Doanh nghiệp vận tải băn khoăn giao thức truyền dữ liệu camera giám sát

Diendandoanhnghiep.vn Thời gian gấp rút trong khi tiêu chuẩn còn "mù mờ" khiến nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn băn khoăn khi thực hiện quy định lắp camera giám sát xe.

Nghị định 10/2020/NĐ-CP về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô quy định trước ngày 1/7/2021 quy định, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 09 chỗ (kể cả người lái xe) trở lên, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, xe đầu kéo phải lắp camera đảm bảo ghi, lưu trữ hình ảnh của người lái xe trong quá trình xe tham gia giao thông.

Doanh nghiệp

Doanh nghiệp vận tải lo lắng tăng chi phí lớn khi áp dụng lắp camera hành trình.

Như vậy, chỉ còn chưa tới 1 tháng nữa là đến hạn chót phải thực hiện quy định trên. Điều đáng nói, hiện hàng loạt doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đã gửi đơn kiến nghị lùi thời hạn áp dụng quy định này. Theo các doanh nghiệp, việc trang bị, lắp camera nhiều doanh nghiệp vận tải đã chủ động tự đầu tư, trang bị, nay nếu phải thay đổi sẽ rất lãng phí, nhất là 2 năm gần đây, dịch bệnh đã làm cho các doanh nghiệp kiệt quệ.

Tuy nhiên, trả lời kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam về đề nghị lùi thời hạn xử phạt vi phạm hành chính đối với việc lắp camera theo quy định của Nghị định 10 đến hết năm 2022, Tổng cục Đường bộ Việt Nam không đồng thuận và yêu cầu các doanh nghiệp vận tải vẫn triển khai lắp camera giám sát trên xe kinh doanh vận tải đúng thời hạn quy định.

Tổng cục Đường bộ khẳng định, quy định lắp đặt camera giám sát trên xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách có sức chứa từ 9 chỗ trở lên, xe container, xe đầu kéo là điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô nhằm mục tiêu giám sát hành vi của người lái xe, giám sát tình hình an ninh, trật tự trên xe và bảo đảm an toàn giao thông.

“Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cần tiếp tục tuyên truyền đến các đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện theo đúng lộ trình quy định tại Nghị định 10/2020. Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19", Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết.

Theo các doanh nghiệp, khó khăn không chỉ về phát sinh kinh phí lớn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài, doanh nghiệp vận tải đang “thoi thóp” mà nhiều doanh nghiệp muốn chấp hành quy định cũng băn khoăn quy chuẩn thiết bị camera, quy cách lắp cũng như cách thức truyền dữ liệu.

Nói như ông Khúc Hữu Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải khách Hải Phòng, các doanh nghiệp đã xác định trước hay sau vẫn phải lắp theo quy định. Tuy nhiên, họ đang trông chờ có quy chuẩn thiết bị camera, quy cách lắp camera và cách thức truyền về máy chủ của đơn vị quản lý.

“Một vài đơn vị đã lắp đặt trước đây để phục vụ quản lý nhưng lo lắng dữ liệu truyền có phù hợp hay phải tháo bỏ lắp thiết bị khác sẽ rất tốn kém. Hiện trên địa bàn TP Hải Phòng có khoảng hơn 1.000 xe khách, nhưng hầu hết các doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện đúng quy định”, ông Hải cho biết.

Khi được hỏi về vấn đề này, đại diện Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, khác với thiết bị giám sát hành trình, camera sẽ không có quy chuẩn bởi thiết bị này đã theo chuẩn quốc tế.

“Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ yêu cầu chuẩn đầu ra đảm bảo giảm chi phí thấp nhất cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp vận tải truyền hình ảnh chuẩn theo đầu ra này sẽ tiếp nhận dữ liệu và xác nhận. Nếu quy định chuẩn camera riêng cho Việt Nam sẽ không phù hợp với chuẩn camera phát triển theo ngày của thị trường quốc tế”, vị này chia sẻ.

