Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ sẽ làm sâu sắc mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ

Ngọc Hà - Đinh Thanh 20/11/2018 00:08

Cộng đồng doanh nghiệp hai nước sẽ trở thành lực lượng tiên phong trong hợp tác và liên kết kinh tế, góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ 2018, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCC) phối hợp cùng Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam tổ chức, chiều tối ngày 19/11.

Một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ 2018.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ 2018.

Theo đó, tháp tùng Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind tham gia Diễn đàn này có khoảng 70 doanh nghiệp Ấn Độ. Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: “Đây là cơ hội quý báu để cộng đồng doanh nghiệp hai nước cùng nhìn lại kết quả hợp tác đã đạt được trong suốt 46 năm qua, chia sẻ tầm nhìn, triển vọng và những cơ hội hợp tác phát triển trong giai đoạn mới. Góp phần thúc đẩy và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam - Ấn Độ”.

Có thể bạn quan tâm

  • Việt Nam-Ấn Độ: Hướng tới mục tiêu kim ngạch song phương 15 tỷ USD thời gian tới

    20:10, 19/11/2018

  • Ấn Độ là đối tác tin cậy trong hợp tác thương mại của Việt Nam

    20:10, 19/11/2018

  • Chính phủ Việt Nam - Ấn Độ sẽ là những "bà đỡ" hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hai bên

    19:30, 19/11/2018

Quan hệ Việt Nam -Ấn Độ có lịch sử lâu đời và ngày càng phát triển bền vững, hai bên đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2007, và đã nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016.

Ngoài ra, hợp tác thương mại và đầu tư ngày càng thực chất và hiệu quả hơn. Điều này được thể hiện ở những con số như, hiện nay, Ấn Độ là 1 trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch thương mại hai chiều tăng dần qua các năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.

Theo số liệu của Việt Nam, năm 2017, kim ngạch thương mại song phương ước đạt khoảng 7,63 tỷ USD, tính đến tháng 9/2018, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 8,3 tỷ USD, tăng 47,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam - Ấn Độ đang hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 15 tỷ USD vào năm 2020.

Về hợp tác đầu tư, tính đến tháng 9/2018, tổng vốn đầu tư Ấn Độ vào Việt Nam đạt khoảng 900 triệu USD, với 201 dự án, xếp thứ 29/129 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực như viễn thông, ICT, dược phẩm, thiết bị điện và các lĩnh vực khác.

Theo chiều ngược lại, hiện nay, Việt Nam có 8 dự án đầu tư sang Ấn Độ với tổng giá trị đầu tư đạt khoảng 6,16 triệu USD, chủ yếu trong những lĩnh vực như phân phối sản phẩm thức ăn gia súc, vật liệu xây dựng, xuất khẩu mỹ phẩm và các sản phẩm tin học.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thông tin, sau hơn 30 năm thực hiện nhất quán chính sách đổi mới hội nhập quốc tế, nền kinh tế Việt Nam luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, ổn định, liên tục trong nhiều năm qua. Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế năng động, với GDP 2018 dự kiến gần 250 tỷ USD, quy mô thương mại đạt trên 475 tỷ USD, với dân số tiệm cận khoảng 100 triệu dân... Việt Nam trở thành một thị trường tăng trưởng nhanh với sự tăng trưởng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu, là nền kinh tế mở và tiếp tục chủ động hội nhập quốc tế với các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết.

Đây là một thị trường có nhu cầu lớn – một điểm hấp dẫn cho nhà đầu tư, không chỉ đáp ứng cho thị trường Việt Nam mà còn đáp ứng thị trường khu vực và toàn cầu.

Đến nay Việt Nam đã thu hút được 322 tỷ USD, từ 126 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó trên 170 tỷ USD được đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế trọng yếu như công nghiệp chế tạo, phát triển hạ tầng, xây dựng bất động sản, năng lượng du lịch, phân phối...

Nhiều tập đoàn hàng đầu của Ấn Độ đang đầu tư kinh doanh hiệu quả tại thị trường Việt Nam và trở thành một bộ phận rất quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam tạo nhiều việc làm hơn cho người dân Việt Nam cũng như lợi ích cho cả hai bên.

