Nhiều doanh nghiệp nông nghiệp đã chọn cách tự mình đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao để giữ thị phần sân nhà ngay sau khi xây dựng được con đường xuất khẩu
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, trong 5 tháng đầu năm 2018 tổng vốn đăng ký đầu tư vào ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt 76,41 triệu USD. Như vậy, so với con số khoảng 10 tỷ USD vốn đăng ký toàn ngành thì đây hẳn là con số còn quá khiêm tốn.
Có thể bạn quan tâm
06:30, 15/06/2018
02:31, 11/06/2018
02:41, 11/06/2018
04:35, 10/06/2018
Tuy nhiên, câu chuyện đầu tư vào nông nghiệp đang có sự thay đổi mạnh mẽ khi doanh nghiệp nội mở rộng dòng vốn đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, để giữ thị phần sân nhà, ngay sau khi doanh nghiệp đã xây dựng được con đường xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Nỗi lo mất “sân nhà”
Năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp đạt 36.37 tỷ USD. Năm 2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặt mục tiêu, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu lên 40,5 tỷ USD. Để hiện thực hoá mục tiêu này, phải có những doanh nghiệp xuất khẩu và sản phẩm xuất khẩu tạo được giá trị gia tăng cao.
Điển hình, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), đã đưa được sản phẩm gạo Đồng Tháp vào hệ thống siêu thị tại thị trường Malaysia bằng việc hợp tác cùng một doanh nghiệp bản địa. Tương tự, doanh nghiệp này cũng đưa được sản phẩm của mình vào thị trường các nước Tiểu Vương quốc Ả- Rập thống nhất (UAE), và mới đây nhất, Hapro cũng đã được thị trường Mỹ cấp chứng nhận code để đưa sản phẩm gạo vào thị trường vốn được đánh giá là khắt khe bậc nhất này.
Tuy nhiên, điều doanh nghiệp trăn trở, nếu chỉ mải mê “chinh chiến” với thị trường xuất khẩu sẽ vô tình “bỏ quên” thị trường nội địa. Vì vậy, theo bà Nguyễn Thị Hải Thanh – Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro): “Để không bị “thua” ngay trên sân nhà, với các sản phẩm chất lượng, tại sao doanh nghiệp không giới thiệu và phục vụ thị trường trong nước?”.
Vì vậy, thông qua Hội chợ “Nông nghiệp Công nghệ cao và nông sản an toàn vùng Đồng bằng Sông Hồng 2018” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức, diễn ra từ ngày 15-20/6 tại tỉnh Hà Nam, doanh nghiệp đã mang tới hội chợ 2 sản phẩm đó là gạo Đồng Tháp và rượu vang Thăng Long.
Phải thừa nhận rằng, mặc dù sản phẩm gạo của doanh nghiệp này đã được phản hồi tích cực từ thị trường và đặc biệt là thị trường Hà Nội, tuy nhiên, để đưa sản phẩm đến rộng rãi với người tiêu dùng nông thôn tại thị trường miền Bắc – vốn cũng là vựa lúa, sẽ vấp phải những khó khăn. Vì vậy, theo bà Hải Thanh, doanh nghiệp đã xác định là cần phải có thời gian để thị trường chấp nhận và thị trường sẽ chấp nhận khi chất lượng sản phẩm được đảm bảo.
Ngoài ra, được biết sản phẩm gạo Đồng Tháp này cũng là một trong những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, với việc sử dụng công nghệ tiên tiến. Chính những điều này đã khiến doanh nghiệp xuất khẩu được sản phẩm gạo Đồng Tháp ra thị trường nước ngoài bằng thương hiệu của doanh nghiệp, thay vì phải đi qua thị trường thứ ba hoặc con đường tiểu ngạch.
Đây chỉ là một trong nhiều ví dụ điển hình về việc doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ chất lượng sản phẩm nông sản để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, đã đến lúc doanh nghiệp không chỉ giữ vững thị phần xuất khẩu mà còn phải làm chủ trên sân nhà.
Doanh nghiệp nội chủ động
Phải thừa nhận rằng, đầu tư vào nông nghiệp, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao vẫn đang ở giai đoạn sơ khai, trong khi đây là ngành còn rất nhiều dư địa để phát triển.
Thời gian vừa qua, ngành nông nghiệp cũng ghi nhận nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam được xuất khẩu đi thị trường thế giới, tuy nhiên với mong muốn gia tăng hàm lượng giá trị gia tăng trên các sản phẩm nông nghiệp, theo ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng: “Phải quan tâm đầu tư vào các ngành như chế biến, bảo quản và công nghệ sau bảo quản trong chuỗi giá trị ngành nông nghiệp để nâng cao giá trị cho nông sản xuất khẩu”.
Vì vậy, đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát triển của ngành nông nghiệp công nghệ cao, nhiều doanh nghiệp nội đã chủ động đầu tư, mặc cho khối ngoại vẫn “rụt rè”.
Theo thông tin từ ông Đào Văn Hồ, thời gian gần đây, nhiều tín hiệu đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao đã được thực hiện.
Trong đó phải kể đến như Công ty Nafoods khởi công nhà máy chế biến rau củ quả xuất khẩu tại Mộc Châu trị giá 200 tỷ đồng, và doanh nghiệp này cũng đã khánh thành tổ hợp sản xuất, chế biến hoa quả trị giá 410 tỷ đồng tại Long An hồi tháng 4 vừa qua. Ngoài ra, mặc dù không công bố giá trị đầu tư, tuy nhiên, việc khởi công xây dựng nhà máy chế biến rau quả tại Gia Lai của Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao… tiếp tục là tín hiệu tốt đối với thị trường nông nghiệp.
Được biết, nhằm khuyến khích hoạt động đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, quỹ tín dụng cho vay đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao trị gía 100 nghìn tỷ đồng đã ra đời vào năm 2017.
Ông Đào Văn Hồ cũng thông tin, trong thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng quy hoạch chi tiết các khu nông nghiệp công nghệ cao và sẽ có nghị định riêng về sản xuất nông nghiệp hữu cơ.
Với những chính sách, cơ chế ưu đãi đồng bộ từ các cơ quan liên quan, đặc biệt là sự chủ động đầu tư của doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ góp phần đưa sự phát triển của ngành nông nghiệp lên một tầm cao mới trong thời gian tới.