Mỗi doanh nghiệp sinh ra đều nhằm phụng sự một sứ mệnh. Nhưng có những doanh nghiệp chỉ nhắm đến một cái đích giản dị hơn nhiều – thay đổi cuộc sống của những người yếu thế.
Mỗi doanh nghiệp sinh ra đều nhằm tạo ra lợi nhuận cho các nhà sáng lập và cổ đông của nó. Rất có thể những doanh nghiệp này mang lại nhiều công ăn việc làm và lợi ích xã hội to lớn, nhưng kết quả cuối cùng thuộc về những người đầu tư, nhọc nhằn lao động, vận hành, và vất vả hy sinh. Một số các doanh nghiệp khác cũng như vậy, song lợi nhuận cuối cùng được đầu tư trở lại cho doanh nghiệp để tạo thêm cơ hội cho nhiều người yếu thế khác nữa.
Mỗi doanh nghiệp đều được sinh ra từ khát vọng làm giàu của nhà sáng lập. Nhưng một phần trong số đó lại sinh ra từ nỗi đau trước những thiệt thòi của một vài số phận, hoặc bất công xã hội, hoặc nguy cơ đối với môi trường.
Tôi gọi thiểu số những doanh nghiệp với sứ mệnh tạo ra tác động xã hội cho những phần chưa hoàn hảo của thế giới đó là doanh nghiệp xã hội – một sứ mệnh mà hầu hết những người có tâm đều hoan hỉ ủng hộ và khâm phục, nhưng rất ít người có đủ dũng khí để bước vào.
Doanh nghiệp xã hội thực ra có thể định nghĩa rất giản dị là những doanh nghiệp theo đuổi sứ mệnh giúp đỡ người khác, trong khi vẫn phấn đấu thành công như những doanh nghiệp khác. Nếu lấy các thước đo kinh tế đơn thuần để tính hiệu quả của một doanh nghiệp xã hội thì chắc chắn sẽ không thể tạo động lực cho những người kinh doanh đơn thuần vì lợi ích kinh tế. Bà Lisa Waldron, Giám đốc Điều hành của quỹ Westpac, Australia, nói rằng doanh nghiệp xã hội là một mô hình kinh doanh sẽ nổi lên khi có khủng hoảng hay hệ thống bị phá vỡ: “Doanh nghiệp xã hội bước vào khi mọi thứ không vận hành”.
Thực vậy, sẽ chẳng ai nghĩ đến chuyện tuyển dụng những người câm điếc như Kym Việt, nếu đơn thuần chỉ muốn gia tăng hiệu suất gia công thú nhồi bông. Cũng chẳng có ai nghĩ đến việc tuyển dụng những người khuyết tật vận động hay thiểu năng trí tuệ để ghép tranh vải như Vụn Art, nếu muốn vòng quay sản phẩm phải nhanh và nhiều.
Theo số liệu của Cộng đồng châu Âu, lực lượng lao động trong các doanh nghiệp xã hội toàn cầu đang chiếm tới hơn 40 triệu người, cùng với lực lượng tình nguyện viên chừng 200 triệu. 30 trường đại học danh tiếng, bao gồm Columbia, Harvard, Stanford và Oxford, đã đưa kinh doanh xã hội vào chương trình đào tạo chính thức.
Các doanh nghiệp xã hội đóng góp rất lớn cho xã hội, không chỉ bằng những lợi ích kinh tế tính bằng số tiền đóng góp vào ngân sách nhà nước hay giá trị sản phẩm, mà chủ yếu đóng góp cho những mảng mà các doanh nghiệp thông thường bỏ qua. Đó là sản phẩm và dịch vụ giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội cho người nghèo, thu mua sản phẩm, nguyên vật liệu từ những đối tượng ít có cơ hội bán hàng ra thị trường, và nhất là tạo công ăn việc làm cho đối tượng người thiếu may mắn. Hoặc là, họ góp phần tạo cân bằng xã hội, tác động vào khu vực xa xôi, hẻo lánh. Họ cũng góp phần giảm thiểu tác hại tới môi trường sống…
Sự tồn tại của doanh nghiệp xã hội song hành với sự phát triển của tư bản, khi mà khoảng cách giữa người giàu và người ngheo gia tăng. Doanh nghiệp xã hội cũng bùng nổ khi mà lợi ích của các nhóm xã hội ngày càng di biệt, và khi tốc độ khai thác tài nguyên thiên nhiên đang dần dần mất kiểm soát. Doanh nghiệp xã hội ra đời là để cân bằng lại tất cả những khác biệt như thế.