Đại dịch Covid-19 đang đặt các doanh nghiệp ngành Xây dựng trước những khó khăn chưa từng có, bên cạnh việc tự vận động để cứu mình, sự đồng hành của chính sách là rất cần thiết.
Vốn chịu ảnh hưởng nặng nề do COVID-19, những ông lớn trong ngành như Coteccons, Hòa Bình, Delta, Ricons, Fecon… đều ghi nhận sự giụt giảm trong kết quả kinh doanh quý I/2020 và dần hồi phục trong các tháng 4 và 5.
Theo ông Nguyễn Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Cotecons, vừa qua các hoạt động kinh doanh tuy giảm so với cùng kỳ các năm trước đây nhưng đây cũng là một nỗ lực lớn trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay. "Để giữ vững vị thế doanh nghiệp đầu ngành, điều cần làm hiện nay CTD sẽ tập trung mạnh vào mảng xây dựng dân dụng, tránh mất khách hàng cho các đơn vị như HBC, Delta hay kể cả công ty anh em Ricons" - ông Dương cho biết.
Một ông lớn khác trong ngành xây dựng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vừa qua cũng đối diện với nhiều khó khăn khi các yếu tố khách quan như đại dịch, tiến độ xây dựng, môi trường pháp lý hay yếu tố lạm phát đang ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Không nằm ngoài bối cảnh chung, Công ty CP FECON cũng đã phải tính toán lại các mục tiêu kinh doanh và trọng tâm hoạt động từ lĩnh vực xây dựng nền móng, công trình ngầm sang việc tham gia mảng nhà thầu xây dựng công nghiệp cũng như tham gia các dự án hạ tầng giao thông, năng lượng tái tạo với nhiều dự án điện gió, điện mặt trời tại miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam.
Những động thái chuyển hướng của doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp được xem là sẽ giúp hồi phục và tái khởi động nền kinh tế hậu COVID-19.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Xây dựng Việt Nam thì mặc dù sự chuyển hướng trên là một tín hiệu khá tích cực tuy nhiên những khó khăn mà COVID-19 đặt ra cho các doanh nghiệp xây dựng vẫn là nhãn tiền khi các dự án bị đình trệ do cách ly xã hội, thị trường BĐS sụt giảm, bản thân các chủ đầu tư cũng “co cụm” lại để phòng thủ.
Cũng theo ông Hiệp, trong bối cảnh hiện nay, việc Chính phủ có các biện pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp như thực hiện giảm, giãn thuế, cho chậm nộp bảo hiểm người lao động hay như việc ngân hàng nhà nước có thể xem xét chỉ đạo để các ngân hàng thương mại giãn nợ, giảm lãi vay cho các doanh nghiệp xây dựng là rất cần thiết để các doanh nghiệp sống được qua cơn “bĩ cực”.
Bên cạnh đó, ông Hiệp cũng cho rằng, ngành xây dựng dựa rất nhiều vào ngành bất động sản, do đó, trong lúc này, về các hành lang pháp lý liên quan đến bất động sản như cấp phép dự án mới, gỡ khó cho dự án cũ đang bị ách tắc,… làm sao càng tháo gỡ, càng đơn giản hóa thì càng tốt. Nếu thị trường bất động sản duy trì được thì ngành xây dựng sẽ “sống” được theo cũng như sẽ kéo theo nhiều ngành kinh tế khác.
Chia sẻ về dự báo tình hình các tháng cuối năm 2020, ông Hiệp nhận định với việc Việt Nam đã chống dịch rất tốt, chắc chắn sắp tới Chính phủ sẽ tiếp tục có những giải pháp kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ngành xây dựng nói riêng cũng như cộng đồng doanh nghiệp nói chung để nền kinh tế tiếp tục duy trì tăng trưởng dương vào các tháng nửa cuối năm 2020.