Tái cấu trúc nền kinh tế

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ 2018 do VCCI phối hợp cùng Đại sứ quán Ấn Độ tổ chức.

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ 2018 do VCCI phối hợp cùng Đại sứ quán Ấn Độ tổ chức.

Nhằm sớm đưa Việt Nam trở thành cơ bản công nghiệp theo hướng hiện đại, Việt Nam đang đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 6,5- 7% trong giai đoạn 2016-2020 quy mô GDP sẽ đạt khoảng 320-350 tỷ USD, GDP bình quân đầu người sẽ đạt 3.200-3.500 USD và quy mô thương mại sẽ đạt khoảng 600 tỷ USD.

Để hiện thực hoá mục tiêu trên, Việt Nam đang tập trung tái cấu trúc nền kinh tế, gắn với việc lựa chọn các mô hình tăng trưởng hợp lý nâng cao chất lượng, năng suất và hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Ở đây, nâng cao chất lượng tăng trưởng dựa trên nền tảng của năng suất và đổi mới sáng tạo, chủ động tiếp cận nhằm tận dụng mọi cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Phát triển kinh tế tri thức, phát triển hài hoà khu vực kinh tế trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nâng cao năng lực cạnh tranh hướng đến ổn định và bao trùm.

Để thực hiện được nhiệm vụ này, Việt Nam đang tập trung tạo môi trường đầu tư và kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp trong đó, tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hoàn thiện pháp luật, tạo môi trường pháp lý thông thoáng, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đồng thời tập trung phát triển hệ thống kết cấu hậ tầng kinh tế xã hội nói chung, nhưng đặc biệt là hạ tậng kỹ thuật trong đó lấy hạ tầng giao thông và hệ thống hạ tầng đô thị lớn là trọng tâm trong quá trình tạo môi trường để phát triển kinh tế. Cùng với đó là, tập trung phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Hợp tác toàn diện, sâu rộng và hiệu quả

Theo đó, Việt Nam mong muốn đẩy mạnh hợp tác sâu rộng, toàn diện và hiệu quả hơn với tất cả các quốc gia đang phát triển và phát triển. Trong đó, Ấn Độ là trọng tâm ưu tiên của Việt Nam trong thời kỳ phát triển của kinh tế Việt Nam.

Để hiện thực hoá mục tiêu 15 tỷ USD kim ngạch song phương vào năm 2020, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Ấn Độ và Việt Nam cần tăng cường đầu tư trên các lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam đang có nhu cầu. Theo đó, đẩy mạnh kết nối hàng không, hàng hải, hạn chế và từng bước xoá bỏ các rào cản thương mại, và tạo điều kiện thuận lợi cho các hàng hoá xuất nhập khẩu của hai nước đến với nhau.

Ngoài ra, "hai nước cần tiếp tục thúc đẩy giao lưu nhân dân, góp phần tăng cường sự hiểu biết hợp tác trên các lĩnh vực. Việt Nam mong muốn các nhà đầu tư Ấn Độ tăng cường đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào thị trường Việt Nam. Trong đó, chú trọng vào các lĩnh vực như công nghiệp chế tạo, công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là có thể hợp tác cùng doanh nghiệp Việt Nam các nhà đầu tư Việt nam để đầu tư các sản phẩm thị trường Việt Nam đang cần, như năng lượng tái tạo, dùng cho chính thị trường Việt Nam", Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định.

Bên cạnh đó, theo Phó thủ tướng, hai nước cần tăng cường kết nối song phương và khu vực, kết nối hạ tầng như đường không, đường bộ, hàng hải và kết nối số.

Theo đó, Việt Nam - Ấn Độ sẽ thiết lập cơ chế đối thoại doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với chính phủ. Đối thoại giữa doanh nghiệp với Chính phủ cũng rất quan trọng để Chính phủ nắm bắt được những khó khăn của doanh nghiệp để tìm cách tháo gỡ những khó khăn tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển tốt hơn.

Ngoài ra, "Chúng tôi mong muốn cộng đồng doanh nghiệp hai nước tiếp tục chia sẻ, trở thành lực lượng tiên phong trong hợp tác và liên kết kinh tế góp phần củng cố và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ. Chính phủ và nhân dân Việt Nam coi thành công của doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài là thành công của chính mình", Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ sẽ làm sâu sắc mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO