Từng được kỳ vọng là động lực thúc đẩy nền sản xuất công nghiệp của thành phố, thế nhưng cụm công nghiệp Bắc Quý (phường Thạch Quý, Hà Tĩnh) được đầu tư dở dang, hạ tầng yếu kém.
Nhiều doanh nghiệp đầu tư vào đây chỉ hoạt động được ít tháng rồi lâm cảnh “sống dở chết dở”, một số doanh nghiệp đóng cửa, đứng trước bờ vực phá sản.
Đầu tư gần 15 tỷ đồng
Để đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh, năm 2000 UBND tỉnh đã ban hành quyết định số 2323/2000/QĐ-UBND ngày 3/11/2000 về việc một số cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển tiểu thủ công nghiệp. Cụm công nghiệp Bắc Quý (phường Thạch Quý, Hà Tĩnh) ra đời với mục tiêu đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thị xã Hà Tĩnh lúc đó.
Có thể bạn quan tâm
13:59, 06/10/2018
09:05, 03/10/2018
06:36, 28/09/2018
15:36, 09/10/2018
09:06, 09/10/2018
Cụm công nghiệp Bắc Thạch Quý được quy hoạch chi tiết tại quyết định số 999 QĐ/UB-CN ngày 21/5/2003 của UBND tỉnh về việc phê duyệt dự án quy hoạch chi tiết cụm sản xuất tiểu thủ công nghiệp tập trung thị xã Hà Tĩnh với tổng diện tích là 10ha. Sau khi cụm được thành lập UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cụm sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề tập trung. Dự án có tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng, bao gồm nhiều hạng mục như san nền, đường giao thông, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước, hồ sinh học…
Đến năm 2005, cụm công nghiệp Bắc Quý được đưa vào sử dụng. Cũng trong năm này, công ty TNHH Trường An là đơn vị tiên phong đầu tư theo lời kêu gọi, thu hút đầu tư của chính quyền. Sau đó, các công ty khác như Cty CP TM Lý Thanh Sắc (sản xuất gỗ), Cty CP Lê Quang (sản xuất gạch), Cty CP DN trẻ Hà Tĩnh (sản xuất sơn) cũng đầu tư vào cụm công nghiệp này.
Ông Nguyễn Văn Quế, Giám đốc công ty TNHH Trường An cho biết: “Theo lời kêu gọi thu hút đầu tư của chính quyền, tôi thuê 9.400m2 đất để xây dựng nhà máy sản xuất giấy. Sau khi được chấp thuận, tôi đã đầu tư 59 tỷ đồng, trong đó 10 tỷ đồng xây dựng nhà máy, còn 49 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị máy móc về phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, do nhiều bất cập từ cơ sở hạ tầng nên nhà máy chỉ hoạt động được ít tháng rồi đóng cửa đến nay. Hằng năm, tôi phải thuê người canh gác tại nhà máy nhưng toàn bộ hệ thống, máy móc, nhà xưởng đã xuống cấp, hoen gỉ, chẳng khác gì đống sắt vụn”.
Không chỉ nhà máy giấy Trường An mà nhiều doanh nghiệp khác cũng đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào cụm này như nhà máy sơn Pen-max, nhà máy gỗ Lý Thanh Sắc… đều lần lượt đóng cửa hoặc gắng gượng hoạt động cầm chừng.
Hạ tầng quá yếu kém?
Sau nhiều năm sống “vật vờ”, đại diện những công ty đầu tư vào cụm công nghiệp này đã quyết tâm “cầu cứu” UBND tỉnh Hà Tĩnh. Tuy nhiên, đã nhiều năm trôi qua sự việc vẫn chưa được cơ quan chức năng giải quyết thấu đáo và các doanh nghiệp chỉ nhận được câu trả lời “phải chờ”.
Theo đơn phản ánh của các doanh nghiệp, Cụm công nghiệp Bắc Quý không có đường điện riêng của khu công nghiệp mà đấu chung với đường điện của dân; đường giao thông không đảm bảo cho xe có tải trọng lớn vào khu công nghiệp; hệ thống phòng cháy chữa cháy đã có nhưng không hoạt động; không có hệ thống xử lý nước thải, hệ thống thoát thải kém; khu công nghiệp gần với khu dân cư nên hệ thống chất thải như khói, bụi của các doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến người dân; giá tiền thuê đất quá cao và không thống nhất; không thể mở rộng sản xuất vì vướng quy hoạch của UBND TP. Hà Tĩnh…
Ông Nguyễn Văn Quế cho rằng nguyên nhân khiến nhà máy của ông đóng cửa là do hạ tầng của cụm công nghiệp này quá yếu kém. “Đầu tư cả cụm công nghiệp mà không có những hạng mục cơ bản như thế thì làm sao doanh nghiệp hoạt động được. Chúng tôi đã làm đơn kiến nghị lên các cơ quan chức năng nhưng đều nhận được câu trả lời “phải chờ”. Các doanh nghiệp đã chờ hơn chục năm nay rồi, vậy chúng tôi còn phải chờ đến bao giờ nữa”, ông Quế nói.
Còn ông Đặng Ngọc Lý, Giám đốc Công ty CP Thương mại Lý Thanh Sắc cũng ngán ngẩm: “Lâu nay nhà máy vẫn cố gắng hoạt động cầm chừng nhưng hơn 1 năm rồi tôi phải đóng cửa vì không thể tiếp tục sản xuất. Chúng tôi mong muốn chính quyền cho di dời càng sớm càng tốt để ổn định sản xuất”.