Trước “làn sóng” M&A trong ngành nhựa đang diễn ra mạnh mẽ đến từ nhà đầu tư ngoại doanh nghiệp nội vẫn đang “loay hoay” bài toán làm chủ nguồn nguyên liệu.
Hiện nay, “miếng bánh” thị phần ngành nhựa nhìn qua thì đang nghiêng về doanh nghiệp nội. Ví dụ như tại thị trường ống nhựa, nhựa Tiền Phong đang chiếm 60% thị trường miền Bắc và nhựa Bình Minh đang chiếm 50% thị trường miền Nam. Vì vậy, việc doanh nghiệp ngoại thực hiện M&A với những doanh nghiệp nội hàng đầu trong ngành này nhằm mong muốn “chen chân” vào thị trường ngành nhựa Việt Nam mà không mất công gây dựng từ đầu như thương vụ thâu tóm nhựa Bình Minh mới đây của nhà đầu tư Thái Lan cũng là điều dễ hiểu.
Sức ép M&A từ nhà đầu tư ngoại
Có thể bạn quan tâm |
Cụ thể, Nawaplastic Industries, công ty con của Tập đoàn Siam Cement Group (SCG) đã trở thành cổ đông lớn nhất, sở hữu 50,9% cổ phần của nhựa Bình Minh. Đây là lần đầu tiên đại gia nhựa đến từ Thái Lan tuyên bố hoàn tất thương vụ kể từ thời điểm Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) bán đấu giá toàn bộ 24,16 triệu cổ phiếu, tương ứng 29,51% vốn Nhựa Bình Minh vào đầu tháng 3 vừa qua.
Thương vụ này hoàn tất đã giúp SCG hiện thực hoá phần nào tham vọng xây dựng chuỗi giá trị trong ngành nhựa tại Việt Nam. Bởi hiện nay doanh nghiệp này đã sở hữu một công ty sản xuất hạt nhựa và tư lây muốn có thêm một donah nghiệp sản xuất sản phẩm nhựa với mạng lưới phân phối tốt tại Việt Nam.
Được biết, ngoài nhựa Bình Minh, SCG hiện đang nắm giữ cổ phần tại một số công ty chuyên sản xuất nhựa gia dụng, bao bì khác như Liên doanh Việt - Thái Plastchem, Công ty Nhựa và Hóa chất TPC Vina, Công ty Chemtech và Công ty Vật liệu nhựa Minh Thái.
Bên cạnh nhà đầu tư Thái Lan, doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang “tăng tốc” thâu tóm doanh nghiệp nhựa Việt Nam nhằm đón đầu cơ hội xuất khẩu ngược về Nhật Bản khi quốc gia này vươn lên trở thành thị trường nhập khẩu nhựa lớn nhất của Việt Nam.
Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp khác như Công ty Bao bì United, Công ty Cổ phần In và Bao bì Goldsun, Công ty Nhựa dân dụng Đông Á lần lượt về tay các tổ chức đầu tư của Nhật.
Sau hoạt động này của nhà đầu tư Thái Lan, các nhà đầu tư Hàn Quốc, Trung Quốc cũng đang nghiên cứ và chuẩn bị những bước đi để xâm nhập vào thị trường ngành nhựa Việt Nam.
Ngoài ra, room khối ngoại đối với doanh nghiệp nhựa không hạn chế, điều này có nghĩa là vốn sở hữu có thể lên tới 100%, điều này càng tạo điều kiện cho doanh nghiệp ngoại dễ dàng “chen chân” vào thị trường ngành nhựa.
Doanh nghiệp nội “khó” làm chủ nguồn nguyên liệu
Hiện nay, một trong những điểm hấp dẫn nhà đầu tư ngoại tham gia vào ngành nhựa Việt Nam đó chính là tiềm năng ngành nhựa Việt Nam còn rất lớn.
Cụ thể, chỉ số tiêu thụ nhựa bình quân tại Việt Nam hiện đạt 41 kg/người/năm, thấp hơn so với mức trung bình 48 kg/người/năm của châu Á và mức trung bình 70 kg/người/năm của thế giới. Ngoài ra, theo BMI Research, ngành thực phẩm sẽ tăng trưởng 10,9% trong giai đoạn 2015-2019, ngành đồ uống đóng chai sẽ tăng trưởng từ 17-25% đây cũng sẽ là những cơ hội để ngành nhựa Việt Nam phát triển theo.
Tuy nhiên, thị trường tiềm năng là vậy nhưng hiện nay, bản thân các doanh nghiệp trong nước lại chưa làm chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào.
Theo số liệu từ Hiệp hội Cao su nhựa TP.HCM dự báo đến năm 2020, nguyên liệu để sản xuất nhựa lên tới 5 triệu tấn. Việc phải nhập khẩu 70-80% nguyên liệu nhựa đã và đang làm giảm đáng kể sức cạnh tranh và doanh nghiệp xuất khẩu khó tận dụng được ưu đãi thuế bởi những quy định về xuất xứ hàng hóa.
Chia sẻ về thực trạng thiếu nguồn nguyên liệu, ông Nguyễn Bá Hùng – Chủ tịch HĐQT CTCP Nhựa Đông Á cho biết: Tuỳ thuộc vào từng loại nguyên liệu cụ thể như PP, PET, PS…doanh nghiệp nhựa trong nước phải nhập khẩu từ 60 – 80% nguyên liệu. Chính vì vậy, đây cũng là một trong lý do khiến cho doanh nghiệp tồn kho nguyên vật liệu lớn lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Câu chuyện của doanh nghiệp này nói riêng cũng chính là câu chuyện chung của ngành nhựa khi doanh nghiệp không thể làm chủ được nguồn nguyên liệu khiến doanh nghiệp không chỉ bị đọng vốn mà còn tiềm ẩn các rủi ro về tỷ giá, giá dầu thế giới. Mỗi khi tỷ giá VNĐ/USD tăng sẽ khiến chi phí nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp nhựa tăng theo. Trong khi đó, chi phí nguyên liệu lại chiếm khoảng 70-80% giá thành sản phẩm, dẫn đến giá bán thành phẩm các sản phẩm nhựa của doanh nghiệp nội khó cạnh tranh không chỉ với các quốc gia có sản phẩm tương tự mà còn là chính với các doanh nghiệp tại thị trường nhựa Việt Nam sau khi được nhà đầu tư ngoại rót vốn.
Theo ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao su Nhựa TP.HCM, từng cho rằng sức ép trước nhu cầu thiếu nguồn nguyên liệu và những khó khăn khác khiến không ít doanh nghiệp đã chọn cách chuyển giao một phần cho khối ngoại với hy vọng tạo thêm lực đẩy mới về tài chính, công nghệ và thị trường xuất khẩu mới.
Hoặc như cách nhựa Đông Á đã làm đó là phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông chiến lược hoặc kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài rót vốn.