Không thể phủ nhận ở thời điểm hiện tại, thị trường du lịch nghỉ dưỡng đang gặp phải rất nhiều khó khăm do Covid-19. Song, với các bãi biển đẹp như nha Nha Trang, Đà Nẵng sẽ sớm khởi sắc trở lại.
Đó là chia sẻ của ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills Hotels APAC với DĐDN, liên quan tới những tác động và ảnh hưởng từ làn sóng Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam tới ngành dịch vụ du lịch trong thời gian qua.
- Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với ngành dịch vụ du lịch tại Việt Nam?
Chúng ta hoàn toàn có thể thấy rõ hoạt động kinh doanh của các khách sạn và resort tại Việt Nam không mấy khả quan, khi mà công suất phòng của tháng 5 vừa qua đã chạm đến điểm thấp nhất kể từ đầu năm 2021.
Nhìn lại năm 2019, các dự án nghỉ dưỡng trên cả nước nhìn chung đều ghi nhận kết quả hoạt động kinh doanh tích cực. Tuy nhiên, đến năm 2020, ngành du lịch nghỉ dưỡng đã chịu tác động nặng nề khi biên giới buộc phải đóng cửa và nguồn khách quốc tế bị hạn chế. Công suất phòng khách sạn ở mọi địa phương bị sụt giảm, thậm chí công suất phòng tại một số địa điểm du lịch chỉ ghi nhận ở quanh mức 10%.
Và đầu năm 2021, chúng ta đã chứng kiến bước đầu quá trình hồi phục của ngành du lịch nhờ vào nguồn khách nội địa. Cụ thể, tháng 4/2021 khởi đầu với những tín hiệu tích cực khi các khu nghỉ dưỡng cũng như khách sạn trong thành phố ghi nhận nguồn cầu gia tăng. Đặc biệt nhu cầu phòng khách sạn tăng mạnh vào trước dịp lễ 30/4 – 1/5 vừa qua khi một số khách sạn, khu nghỉ dưỡng tại các điểm du lịch quen thuộc gần như không còn phòng trống cho giai đoạn cao điểm lễ.
Tuy nhiên, đợt bùng phát mới nhất lại tiếp tục là đòn giáng mạnh đến toàn ngành du lịch. Và Đà Nẵng cũng như một số tỉnh thành phía Bắc là những địa phương chịu ảnh hưởng đầu tiên khi nhiều khu nghỉ dưỡng nhận được yêu cầu hủy đặt phòng. Nối tiếp chuỗi ảnh hưởng là các khách sạn tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội khi nhiều hoạt động hội nghị, sự kiện (MICE) phải trì hoãn hoặc hủy bỏ. Đặc biệt trong vài tuần qua, khi dịch bùng phát nhanh chóng khiến cho TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh thành khác phải áp dụng các chính sách giãn cách xã hội đã tác động mạnh đến quá trình hồi phục của ngành du lịch.
Tác động ngay trước mắt của làn sóng dịch bệnh lần này là nguồn cầu ngay lập tức sụt giảm. Dù vậy, do đã trải qua hơn một năm với nhiều lần bùng phát, các khách sạn không còn nhiều bỡ ngỡ khi phải đối mặt với tình huống này. Hầu hết các khách sạn đều đang duy trì hoạt động ở mức tối thiểu với bộ máy nhân sự tinh gọn, tối ưu hóa chi phí vận hành để có thể tồn tại với nguồn doanh thu hạn chế như trong bối cảnh hiện nay.
- Việc sụt giảm cầu đã ảnh hưởng như thế nào tới dòng tiền của các doanh nghiệp? Vậy, theo ông, các giải pháp cần trong lúc này là gì để tăng nguồn cầu?
Hiển nhiên, sự sụt giảm nhu cầu đặt phòng sẽ gây ảnh hưởng đến doanh thu của khách sạn & khu nghỉ dưỡng. Với việc mất đi hoàn toàn nguồn khách quốc tế, hoạt động của các khách sạn và khu nghỉ dưỡng chỉ còn phụ thuộc vào nguồn cầu du lịch nội địa trong suốt thời gian qua. Tùy vào mỗi khu vực và tính chất mà các khách sạn sẽ cần những kế hoạch kinh doanh khác nhau. Đối với các khách sạn trong thành phố, việc tập trung phát triển các hoạt động kinh doanh hội nghị, sự kiện sẽ cần được tập trung phát triển. Đối với khu nghỉ dưỡng, việc cung cấp các gói dịch vụ đa dạng gồm phòng nghỉ thoải mái đi kèm đầy đủ tiện ích sẽ giúp thu hút du khách hơn.
