Doanh nhân Đặng Khắc Vỹ và mối lương duyên với mì gói

Khánh Hà 03/03/2020 11:00

Là một trong những doanh nhân duy trì hoạt động kinh doanh chính tại Đông Âu nhưng ông Đặng Khắc Vỹ vẫn có ảnh hưởng tại thị trường Việt đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng và mì gói.

Cùng với những doanh nhân nổi tiếng như ông Hồ Hùng Anh, Nguyễn Đăng Quang, Phạm Nhật Vượng, Ngô Chí Dũng, Nguyễn Cảnh Sơn… ông Đặng Khắc Vỹ cũng nằm trong nhóm “đại gia Đông Âu” khi có quãng thời gian khởi nghiệp và hoạt động kinh doanh chính tại thị trường này. Trong khi hầu hết doanh nhân kể trên đã chuyển hoạt động kinh doanh về Việt Nam thì ông vẫn duy trì thị trường kinh doanh chính tại Nga.

Tại Việt Nam, ông sớm gây dựng sự nghiệp khi tham gia sáng lập ngân hàng VIB và là một trong những cổ đông lớn nhất tại đây. Không chỉ nổi danh trong giới ngân hàng, đại gia Đặng Khắc Vỹ còn được mệnh danh là ông vua mì gói trong làng kinh doanh thực phẩm ở nhiều quốc gia với Mareven Food.

Ít người để ý, ở Việt Nam lúc này, ông Vỹ đang đang phát triển hai thương hiệu mỳ rất nổi tiếng, là “3 Miền” và “Reeva”, với pháp nhân lõi là CTCP Uniben (Uniben).

Ông chủ công ty sản xuất mỳ gói lớn nhất tại Nga

Với doanh nghiệp Mareven Food tại Nga, ông Vỹ là người sáng lập và đang giữ vai trò chủ tịch. Đây chính là công ty sản xuất mỳ ống và khoai tây nghiền lớn nhất xứ sở bạch dương, đồng thời là một trong những tập đoàn lớn của người Việt ở nước ngoài.

Theo đó, Mareven Food là doanh nghiệp đầu tiên tại Nga sản xuất mỳ ăn liền và hiện là công ty dẫn đầu thị trường này với thương hiệu Rollton. Nhà máy Rollton từng lọt vào top 50 thương hiệu nổi tiếng nhất của Nga trong bảng xếp hạng do Forbes công bố.

Doanh nhân Đặng Khắc Vỹ

Doanh nhân Đặng Khắc Vỹ.

Sản phẩm mỳ gói và khoai tây nghiền của Rollton hiện còn xuất khẩu đi 33 quốc gia khác trên thế giới.

Năm 2009, nhà sản xuất mỳ lớn nhất Nhật Bản - Nissin Foods Holdings - phải chi ra 26,8 tỷ Yen (240 triệu USD) để mua lại 33,5% cổ phần của Công ty Angleside (công ty con của Mareven Food).

Theo Nissin, Mareven Food là nhà sản xuất mỳ gói lớn nhất nước Nga khi đó với doanh thu hàng năm vào khoảng 270 triệu USD và lợi nhuận ròng khoảng 20 triệu USD mỗi năm.

Nói thêm, Nga là thị trường mì gói có quy mô xếp thứ 11 thế giới và để tiến công vào đây, Nissin Food – “ông tổ” ngành mì ăn liền thế giới của Nhật Bản đã phải mua lại 33,5% cổ phần của Mareven.

Xây dựng cơ ngơi tại Việt Nam

Để hiểu rõ mối quan hệ giữa thương hiệu mì 3 Miền và VIB, cần nhắc lại một cựu cổ đông lớn của VIB - là Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Hệ thống Quốc tế (Nettra).

Nettra được thành lập tháng 4/2007, có vốn điều lệ ban đầu 1.200 tỷ đồng, gồm các cổ đông sáng lập là ông Đặng Khắc Dũng, anh trai Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ, góp 774,5 tỷ đồng, chiếm 64,54% vốn; ông Đỗ Xuân Thụ, bố đẻ Thành viên HĐQT VIB Đỗ Xuân Hoàng góp 170,75 tỷ đồng (14,23%); Thành viên HĐQT VIB Đặng Văn Sơn góp 84 tỷ đồng (7%) cùng 1 cá nhân có tên Trần Chiến Thắng trú tại Ba Đình, Hà Nội góp 170,5 tỷ đồng (14,23%).

Netra ngay sau đó bắt đầu nắm giữ lượng lớn cổ phần của VIB. Và sau nhiều lần thay đổi vốn điều lệ và cơ cấu cổ đông, vào đầu năm 2014 doanh nghiệp này tăng vốn lên 1.500 tỷ đồng và chuyển thành công ty con của Công ty TNHH Công nghiệp Thực phẩm Việt Hưng (Viethung Food), mà nay chính là Công ty CP Uniben - chủ sở hữu nhãn hiệu mì 3 Miền.

Những năm vừa qua, VIB đã có một số khoản tín dụng giá trị lớn cấp cho công ty mẹ của Nettra là Viethung Food. Đáng chú ý, các khoản cho vay được chính Hội đồng quản trị VIB xét duyệt, đơn cử như với các Nghị quyết 23/2013, 91/2013, 102/2013, 16/2014...

Viethung Food không phải đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng đối với VIB. Nhưng đáng chú ý là mối quan hệ: VIB cấp vốn cho Viethung Food, để rồi Viethung Food lại sở hữu Netra - cổ đông lớn và là doanh nghiệp liên quan đến lãnh đạo cao nhất của VIB.

Lưu ý rằng Viethung Food trước chỉ có vốn 400 tỷ đồng, nhưng có thời điểm sở hữu 100% Netra có quy mô vốn gấp gần 4 lần - 1.500 tỷ đồng!

Thành lập từ năm 1992, công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Việt Hưng chỉ là một cái tên nhỏ bé trong lĩnh vực mì ăn liền, xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Nga và châu Âu.

Năm 2004, công ty này ra mắt thương hiệu 3 Miền với sản phẩm chủ lực là mì gói. Sau đó, thương hiệu Reeva ra đời với định vị cao cấp hơn.

Năm 2014, Việt Hưng đổi tên thành Uniben. Với vốn điều lệ 400 tỷ đồng và tổng tài sản hơn 850 tỷ đồng, khi đó, Uniben Foods chiếm thị phần 17,7% trong ngành mì gói tại thị trường nông thôn, kém xa con số 30,3% của Acecook Việt Nam và 27,3% của Masan Consumer.

Sau khi tăng vốn lên 900 tỷ đồng, với tiềm lực tài chính gấp 2,5 lần trước đây, Uniben đã giành được thành công bước đầu trong trận chiến mì gói vốn bị thống trị bởi 3 ông lớn Vina Acecook, Masan Consumer và Asia Foods.

Người đứng sau Uniben không ai khác chính là “người quen” của ông Quang Masan, đại gia mì gói Nga Đặng Khắc Vỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nhân Đặng Khắc Vỹ và mối lương duyên với mì gói
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO