Kinh tế số

Doanh nghiệp Quảng Ninh tích cực chuyển đổi số

Trung Thành 03/11/2024 00:06

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ngày càng có nhiều các doanh nghiệp bắt tay vào thực hiện chuyển đổi số.

Tích cực vào cuộc

Để bắt kịp với sự phát triển, thực hiện NQ số 09 của tỉnh Quảng Ninh về chuyển đổi số toàn diện, thời gian qua các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã tích cực vào cuộc. Với nhiều lợi thế như hạ tầng cơ sở vật chất và nền tảng SXKD tốt, công tác chuyển đổi số đang giúp tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, tăng tính kết nối quảng bá sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của từng doanh nghiệp, góp phần vào kết quả tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Công ty CP Du thuyền Đông Dương (TP Hạ Long) là một trong những điển hình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch. Thay vì tổ chức các cuộc họp truyền thống như trước đây, Công ty triển khai những cuộc họp không giấy tờ, qua đó giúp tăng tính công khai minh bạch, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công việc.

Quảng Ninh 1
Quảng Ninh ngày càng có nhiều các doanh nghiệp bắt tay vào thực hiện chuyển đổi số (Ảnh minh họa)

Công ty đã sử dụng phần mềm quản lý khách hàng (CRM) để quản lý thông tin khách hàng, theo dõi tương tác và nâng cao chất lượng dịch vụ; quản lý check-in của khách hàng bằng mã vạch; thanh toán không dùng tiền mặt...

Ông Đoàn Mạnh Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty, cho biết: Từ khi thực hiện chuyển đổi số, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có những hiệu quả nhất định, như giảm 30% giấy tờ in ấn…

Chuyển đổi số đã giúp Công ty giảm nhu cầu nhân lực, tiết kiệm chi phí lương, thưởng, bảo hiểm; có thể cung cấp dịch vụ khách hàng đa kênh 24/7, hỗ trợ nhanh chóng, tiện lợi. Sử dụng các phần mềm họp trực tuyến giúp nhân viên dễ dàng trao đổi, phối hợp công việc.

Sản phẩm trứng vịt biển Đồng Rui ở huyện Tiên Yên từ lâu đã trở thành một trong những sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương. Với chất lượng đạt chuẩn 4 sao, sản phẩm đã được dán tem nhận diện thương hiệu và mã vạch truy xuất nguồn gốc.

Ông Vũ Tuấn Anh - Giám đốc Doanh nghiệp Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tiến cho biết: Từ khi doanh nghiệp Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tiến thay đổi hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua các kênh bán hàng online đã thu hút nhiều đơn hàng hơn so với trước đây. Trung bình mỗi ngày cơ sở xuất ra thị trường từ 12.000 đến 15.000 quả trứng vịt biển”.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã chủ động đề xuất và phối hợp hiệu quả với đơn vị chức năng cấp mã số vùng trồng, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cấp mã vạch cho nông sản, mở ra cơ hội đưa nông sản địa phương vào các kênh thương mại uy tín trong nước, lên các sàn thương mại điện tử xuất khẩu ra nước ngoài. Hiện Quảng Ninh có 300 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 đến 5 sao của tỉnh được giới thiệu, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.

Quảng Ninh 2
Sở TT&TT phối hợp tập huấn cho các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động SXKD (Ảnh Báo Quảng Ninh)

Thúc đẩy sản phẩm trên sàn điện tử

Ông Hoàng Tiến Đang -chủ vựa Na xã Việt Dân - thị xã Đông Triều cho biết: Vụ na vừa qua, tôi bán được gần 1 tấn na, tiêu thụ thuận lợi hơn so với các năm trước. Gia đình cũng được hướng dẫn đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, như OCOP Quảng Ninh, Facebook, Zalo…, vì thế tăng hiệu quả tiếp cận khách hàng trong và ngoài tỉnh, góp phần quảng bá và đưa được sản phẩm na đến với nhiều vùng, miền trên cả nước.