Doanh nghiệp đề xuất lùi thời hạn hoặc chỉ áp dụng quy đin

Doanh nghiệp đề xuất lùi thời hạn hoặc chỉ áp dụng quy định với những xe lưu thông trên đường, lùi thời hạn lắp xe ngừng hoạt động do dịch Covid-19.

Như vậy, có thể nói khi mà thời hạn quy định đang đến gần thì quy chuẩn thiết bị và  trung tâm kết nối vẫn còn là dấu hỏi với các doanh nghiệp. "Quy chuẩn camera hiện Bộ GTVT chưa ban hành, cơ sở hạ tầng tiếp nhận dữ liệu hình ảnh của Tổng cục Đường bộ Việt Nam chưa hoàn thiện. Cộng thêm dịch bệnh khiến nhiều DN vận tải rơi vào cảnh khốn đốn, nhất là DN du lịch gần như tê liệt. Do đó, hiệp hội tiếp tục đề nghị lùi thời hạn buộc lắp camera. Về lâu dài, Bộ GTVT cần bổ sung đầy đủ tính pháp lý, ban hành quy chuẩn camera, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng tiếp nhận dữ liệu", ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô hành khách liên tỉnh và du lịch TP HCM cho biết.

Còn nhớ trước đây, Chính phủ cũng ban hành Nghị định 91/2009/NĐ-CP ngày 21/10/2009 quy định, từ ngày 1/7/2012, tất cả ô tô tham gia hoạt động kinh doanh vận tải đều phải lắp đặt “hộp đen”. Kết quả là toàn quốc có hơn 1 triệu xe ô tô buộc phải chấp hành. Tuy nhiên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam thừa nhận, còn tới hơn 30% phương tiện chưa truyền dữ liệu từ “hộp đen” về hệ thống của cơ quan này theo quy định. Các lái xe thường tắt “hộp đen” để tránh bị giám sát, còn cơ quan chức năng thì lúng túng trong việc xử lý vi phạm.

Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam cũng đưa ra lý lẽ, sau hơn 2 năm lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (GPS), hiện có gần 50% thiết bị trên xe khách không hoạt động… Đây là cơ sở để cơ quan chức năng đánh giá nên xem lại việc yêu cầu lắp đặt thiết bị công nghệ tiếp trên các xe kinh doanh vận tải. 

Do đó, các doanh nghiệp cho rằng, thay vì cứng nhắc hối thúc doanh nghiệp thực hiện đúng thời hạn về lắp camera hành trình, Bộ Giao thông vận tải cần rà soát, ban hành những văn bản hướng dẫn căn cứ tình hình thực tế, để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị hệ thống, nguồn lực cũng như vượt qua khó khăn ở giai đoạn hiện tại.

"Lắp đặt camera là việc phải làm, nhiều nước đang thực hiện, không chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp vận tải, mà cho cả xe gia đình. Nhưng, khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp, vì vậy, Bộ Giao thông vận tải nên trình Thủ tướng Chính phủ cho lùi thời hạn lắp camera một năm. Như vậy, sẽ được lòng dân", ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Tp.Hà Nội nhấn mạnh.

Hiện đã có không ít doanh nghiệp cho rằng nên chăng chỉ lắp những xe lưu thông trên đường, lùi thời hạn lắp xe ngừng hoạt động do dịch. Điều này sẽ đảm bảo được các yêu cầu như lắp đúng thời hạn, giảm gánh nặng cho đơn vị vận tải và nhà cung cấp camera đồng thời chung sức đẩy lùi dịch COVID-19 khi dễ dàng kiểm soát người không đeo khẩu trang trên xe, truy vết và dập dịch nhanh chóng.

Mặt khác, những xe kinh doanh vận tải đang hoạt động chỉ chiếm khoảng 10-20% thì chi phí đầu tư sẽ thấp. Giả sử một doanh nghiệp có 100 xe, do dịch có 10 xe hoạt động, thì trước 1/7/2021 doanh nghiệp chỉ phải đầu tư khoảng 50 triệu đồng thay vì 500 triệu đồng nên khá "dễ thở."

Từ khóa
Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp vận tải băn khoăn giao thức truyền dữ liệu camera giám sát tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711643517 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711643517 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10