Doanh nghiệp rượu, bia "băn khoăn" với quy định cấm quảng cáo, tài trợ

Minh Vân 12/09/2018 06:30

Dự thảo lần thứ 4 của Luật phòng chống tác hại của rượu, bia vẫn chưa nhận được đồng tình của các doanh nghiệp về việc cấm quảng cáo, tài trợ.

Hôm 27/8, Bộ Y tế  đã trình dự thảo lần thứ 4 của "Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia" lên Thủ tướng Chính phủ. Đến 7/9, bản dự thảo với tên được điều chỉnh thành "Luật phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia" đã được Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp rượu bia "nặng gánh" với bảo hiểm sức khỏe?

    17:21, 21/06/2018

  • Đề xuất tăng thuế rượu bia để giảm tiêu thụ?

    05:34, 17/06/2018

  • Không nên cấm rượu bia theo giờ

    13:36, 18/04/2018

  • 70% dẫn đến tai nạn giao thông từ uống rượu bia

    04:33, 30/09/2017

“Quy định rượu bia như là tội đồ”

Đáng chú ý, dù đã trải qua 4 lần dự thảo nhưng khi bình luận về tên gọi của dự thảo "Luật phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia" nhiều chuyên gia vẫn khẳng định rằng, cách đặt tên Luật như vậy sẽ khiến “rượu, bia” được hiểu như là tội đồ.

Về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico cho rằng: “Tên của luật không đúng, dẫn đến nhiều vấn đề khác bị nhầm lẫn, không chuẩn mực, không rành mạch, rõ ràng. Nhìn tổng thể về dự luật thì tạm hiểu: Vì danh không chính, nên ngôn không thuận”.

Ông Đức khẳng định: "Việc đặt cho dự luật là “phòng, chống” sẽ gây nhầm lẫn, ác cảm rằng rượu bia là độc hại, trong khi độc hại chỉ là tác dụng phụ khi sử dụng quá liều lượng, không điều độ và sử dụng rượu, bia không bảo đảm chất lượng".

“Không thể lấy cái hại chỉ là phụ, là thứ yếu để đặt tên cho luật, dẫn tới khẳng định như đinh đóng cột, mặc định là độc hại, trong khi mục đích chỉ phòng, chống phần độc hại khi lạm dụng rượu bia”, LS Đức nói.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico.

Theo quan điểm của ông Đức, ba vấn đề chính cần được xử lý trong dự án luật, đó là: Giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại của lạm dụng rượu, bia.

“Tuy nhiên, những vấn đề này cần đặt thứ tự ưu tiên, đầu tiên là giảm tác hại của lạm dụng rượu bia, thứ hai là giảm cầu, thứ ba mới là giảm cung. Dự luật chưa thể hiện được điều này, thậm chí còn thể hiện ngược lại là giảm cung, trong khi đó rượu, bia vẫn là một sản phẩm hợp pháp, vừa truyền thống vừa hội nhập. Rượu, bia cũng là một loại thực phẩm, cũng đã được dự luật thừa nhận”, ông Đức nói.

Vì vậy, khi bình luận về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia, rượu nước giải khát Việt Nam đã đề nghị sửa tên dự luật, thay vào đó nên sử dụng tên gọi “Luật kiểm soát đồ uống có cồn hoặc Luật phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn”.

Băn khoăn với quy định cấm quảng cáo và tài trợ

Đáng chú ý, dự thảo thứ lần này của Luật phòng chống tác hại của rượu, bia vẫn chưa nhận được đồng tình của các doanh nghiệp về việc cấm quảng cáo, tài trợ.

Theo đó, dự thảo quy định rượu, bia dưới 5,5 độ cồn không được quảng cáo ngoài trời, trên phương tiện giao thông công cộng, trong các chương trình văn hóa, thể thao, sân khấu, điện ảnh, trang thông tin điện tử. Rượu, bia 5,5-15 độ cồn chỉ được quảng cáo trên phát thanh, truyền hình từ 22h - 6h sáng.

Đối với tài trợ, đơn vị không được tài trợ bằng sản phẩm rượu bia và không được để tên, hình ảnh sản phẩm, không được thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng về hoạt động tài trợ.

Phản ứng trước quy định này, ông Joris Janssen - Giám đốc tiếp thị khu vực Đông Nam Á của Công ty bia Anheuser-Busch Inbev cho rằng: "Những quy định cấm quảng cáo rượu, bia trong những khung giờ nhất định cần được cân nhắc lại vì nghiên cứu về kinh nghiệm quốc tế đã cho thấy cấm quảng cáo không làm giảm tiêu thụ rượu, bia. Chúng tôi cũng đề nghị có chế tài thực thi nghiêm khắc để ngăn chặn sự phát triển của đồ uống có cồn bất hợp pháp".

Năm 2016, ngành bia, rượu đóng góp ngân sách gần 45.300 tỷ đồng. Năm 2017, con số này ước 50.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 1, 7% GDP. "Tất cả tác động nào đến khách hàng của chúng tôi thì cũng sẽ tác động đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi và đóng góp cho ngân sách", ông Trần Hữu Đạt - Giám đốc bán hàng O-I BJC Việt Nam Glass bình luận.

Dự án Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia được khởi động từ năm 2011 và dự kiến có hiệu lực từ năm 2020. Quốc hội định cho ý kiến luật này tại kỳ họp thứ 6 vào tháng 10 tới. Tuy nhiên, hiện có thông tin luật này đã bị rút khỏi chương trình nghị sự trong kỳ họp tháng sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp rượu, bia "băn khoăn" với quy định cấm quảng cáo, tài trợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO