Doanh nghiệp Việt Nam không phải “co lại” sản xuất mà cần chuẩn bị tâm thế đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu thụ hàng hóa khi thị trường thế giới hồi phục trở lại.
Bà Nguyễn Thúy Hiền-Phó Vụ trưởng Vụ Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) chia sẻ với DĐDN về thực trạng có nhiều ngành hàng đang bị tồn kho trên 100%.
-Chúng ta cũng đã bàn tới các giải pháp để cơ cấu lại sản phẩm, cơ cấu lại sản xuất, nhưng tại sao tình trạng tồn kho vẫn quá cao, thưa bà?
Tỷ lệ tồn kho bình quân 6 tháng đầu năm 2020 còn ở mức khá cao, nguyên nhân chủ yếu do sụt giảm nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 trong thời gian vừa qua cũng như các biện pháp phòng dịch của Chính phủ và các địa phương, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa đã sụt giảm.
Đặc biệt là các mặt hàng thuộc nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo (chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã giảm 5,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ) dẫn đến chỉ số tồn kho cũng như tỷ lệ tồn kho của một số ngành tăng cao như sản xuất chế biến thực phẩm, sản xuất xe có động cơ, sản xuất kim loại, sản xuất than cốc, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn.
Việc hạn chế tụ tập đông người để ăn uống, mua sắm trong thời gian giãn cách xã hội, cùng với đó là việc thực thi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực ngày 1/1/2020 đã thay đổi thói quen uống rượu, bia của người dân, từ đó trực tiếp ảnh hưởng đến việc tiêu thụ các mặt hàng của ngành sản xuất chế biến thực phẩm, đặc biệt là các sản phẩm đồ uống như bia, rượu, nước giải khát...
Tâm lý tiết kiệm chi tiêu do thu nhập sụt giảm cũng như tâm lý e ngại dịch bệnh trong thời gian qua của phần lớn người tiêu dùng khiến cho các hàng hóa, dịch vụ xa xỉ, không thiết yếu như xe có động cơ (trong đó đặc biệt là ô tô) có sự sụt giảm nhu cầu mua sắm rất lớn. Nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng sắt, thép, than cốc, sản xuất đồ gỗ... cũng giảm sút do thị trường bất động sản, xây dựng suy giảm.
Ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu. Dịch Covid-19 đang tiếp tục có những diễn biến nhanh, phức tạp và ngày càng nghiêm trọng tại các quốc gia là thị trường xuất khẩu hàng hóa chính của Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU...
Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng các biện pháp mạnh để phòng chống dịch như tạm đóng cửa xuất nhập cảnh, hạn chế tụ tập, mua sắm đông người, hạn chế hoạt động của các Trung tâm thương mại... đã gây ra sự gián đoạn chuỗi thương mại toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng suy giảm.
Trong đó có nhu cầu mua bán hàng hóa không thiết yêu như dệt may, giày dép, đồ gỗ, thủy sản, điện tử… tại các thị trường nêu trên giảm sút. Do các quy định liên quan đến kiểm soát dịch và nhu cầu suy giảm, một số nhà nhập khẩu tại các ngành hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản… đã thông báo tạm dừng nhập khẩu các đơn hàng đã ký kết hoặc thông báo hủy đơn hàng và hoãn sản xuất các đơn hàng nhất là trong tháng 4, tháng 5, tháng 6 và chưa đàm phán đơn hàng tiếp theo.
Giao thương, vận tải, thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa, nhất là qua các cửa khẩu biên giới đất liền cũng gặp nhiều khó khăn.
Mức cầu trên thị trường thế giới tiếp tục sụt giảm và ở mức rất thấp (Chỉ số tăng trưởng thương mại hàng hóa toàn cầu trong nửa đầu năm nay đã giảm kỷ lục còn 87,6 điểm, mức thấp nhất kể từ khi chỉ số này được WTO đưa ra vào tháng 7/2016).
Đến nay, khi Việt Nam cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh thì dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ lớn. Một số quốc gia đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ trong khi một số nước ở châu Âu và Hoa Kỳ dịch vẫn đang diễn biến phức tạp... do đó vẫn còn ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Tuy nhiên, với thành công trong việc đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 và niềm tin kinh doanh được cải thiện, sau hơn một tháng tái khởi động lại nền kinh tế, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng bắt nhịp vào giai đoạn “bình thường mới”, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp đã có nhiều tín hiệu tích cực trở lại.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp IIP tháng 6/2020 tăng 10,3% so với tháng trước (tháng 5 tăng 11,9%). Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 6/2020 tăng 8,1% so với tháng trước và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng PMI của Việt Nam tăng từ mức 42,7 điểm trong tháng 5 lên mức 51,1 điểm trong tháng 6 và nằm trên ngưỡng trung tính 50 điểm lần đầu tiên trong năm tháng. Kết quả chỉ số thể hiện tình trạng tiếp tục phục hồi kể từ khi PMI đạt mức thấp kỷ lục vào tháng 4.
Số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng lần đầu tiên trong 5 tháng với mức tăng mạnh và nhanh nhất trong gần một năm qua. Cả lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa trung gian đều có số lượng đơn đặt hàng mới tăng. Đây sẽ là những yếu tố hỗ trợ, thúc đẩy giảm lượng hàng tồn kho trong thời gian tới.
-Theo Bộ Công Thương, doanh nghiệp có nên co lại việc sản xuất tại thời điểm này cho đến khi nào tìm được đầu ra mới thì mới đẩy mạnh sản xuất hay không?
Tác động từ dịch Covid-19 tạo ra nhận thức mới, xu hướng chuyển dịch trong thị hiếu tiêu dùng, giao dịch thương mại mới trên nguyên tắc từ xa, hạn chế tiếp xúc; xuất hiện các ngành nghề kinh doanh trực tuyến mới dựa trên kinh tế số...
Tạo ra thay đổi về cầu đối với một số sản phẩm, dịch vụ thiết yếu như chế biến thực phẩm; y tế, hoá dược phẩm, chuyển đổi số, e-logistics…đem lại cơ hội thị trường mới cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng để tái cơ cấu sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị mới và phát triển bứt phá.
Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam nhìn nhận, sát hạch lại năng lực thực sự, sức chống chịu, thích ứng trước biến cố thị trường, an ninh phi truyền thống; rà soát, đánh giá, cơ cấu lại nguồn nguyên vật liệu, khách hàng và tìm ra hướng đi mới chủ động hơn, xây dựng phương án đổi mới mô hình sản xuất, chiến lược kinh doanh mới nhanh chóng nắm bắt tín hiệu, nhu cầu mới của thị trường.
Thời điểm này cũng là dịp để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tập trung đổi mới trang thiết bị, công nghệ; đồng thời thúc đẩy liên kết, mạng lưới cung ứng trong nước, giảm lệ thuộc vào nước ngoài, nâng cao chất lượng, giảm giá sản phẩm dịch vụ để tận dụng cơ hội chiếm lĩnh và củng cố thị phần.
Đồng thời, một số chính sách hội nhập quốc tế như các hiệp định thương mại tự do mới được ký kết và chính thức có hiệu lực sẽ tạo lợi thế cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Cắt giảm chi phí sản xuất; rà soát, tìm kiếm nguồn cung ứng nguyên vật liệu thay thế; tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là khai thác thị trường nội địa, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh…
Đây là những cơ sở để tin rằng kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng sẽ không co lại trong sản xuất mà tiếp tục tái cấu trúc mạnh mẽ, sẵn sàng đưa ra những chiến lược sản xuất, kinh doanh mới, để trụ vững trong giai đoạn khó khăn hiện nay cũng như có thể sớm phục hồi, chuẩn bị sẵn sàng tâm thế đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu thụ hàng hóa khi thị trường thế giới hồi phục trở lại.
-Trước thực trạng này, Bộ Công Thương có đề xuất gì để tháo gỡ khó khăn cho các ngành hàng trên, thưa bà?
Để thực hiện ngay các biện pháp nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như người dân vượt qua khó khăn ở giai đoạn chịu tác động lớn của dịch bệnh, Bộ Công Thương đã chủ động đề xuất với Thủ tướng Chính phủ việc giảm 10% giá điện cho doanh nghiệp và người dân, chính thức triển khai thực hiện áp dụng trong thời gian 3 tháng với tổng số tiền gần 11.000 tỷ đồng.
Bộ Công Thương cũng đã tiến hành rà soát, đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục tiếp tục xem xét miễn, giảm một số loại thuế, phí, lệ phí đối với các đối tượng doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, bổ sung những đối tượng doanh nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi hỗ trợ lãi suất, tín dụng, đồng thời tiếp tục kéo dài các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về tín dụng đặc biệt khối các DNNVV nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bảo đảm nguồn lực tài chính để tận dụng các cơ hội thị trường đẩy mạnh đầu tư, phục hồi sản xuất hậu dịch Covid-19.
Để kích thích tiêu dùng trong nước, tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất ô tô, Bộ Công Thương đã cùng với Bộ Tài chính tham mưu trình Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2020/NĐ-CP ngày 28/6/2020 về việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết 31/12/2020.
Đối với tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng liên tục theo dõi, bám sát diễn biến tình hình để tham mưu với Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn cho các doanh nghiệp và địa phương thực hiện tốt các biện pháp nhằm vừa bảo đảm kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, vừa xử lý tháo gỡ khó khăn, ách tắc trong xuất khẩu, đặc biệt là ở tuyến biên giới đất liền phía Bắc.
Bộ Công Thương đã tổ chức một loạt các hội nghị để phổ biến, hướng dẫn cho các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp về khai thác và tận dụng cơ hội Hiệp định EVFTA để thúc đẩy xuất khẩu như Hội nghị Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA.
Chủ trì cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để hướng dẫn cho khu vực doanh nghiệp xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU; Chủ trì phối hợp cùng Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị hướng dẫn doanh nghiệp tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA và phổ biến các thông tin hữu ích về các cam kết liên quan đến thuế quan của Hiệp định EVFTA.
Bộ Công Thương cũng đã thiết lập trang điện tử chuyên sâu về Hiệp định EVFTA (tại địa chỉ http://evfta.moit.gov.vn) để cung cấp thông tin, giải thích cam kết cũng như kết nối với người dân và doanh nghiệp về EVFTA.
Bộ đã ký ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BCT ngày 15/6/2020 quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định EVFTA. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để hàng hóa xuất khẩu đi EU được cấp giấy C/O ưu đãi ngay khi Hiệp định có hiệu lực.
Bộ Công Thương đã chỉ đạo triển khai nhanh chóng các biện pháp nhằm thúc đẩy kinh tế số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương trực tuyến qua các nền tảng số nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam với các nước trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp ở nhiều nước.
Cụ thể, xây dựng và triển khai rộng rãi các hoạt động kết nối giao thương trực tuyến trên các ứng dụng internet (webinar) giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu, doanh nghiệp với các tổ chức hỗ trợ kinh doanh nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất trong nước tìm kiếm nguồn cung vật tư, nguyên liệu; kết nối cho doanh nghiệp trong nước đưa các sản phẩm thâm nhập thị trường các nước trên thế giới.
Số hóa hệ thống thông tin về thị trường, triển khai xây dựng kế hoạch nâng cấp Cổng thương mại điện tử quốc gia có địa chỉ tên miền là: www.ECVN.com; hệ thống thông tin xuất khẩu có địa chỉ tại: www.vietnamexport.com để cập nhật thông tin về tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng theo tuần và kết nối giao thương.
Thuận lợi hoá thủ tục hành chính trong hoạt động xuất khẩu thông qua hoạt động khai C/O điện tử; xây dựng kế hoạch hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV trong hoạt động khởi tạo mã truy xuất nguồn gốc xuất xứ hàng hoá (QR Code) trên Hệ thống truy xuất nguồn gốc...
Kết nối với các Tập đoàn bán lẻ trực tuyến hàng đầu thế giới để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người tiên dùng tiếp cận với thương mại điện tử, như đẩy mạnh triển khai thực hiện biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương và Tập đoàn Amazon đẩy mạnh xuất khẩu thông qua thương mại điện tử.
Tiếp tục phối hợp với Amazon Global Selling triển khai các chuỗi các sự kiện, hội nghị, hội thảo, đào tạo tập huấn... hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là DNNVV xuất khẩu thông qua trang thương mại điện tử Amazon.com.
Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng trên Amazon.com theo hướng phát triển và xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm, ngành hàng và triển khai gian hàng chung trên trang thương mại điện tử Amazon.com nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam mở rộng xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm Việt Nam.
Tổ chức, phối hợp với các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam triển khai các chương trình tiêu thụ hàng hoá tại thị trường nội địa thông qua các kênh thương mại điện tử. Phát động phong trào tiêu dùng hàng hoá, nông sản Việt qua thương mại điện tử trên “Gian hàng Việt” tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt phát triển.
Phát động các chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, mở rộng, phát triển thị trường trong nước, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tiêu thụ sản phẩm và tổ chức “Tháng khuyến mại tập trung quốc gia năm 2020 – Vietnam Grand Sale 2020”, thời gian thực hiện từ 1/7 đến 31/7/2020 trên phạm vi toàn quốc.
Chương trình sẽ kết hợp những hoạt động thương mại truyền thống với thương mại điện tử để tạo sức lan tỏa và thu hút sự tham gia các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong mọi lĩnh vực.
Các địa phương qua đó có thể chủ động triển khai các hoạt động, sự kiện, lễ hội hưởng ứng tại địa phương, kết hợp với các hoạt động khuyến mại cụ thể đa dạng, hấp dẫn của doanh nghiệp để tạo ra sức hút lan tỏa, kích thích cung - cầu, góp phần phục hồi phát triển kinh tế, sản xuất, du lịch… đồng thời hướng tới nâng cao sự ủng hộ của người tiêu dùng trong nước về hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam.
Bộ Công Thương chỉ đạo tập trung rà soát, đẩy mạnh hơn nữa việc đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ, nâng cấp mức độ dịch vụ công trực tuyến của Bộ lên cấp độ 3, 4, triển khai triệt để Chính phủ điện tử... để tiếp tục tiết giảm được chi phí, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trên cơ sở những nền tảng quan trọng nêu trên, cùng với sự tin tưởng của doanh nghiệp trong nước và các đối tác, nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam được nâng cao, chúng ta sẽ vượt qua được khó khăn, thách thức và tận dụng tốt được cơ hội, nhanh chóng tổ chức, khôi phục lại sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
-Trân trọng cảm ơn bà!
Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 6 tăng cao so với cùng thời điểm năm trước, như sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 156,2%; sản xuất xe có động cơ tăng 129,6%; dệt 118,7%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa 104,7%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 103,4%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác 96,5%; sản xuất chế biến thực phẩm 96%.
Có thể bạn quan tâm