Lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành dệt may đã có nhiều khởi sắc khi số lượng doanh nghiệp có lãi tăng trưởng chiếm tỷ lệ áp đảo so với số lượng doanh nghiệp thua lỗ.
Đứng đầu danh sách những doanh nghiệp tăng trưởng cao trong quý III/2024 là Tổng Công ty May Nhà Bè – CTCP (UpCOM: MNB) ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 1.304 tỷ đồng, tăng hơn 36% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận đạt gần 47 tỷ đồng, tăng mạnh hơn 1.466% so với cùng kỳ năm 2023.
Có được lợi nhuận tăng trưởng đột biến này, theo lãnh đạo doanh nghiệp, nguyên nhân là do thị trường xuất khẩu chủ lực của Tổng Công ty và các Công ty con trong quý III đã có những chuyển biến tích cực, dẫn đến doanh thu tăng 36% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, một số Công ty Con, Công ty liên doanh liên kết tăng lợi nhuận do tiết giảm chi phí hoạt động so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, MNB mang về hơn 3.249 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng hơn 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận đạt gần 81 tỷ đồng, tăng hơn 145% so với 9 tháng đầu năm 2023.
Đứng thứ hai là Công ty CP Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK) mặc dù doanh thu thuần giảm 19% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn hơn 307 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này tăng mạnh 392% so với cùng kỳ, lên gần 82 tỷ đồng. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao nhất từ trước đến nay của STK. Nguyên nhân chủ yếu là do chênh lệch tỷ giá giảm và có giảm một phần chi phí bán hàng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của STK cũng sụt giảm hơn 18% so với cùng kỳ năm trước. Do lỗ trong nửa đầu năm, nên lợi nhuận sau thuế 9 tháng chỉ ở mức gần 27 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ năm 2023.
Đứng vị trí thứ 3 trong số các doanh nghiệp có lợi nhuận tăng cao là Tập đoàn Dệt may Việt Nam (UpCOM: VGT) với doanh thu thuần quý III tăng 12% so với cùng kỳ, lên hơn 4.588 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 230 tỷ đồng, tăng 186% so với cùng kỳ năm trước.
Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, do ngành may có sự cải thiện cả về giá và số lượng đơn hàng, do tận dụng được sự dịch chuyển từ các thị trường Trung Quốc, Bangladesh và Myanmar. Với ngành sợi, thị trường dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng các đơn vị sợi có nhiều thời điểm chốt được giá bông, sợi tốt. Bên cạnh đó, Công ty tiết giảm được 69% chi phí tài chính, chỉ tốn hơn 63 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay sụt 42% còn 48,5 tỷ đồng, góp phần cải thiện kết quả chung.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, “anh cả” ngành dệt may Việt Nam VGT mang về hơn 12.542 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ, nhưng lãi ròng tăng mạnh 368% so với cùng kỳ năm trước, lên gần 172 tỷ đồng.
Tiếp theo sau là Công ty CP May Sông Hồng (HoSE: MSH) ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng 45% so với cùng kỳ năm trước, lên hơn 1.748 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 130 tỷ đồng, tăng gần 155% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp nguyên nhân khiến lợi nhuận quý III tăng cao hơn cùng kỳ là do công ty ký được nhiều đơn hàng và một số đơn hàng của công ty đã sản xuất xong trong quý II, được xuất hàng vào đầu tháng 7, làm cho doanh thu quý III của doanh nghiệp tăng lên, cùng với việc tiết kiệm chi phí, khiến lợi nhuận tăng cao.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, MSH mang về hơn 3.852 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận đạt hơn 269 tỷ đồng, tăng hơn 64% so với cùng kỳ năm 2023.
Các doanh nghiệp khác có mức tăng trưởng thấp hơn như Tổng Công ty CP May Việt Tiến (UpCOM: VGG) doanh thu tăng trưởng 19% so với cùng kỳ, lên gần 2.692 tỷ đồng, lãi ròng tăng 126%, lên hơn 177 tỷ đồng; Công ty CP Dệt may 7 (UpCOM: DM7) ghi nhận doanh thu thuần tăng 118% lên gần 360 tỷ đồng, lãi ròng tăng 103%, lên 27 tỷ đồng…
Ở nhóm các doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, đứng đầu bảng là Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đức Quân (UpCOM: FTM) ghi nhận doanh thu sụt giảm 8% so với cùng kỳ, xuống còn 43 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ gần 76 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ hơn 30 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp này mang về hơn 140 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 8,5% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp lỗ sau thuế gần 175 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ gần 82 tỷ đồng.
Tiếp theo sau là Công ty CP Everpia (HoSE: EVE) ghi nhận doanh thu sụt giảm 2% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 208 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp lỗ hơn 29 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ hơn 3,5 tỷ đồng. Sau 9 tháng, doanh nghiệp mang về hơn 544 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm hơn 3% so với cùng kỳ; Lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ gần 38 tỷ đồng, cùng kỳ có lãi gần 14 tỷ đồng.
Tổng Công ty CP Dệt may Nam Định (UpCOM: NTD) cũng có quý kinh doanh khó khăn, mặc dù doanh thu thuần tăng 9% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lỗ sau thuế gần 15 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ hơn 13 tỷ đồng. Kết thúc 9 tháng đầu năm, NTD mang về hơn 1048 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm nhẹ gần 3% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế gần 63 tỷ đồng, giảm đáng kể so với mức lỗ hơn 90 tỷ đồng của 9 tháng năm 2023.
Đáng chú ý nhất là trường hợp của Công ty CP Garmex Sài Gòn (HoSE: GMC), từng là một doanh nghiệp lớn và có tiếng tăm trong ngành dệt may Việt Nam, có thời điểm, doanh nghiệp này có doanh thu kỷ lục lên đến 2.000 tỷ đồng/năm, số lượng công nhân cũng lên đến gần 4.000 người. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, kể từ khi “mối lương duyên” với “gã khổng lồ” Amazon bị chấm dứt, cũng là lúc tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này xuống dốc không phanh, liên tục thua lỗ, và gần như không còn có thể kiếm tiền từ mảng truyền thống. GMC hiện đang phải “sống nhờ” vào việc mua bán tài sản đã qua sử dụng, lãi tiền gửi và thanh lý tài sản.
Trong quý III/2024, mặc dù doanh thu tăng trưởng 59% so với cùng kỳ năm trước, nhưng cũng chỉ đạt hơn 116 triệu đồng, chủ yếu là do phát sinh doanh thu từ việc may chăn từ nguyên phụ liệu tồi kho và kinh doanh nhà thuốc. Lợi nhuận sau thuế tiếp tục thua lỗ gần 9 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu chỉ đạt hơn 1,7 tỷ đồng, giảm hơn 79% so với cùng kỳ; lỗ sau thuế gần 8 tỷ đồng. Số lượng lao động cũng chỉ còn hơn 30 người.
Xét toàn diện về bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp ngành dệt may trong quý III/2023, số lượng các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tăng trưởng và có lãi trở lại vẫn chiếm tỷ lệ khá cao. Theo đó, trong số 33 doanh nghiệp ngành dệt may niêm yết cổ phiếu đã công bố báo cáo tài chính quý III/2024, số doanh nghiệp lãi tăng và có lãi trở lại chiếm 22 doanh nghiệp, tương đương với hơn 66,66%; 7 doanh nghiệp giảm lãi, tương đương với hơn 21,2%; và 4 doanh nghiệp báo lỗ, tương đương với hơn 12%.
Theo số liệu phân tích nhóm các doanh nghiệp tăng lãi cao ở trên cũng cho thấy đây đều là những doanh nghiệp lớn và có tên tuổi trong ngành dệt may của Việt Nam. Do đó, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này cũng có thể đại diện cho bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành. Mặc dù vẫn còn một số khó khăn nhất định, nhưng theo đánh giá, bức tranh kinh doanh của ngành dệt may cũng đã có nhiều khởi sắc, và các doanh nghiệp tận dụng tốt các cơ hội từ thị trường, đặc biệt là tại những thị trường đang gánh chịu những bất ổn địa chính trị như Bangladesh và Myanmar thì vẫn có nhiều cơ hội tăng trưởng mạnh mẽ.
Theo Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang đánh giá, năm 2024, tăng trưởng quy mô toàn cầu đối với ngành dệt may không có sự chuyển biến, tăng trưởng rõ nét, nhưng Việt Nam tăng trưởng nhờ đón được sóng dịch chuyển đơn hàng từ một số quốc gia, điển hình như Trung Quốc.
Ông Vũ Đức Giang cho biết, năm 2025, ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 47 - 48 tỷ USD, đây là con số có sự tính toán và nghiên cứu kỹ lưỡng về xu thế đơn hàng. Ngành sợi chưa có sự tăng trưởng hay đột phá về đơn hàng, nhưng với ngành may lượng đơn hàng sẽ dồi dào hơn năm 2024.
"Hầu hết doanh nghiệp trong ngành dệt may đã có đơn hàng đến quý I/2025 và đang đàm phán đơn hàng cho quý II/2025. Đơn hàng không phải là vấn đề đáng quan ngại lắm trong năm tới, nhưng đơn giá sẽ không tăng so với năm 2024", Chủ tịch VITAS Vũ Đức Giang nhận định.