Giá vật liệu xây dựng liên tục tăng đẩy nhà thầu vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, "làm cũng chết, không làm cũng chết".
>>Loay hoay kiểm soát giá vật liệu xây dựng
Chia sẻ với phóng viên, nhiều doanh nghiệp xây dựng cho biết, giá thép bật tăng khiến doanh nghiệp phải tạm “đóng băng”, không dám nhận ký hợp đồng mới, trong khi đó những công trình đang xây dựng cũng rơi vào cảnh thua lỗ.
Trong khi đó, lãnh đạo một doanh nghiệp địa ốc khác cũng chia sẻ, giá vật liệu tăng mạnh, những nhà thầu đã ký hợp đồng với chủ đầu tư trước đó cũng đang tìm cách kéo dài tiến độ thi công để nghe ngóng thị trường, đồng thời chờ giá xuống để đỡ lỗ, khiến dự án bị chậm tiến độ, dẫn đến chủ đầu tư bị khách hàng phạt vì chậm giao nhà.
Được biết, ngày 10/3 vừa qua, thị trường vật liệu xây dựng tiếp tục chứng kiến đợt điều chỉnh tăng giá thép xây dựng thêm từ 250 - 810 đồng/kg so với 4 ngày trước đó. Như vậy, sau 4 lần tăng liên tiếp kể từ đầu tháng 3, giá thép xây dựng đã vượt mốc 18.000 đồng/kg.
Có thể bạn quan tâm |
Sau đợt điều chỉnh này, tại miền Bắc, giá thép cây D10 CB300 Hòa Phát từ ngưỡng 17,12 triệu đồng/tấn vào đầu tháng, tăng lên 18,43 triệu đồng/tấn (ngày 11-3).
Tương tự, giá thép cây D10 CB300 của Việt Ý được điều chỉnh từ 17,07 triệu đồng/tấn lên mức 18,38 triệu đồng/tấn hiện nay.
Tại miền Nam, giá thép Miền Nam loại thép cuộn, thép cây được điều chỉnh tăng giá bán 3 lần theo đà tăng giá chung của thị trường thép từ 600.000 - 1.400.000 đồng/tấn.
Cụ thể, giá thép cuộn Miền Nam được điều chỉnh tăng giá bán từ 17,26 triệu đồng/tấn lên mức 18,57 triệu đồng/tấn, thép cây xây dựng loại D10 CB300 được điều chỉnh tăng giá bán từ 17,46 triệu đồng/tấn lên mức 18,78 triệu đồng/tấn.
Giá thép Pomina loại D10 CB300 tại khu vực miền Nam trong những ngày đầu tháng 3 cũng được điều chỉnh tăng giá bán từ 17,76 triệu đồng/tấn lên mức 18,17 triệu đồng/tấn.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), cho biết, thép, xăng dầu tăng cũng đã đẩy các vật liệu khác như ximăng “phi mã”.
Theo tính toán của VACC, thép xây dựng chiếm khoảng 18 - 20% giá thành xây dựng chung cư cao tầng, với công trình xây dựng cầu đường chi phí thép xây dựng lớn hơn.
Chủ tịch VACC cũng cho biết, hầu hết các nhà thầu xây dựng đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, nhận thầu công trình rồi nhưng giá thép tăng đột biến nên "làm cũng chết, không làm cũng chết". Nếu thi công công trình càng làm càng lỗ, ngược lại không tiếp tục thi công sẽ bị phạt tiến độ, thậm chí không được thanh toán phần khối lượng đã thi công.
Không những vậy, với các công trình đầu tư công, nhiều nhà thầu chấp nhận dừng dự án, chịu phạt nên ảnh hưởng tới tiến độ chung của các dự án.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị với các bộ, ngành, Chính phủ nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu để tháo gỡ cho các nhà thầu xây dựng.
Để gỡ vướng cho các nhà thầu, bảo đảm tiến độ các dự án đầu tư công, Chủ tịch VACC kiến nghị Bộ Xây dựng yêu cầu các sở xây dựng địa phương phải kịp thời cập nhật biến động tăng giá vật liệu xây dựng khi công bố giá trên địa bàn để làm cơ sở quyết toán dự án đầu tư.
Ông Hiệp phân tích, hiện đơn giá vật liệu do sở xây dựng địa phương công bố thường "lạc hậu" so với biến động giá thị trường, dẫn đến doanh nghiệp nhà thầu bỏ giá cao để đảm bảo lợi nhuận thì khó trúng trong khi đấu thầu giá thấp thì lỗ.
Để đảm bảo tính khách quan, VACC cho rằng cần điều chỉnh biến động giá vật liệu sát với thị trường, không để ảnh hưởng tới tiến độ của các dự án đầu tư công. Tổ chức này kiến nghị Bộ Xây dựng là cơ quan trung gian đứng ra khảo sát, công bố đơn giá vật liệu theo vùng, khu vực, như vậy sẽ sát với thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Loay hoay kiểm soát giá vật liệu xây dựng
05:00, 11/01/2022
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Bình ổn thị trường vật liệu xây dựng
21:07, 31/12/2021
Đầu tư công: Trợ lực cho ngành vật liệu xây dựng
11:00, 29/12/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Đẩy nhanh cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng cao tốc Bắc - Nam phía Đông
20:03, 22/12/2021