Điều thú vị là để hỗ trợ quá trình phục hồi và kích cầu du lịch nội địa, các khách sạn đã đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi để thu hút đa dạng các đối tượng phân khúc khách hơn, từ đó gia tăng nguồn cầu.
Thêm vào đó, trong thời gian qua, các khách sạn đã học được cách tối ưu hóa hoạt động vận hành, thông qua việc đánh giá cân nhắc chi phí để đảm bảo nguồn lực được phân bổ một cách tốt nhất đồng thời duy trì hoạt động vận hành. Đây là yếu tố then chốt giúp nhiều khách sạn cân đối được dòng tiền trong vài tháng qua.
- Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 tại Việt Nam một lần nữa gây ra những tác động nặng nề cho ngành dịch vụ lưu trú trên cả nước.Vậy lời khuyên của ông cho các doanh nghiệp dịch vụ du lịch trong lúc này là gì?
Không thể phủ nhận rằng thời điểm hiện tại thị trường du lịch nghỉ dưỡng đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính xuất phát từ việc mọi người đều e ngại tập trung đông người, từ đó hạn chế nhu cầu du lịch và di chuyển khi không thực sự cần thiết. Tuy nhiên mỗi thị trường lại có những đặc thù riêng, dẫn đến khả năng thích nghi và chiến lược khôi phục hoạt động kinh doanh cũng sẽ khác nhau.
Sau khi các quy định về giãn cách xã hội tại Hà Nội và Hồ Chí Minh được gỡ bỏ, những địa điểm du lịch có thể dễ dàng tiếp cận bằng phương thức lái xe như Hồ Tràm, Đà Lạt có thể sẽ là một trong những lựa chọn đầu tiên của du khách. Tôi cũng kì vọng những điểm đến ven biển nổi tiếng như Đà Nẵng, Nha Trang sẽ sớm thấy tín hiệu khởi sắc trở lại.
Bên cạnh đó, các khách sạn & resort tại các điểm đến nghỉ dưỡng có thể chú trọng hơn vào đối tượng khách lưu trú trung và dài hạn. Đặc biệt tôi nhận thấy một xu hướng hiện khá phổ biến hiện nay là việc xuất hiện đối tượng du khách có nhu cầu kết hợp làm việc từ xa và lưu trú tại khu nghỉ dưỡng. Các khách sạn nên phát triển các chương trình khuyến mãi dành cho đối tượng khách cấp bậc quản lý trở lên để thu hút họ không chỉ đến để nghỉ dưỡng mà còn khuyến khích họ ở lại lâu hơn để làm việc.
Đối với các khách sạn thành phố, quá trình hồi phục có thể sẽ gặp nhiều khó khăn và kéo dài hơn do đối tượng khách công vụ và các hoạt động hội nghị (MICE) vẫn còn hạn chế trong thời gian tới. Do đó lời khuyên của tôi dành cho những khách sạn này là quản lý hiệu quả chi phí vận hành và tạm thời dừng hoạt động một số khu vực, tiện ích không thực sự cần thiết.
Chúng ta cũng nên nhìn vào những tín hiệu tín cực trên thị trường, không chỉ ở Việt Nam mà còn tại các quốc gia khác. Một số quốc gia Châu Á như Thái Lan cũng đang cân nhắc việc mở cửa hoạt động du lịch quốc tế tại Phuket từ tháng sau đối với các du khách đã được tiêm phòng vaccine. Việt Nam có thể quan sát kế hoạch mở cửa của các quốc gia láng giềng và từ đó rút kinh nghiệm trong việc triển khai các chính sách nhằm khôi phục hoạt động du lịch quốc tế trong thời gian tới.
-Xin cảm ơn ông!
“Thực hiện Nghị quyết 84/NG-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”
Có thể bạn quan tâm
11:00, 09/06/2021
00:02, 09/06/2021
05:00, 08/06/2021
04:08, 08/06/2021
05:00, 06/06/2021
15:13, 04/06/2021