Doanh nghiệp sẽ làm gì khi bị chấm dứt cho vay ngoại tệ?

ThS. Lê Nguyễn Ngọc Hoàn 17/08/2018 11:03

Nếu chuyển đổi từ quan hệ tín dụng sang mua bán ngoại tệ, thì các chủ thể tham gia giao dịch ngoại tệ sẽ phải tính toán kỹ hơn bài toán kinh doanh và sử dụng nhiều hơn các công cụ giao dịch ngoại tệ.

Từ 2010 đến nay, NHNN đã “rung chuông” chính sách nhiều lần, vừa duy trì nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp, vừa hạn chế tình trạng đô la hóa, vàng hóa nền kinh tế, hướng tới chuyển sang quan hệ mua-bán ngoại tệ, thay cho cấp tín dụng.

p/Vietcombank là một trong những ngân hàng đang triển khai dịch vụ giao dịch hoán đổi lãi suất và hoán đổi ngoại tệ cho doanh nghiệp.

Vietcombank là một trong những ngân hàng đang triển khai dịch vụ giao dịch hoán đổi lãi suất và hoán đổi ngoại tệ cho doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh “loay hoay” với tình trạng thanh toán ngoại tệ trái phép

    05:00, 04/08/2018

  • NHNN sẵn sàng bán ngoại tệ để bình ổn tỷ giá và thị trường

    06:50, 24/07/2018

  • Vì sao Chính phủ duy trì chính sách tiền gửi ngoại tệ ở mức 0%?

    06:10, 14/01/2018

  • Mẹo "săn" ngoại tệ cuối năm của doanh nghiệp nhập khẩu

    07:56, 03/01/2018

  • Doanh nghiệp “thở phào” khi chính thức được gia hạn cho vay vốn bằng ngoại tệ

    10:55, 28/12/2017

Một định hướng, “nới lỏng” 8 năm

Theo Chỉ thị 04/2018/CT-NHNN về các nhiệm vụ trọng tâm ngành ngân hàng 6 tháng cuối năm, NHNN tiếp tục điều hành linh hoạt tỷ giá, phù hợp với diễn biến cung cầu thị trường; triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý ngoại hối, ổn định thị trường ngoại tệ, đồng thời kiểm soát chặt việc cho vay bằng ngoại tệ, giảm dần và có lộ trình chấm dứt cho vay bằng ngoại tệ.

Trước đó, theo Thông tư 18/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN được NHNN ban hành ngày 27/12, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép xem xét quyết định cho khách hàng là người cư trú vay vốn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay. Quy định này được thực hiện đến hết ngày 31/12/2018.

Với những biến động lớn trên thị trường quốc tế, xoay quanh quyết định tăng lãi suất liên tục của FED và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có nguy cơ ảnh hưởng đến biến động ngoại tệ và tâm lý găm giữ đồng USD của người dân Việt Nam, rất có thể tới cuối năm 2018, với thông điệp quyết liệt của NHNN, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ không còn được gia hạn cho vay ngoại tệ thêm lần nữa. Khách hàng có nhu cầu ngoại tệ, đặc biệt doanh nghiệp, một lần nữa sẽ phải “sốt vó” với bài toán phải mua- bán ngoại tệ thay cho vay mượn.

Một giao dịch, hai đồng tiền

Hiện nay hầu hết các ngân hàng đã triển khai hối đoái hoán đổi (Swap) vào các dịch vụ dành cho doanh nghiệp. Theo đó, Swap cho phép doanh nghiệp lựa chọn một hợp đồng giao dịch khác thay cho mua bán ngoại tệ nhưng vẫn tận dụng được nguồn thu ngoại tệ trong tương lai. Kỳ hạn giao dịch hối đoái hoán đổi tại ngân hàng có thể từ 3 ngày đến 12 tháng. Doanh nghiệp phải ký quỹ và có thể chịu phí hoặc được miễn phí giao dịch hoán đổi.

  Những doanh nghiệp có nguồn thu rõ ràng và định mức tín nhiệm tốt, vẫn sẽ có cơ hội sử dụng nhiều dịch vụ ngoại hối của các ngân hàng để ứng phó với quy định quan hệ mua bán ngoại tệ. 

Thực tế có nhiều doanh nghiệp chia sẻ rằng đã có lúc tín dụng VND lên quá cao (trên 16%), khó chịu đựng được trong khi lại có L/C, có nguồn thu ngoại tệ tương lai, nên đã được ngân hàng tư vấn cho vay VND, chịu lãi suất USD. Doanh nghiệp đã áp dụng hoán đổi lãi suất tiền tệ chéo- chuyển đổi định kỳ lãi suất của 1 đồng tiền này sang lãi suất của 1 đồng tiền khác trong hợp đồng.

Song, swap hiện ít được các ngân hàng sử dụng cho kỳ hạn dài hơn 12 tháng. Doanh nghiệp có nhu cầu vay dài hạn ngoại tệ và khoản vay trị giá cực lớn, vẫn chưa có giải pháp sẵn sàng, hữu hiệu với quy định tương lai.

“Những doanh nghiệp có nguồn thu rõ ràng và định mức tín nhiệm tốt, quan hệ truyền thống gắn bó với TCTD, vẫn sẽ có cơ hội sử dụng nhiều dịch vụ ngoại hối của các ngân hàng để ứng phó với quy định quan hệ mua bán ngoại tệ. Tuy nhiên, những doanh nghiệp mới gia nhập thị trường thì sẽ không có cơ hội tốt như vậy”, một chuyên gia đánh giá.

Điều khó khăn là với quy định này, doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đang được hưởng lãi vay ngoại tệ ưu đãi, sẽ phải chịu “cấu” vào biên lợi nhuận hoặc tăng giá vốn hàng bán khi chi phí lãi vay, chi phí tài chính phải chịu cao hơn. Theo thống kê của NHNN, lãi vay USD hiện đang dao động từ 2-6%. Nếu thay đổi bằng gốc vay VND, sẽ phải điều chỉnh chịu ở mức 6-11%.

Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng sẽ phải chịu rủi ro về tỷ giá rất cao vì luôn có thể rơi vào tình trạng “lãi (tỷ giá) trong tính toán” và lỗ trong thực tế khi đến kỳ thanh toán. Việc sử dụng hợp đồng tương lai có thể sẽ giúp hạn chế được rủi ro nhưng đáng tiếc, lại chưa được phát triển mạnh trong thực tế ở Việt Nam.

Chi phí tài chính đe dọa đẩy lên cao, cơ hội tiếp cận “phao” tín dụng giảm, doanh nghiệp đang lo ngại việc áp dụng quy định nói trên sẽ cộng dồn vào giá thành và sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Quan ngại hơn là theo một thống kê độc lập, trên các thị trường xuất khẩu, phần lớn các doanh nghiệp Việt vẫn cạnh tranh bằng vũ khí giá thấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp sẽ làm gì khi bị chấm dứt cho vay ngoại tệ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO