm” mấy năm trời. Và có lẽ đây là nguyên nhân chính, sâu xa nhất khiến cộng đồng doanh nghiệp bức xúc mỗi khi đối thoại với ngành thuế.
Đối thoại nhiều, đơn kiến nghị cũng nhiều, thậm chí Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cũng nhiều lần chỉ đạo, thế nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết, vẫn ngày qua ngày mỏi mòn chờ tiền hoàn thuế. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp cần ngành thuế hành động, thay vì chỉ dừng lại ở lời hứa, hay sẽ báo cáo với cấp có thẩm quyền.
Ngành thuế cho rằng, nguyên nhân chậm hoàn thuế GTGT do tình trạng doanh nghiệp ma, mua bán hóa đơn, gây rủi ro lớn cho cả doanh nghiệp và cơ quan thuế. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?
Ngành thuế đưa ra những lập luận như vậy cũng không phải là không có cơ sở. Tuy nhiên, đây cũng chính là vấn đề mà chúng tôi đã nhiều lần làm đơn kiến nghị, đối thoại và đã từng khẳng định: Nếu doanh nghiệp sai sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Sẵn sàng chấp nhận mọi hình phạt theo quy định, thậm chí nếu đủ yếu tố, xác định vi phạm ngành thuế có thể chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để khởi tố hình sự (nếu có).
Một con sâu không thể làm rầu nồi canh. Do đó, ngành thuế cũng cần phải xem lại một cách thấu tình đạt lý thay vì “vơ đũa cả nắm” như hiện nay, nếu không sẽ vô tình bóp nghẹt sự phát triển của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, ngành thuế phải tiếp tục khẳng định vị thế và trách nhiệm của mình trong việc nỗ lực tạo môi trường kỹ thuật để ngăn chặn gian lận, đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng đối với những doanh nghiệp chân chính, góp phần cho việc thu ngân sách Nhà nước một cách hiệu quả hơn.
Song song đó, thay vì chỉ dừng lại ở việc đối thoại, ngành thuế cần tăng cường hợp tác với doanh nghiệp để cùng nhau quản trị rủi ro sao cho hiệu quả nhất. Bởi, trên thực tế cả hai bên đều đang phải đối mặt với nhiều vấn đề không chắc chắn, đặc biệt trong quá trình thanh tra, kiểm toán và thực hiện nghĩa vụ thuế.
Một hoạt động nghiệp vụ như cấp trên với cấp dưới, thậm chí mang tính chất mệnh lệnh, cứng rắn cần phải loại bỏ và thay vào đó là thực hiện theo phương châm: “xây dựng chính quyền vì doanh nghiệp, phục vụ doanh nghiệp”. Và chỉ có như thế thì mới có thể xử lý, giải quyết dứt điểm những vấn đề một cách nhanh chóng, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển cũng như nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý thuế Nhà nước.
Trân trọng cảm ơn ông!