Theo Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh: Hiện nay, địa phương có hơn 70% số sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên của tỉnh Quảng Ninh được quảng bá, kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử như: Voso, Postmart, Tiki,… Riêng sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh đã giới thiệu 393/393 sản phẩm OCOP từ 3 đến 5 sao của tỉnh.

Trong đó, nhiều sản phẩm đã được người tiêu dùng biết đến, tin tưởng sử dụng, như: miến dong Bình Liêu, trà hoa vàng Quy Hoa ở Hải Hà, nước mắm Cái Rồng, hải sản Cô Tô… Tất cả sản phẩm đưa lên sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh đều chấp nhận các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Hiện, sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh đã ký kết với các đối tác phân phối chuyên nghiệp, như: Giao hàng nhanh-GHN Express, giao hàng Viettel, VNPT... và thiết lập liên kết trên các sàn giao dịch điện tử lớn, có tiếng như: Lazada, Shopee, Fado, Tiki, đồng thời liên kết với Viettel tích hợp tính năng thanh toán điện tử qua Viettel Pay nhằm hỗ trợ tối đa sự thuận lợi thanh toán của người tiêu dùng.

Quảng Ninh 3
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp là tăng giá trị chất lượng sản phẩm (Ảnh minh họa)

Ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Ninh cho biết, thông qua các nền tảng thương mại điện tử, các đơn vị sản xuất, chế biến, kinh doanh cũng nhận được những đánh giá chính xác từ phía người tiêu dùng, từ đó nghiên cứu cải thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm. Xác định thương mại điện tử là xu hướng tiêu dùng sẽ chiếm ưu thế trong thời gian tới, các cơ quan quản lý của tỉnh Quảng Ninh đang đẩy mạnh công tác hướng dẫn, hỗ trợ người nông dân, người sản xuất, chế biến, tiêu dùng tham gia các nền tảng, từ nội địa tới thương mại điện tử xuyên biên giới.

Còn theo ông Bùi Văn Trà - Chủ tịch Hội Nông dân phường Phương Nam, thành phố Uông Bí, đôi với nông dân, kênh bán hàng qua sàn thương mại điện tử thật sự là hướng đi rất mới, đem lại hiệu quả và giá trị kinh tế cao cho người dân và doanh nghiệp.

Có thể thấy rõ hiệu quả của việc kết nối tiêu thụ sản phẩm vào các siêu thị, hệ thống phân phối bán lẻ, được các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã quan tâm, nhất là việc đưa sản phẩm tham gia “gian hàng trực tuyến” trên các sàn thương mại điện tử uy tín.

Hiện, sàn giao dịch thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh đang giới thiệu 560 sản phẩm OCOP của 235 doanh nghiệp, trong đó có 393 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Tất cả các sản phẩm này đều chấp nhận các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Theo Sở Công Thương Quảng Ninh, đến nay 100% số siêu thị, trung tâm thương mại và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ thanh toán (POS) và cho phép khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của khách hàng bằng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; 100% các giao dịch giữa cơ quan hành chính nhà nước với doanh nghiệp và công dân được thực hiện trực tuyến qua Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh hoặc qua bộ phận tiếp nhận và trả kết quả…

Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 55% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, 50% số siêu thị, trung tâm mua sắm, cơ sở phân phối hiện đại, các hộ gia đình và cá nhân sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng. Đồng thời có 80% số doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn đặt hàng thông qua các phương tiện điện tử; 90% số giao dịch mua hàng trên website/ứng dụng thương mại điện tử có hóa đơn điện tử.

Có thể thấy phát triển thương mại điện tử sẽ là động lực để tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, hoàn thành mục tiêu đặt ra đến năm 2025 kinh tế số đạt 20% GRDP và đến năm 2030, kinh tế số đạt 30% GRDP.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp Quảng Ninh tích cực chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO