"Đề cao hoạt động bảo vệ môi trường mới làm cho doanh nghiệp phát triển" - đó là quan điểm của Doanh nhân Phạm Hồng Điệp, TGĐ KCN Nam Cầu Kiền khi chia sẻ cùng DĐDN.
- Quan điểm của anh, với nhiều người, đó là bài toán ngược trong kinh doanh, bởi đầu tư vào môi trường ngốn không ít tiền bạc và thời gian của doanh nghiệp?
Đề cao hoạt động bảo vệ môi trường mới làm cho doanh nghiệp phát triển, nhất là doanh nghiệp đầu tư hạ tầng kỹ thuật công nghiệp như Nam Cầu Kiền.
Nếu có cách nhìn ngắn hạn, bất chấp đến việc xâm hại môi trường thì chi phí phải bỏ ra còn cao gấp nhiều lần đầu tư cho môi trường. Vì vậy chắc chắn đây không phải là bài toán ngược trong kinh doanh.
- Trên thực tế, anh đã tìm ra giải pháp tối ưu để bảo vệ môi trường tại khu công nghiệp Nam Cầu Kiền như thế nào?
Tôi có một câu chuyện rất thực tiễn: để thu gom rác thải sinh hoạt trong khu công nghiệp, chúng tôi đã cho đặt các thùng đựng rác có các màu sắc khác nhau để phân biệt từng loại rác thải, vô cơ, hữu cơ, tái sử dụng được và phát thông báo đến từng doanh nghiệp để hướng dẫn, tuyên truyền về việc thu om phân loại rác thải tại nguồn.
Sau một thời gian thực hiện với sự giám sát chặt chẽ nhưng chúng tôi vẫn không thể kiểm soát được chất lượng rác thải thu gom. Rác vẫn bị vất bừa bãi, xả vô tội vạ. Chi phí cho thu gom rác theo đó cũng tăng lên.
Chính vì vậy, chúng tôi đã phải đưa ra một biện pháp khác để áp dụng đó là: ai xả thải thì người đó phải trả tiền.
Chúng tôi đồng thời áp dụng nhiều biện pháp nhằm hạn chế, giảm thiểu phát thải như tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường thông qua các cuộc hội thảo; cải tạo một cách triệt để các công trình xử lý chất thải, nước thải ra môi trường như thay thế hệ thống ống thu gom nước thải ống bê tông bằng hệ thống ống nhựa HDPE không để thẩm thấu nước thải ra môi trường; các ga thu gom cũng được thay bằng ga đúc sẵn, lắp đặt các van xả thải tại điểm xả thải của các nhà máy; lắp đặt hệ thông quan trắc nước thải tự động cảm biến truyền dẫn đến hệ thống quản lý chung của sở Tài nguyên môi trường, có camera giám sát 24/24 phòng sự cố, có phòng thí nghiệm tiêu chuẩn xả thải hàng ngày... Bên cạnh đó, trồng nhiều cây xanh cách ly tiếng ồn và ngăn bụi thải.
- Không dừng lại việc làm sạch môi trường ở khu công nghiệp Nam Cầu Kiền do anh làm chủ đầu tư, được biết, anh còn có nhiều ý tưởng và đã triển khai dự án bảo vệ môi trường, phân loại rác tại huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Thậm chí, anh biên soạn hẳn cuốn sách “Môi trường và sự sống". Điều gì khiến anh say mê với lĩnh vực môi trường đến vậy?
Với tôi, bảo vệ môi trường, đó là một ý thức, là trách nhiệm xã hội. Trên thực tế đã có rất nhiều người có nhiều sáng kiến, có nhiều công trình khoa học áp dụng xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn nhưng đều chưa thành công, chưa phù hợp với đời sống xã hội Việt Nam. Điều đó khiến tôi trăn trở. Vì vậy, tôi đã bắt tay vào triển khai thực nghiệm trên cơ sở đầu bài là Xây dựng khu dân cư xanh của Viện sĩ Nguyện Văn Hiệu (Viện hàn lâm khoa học Việt Nam) tại địa bàn 5 xã thuộc huyện Thủy Nguyên.
Dự án thực nghiệm này được áp dụng một cách đồng bộ nên đã truyền cảm hứng cho cộng đồng dân cư, giúp họ có ý thức tự giác phân loại rác thải, và sau đó áp dụng các biện pháp thu gom, các biện pháp sinh học cho rác hữu cơ thành phân hữu cơ; thu gom tái chế, xây dựng lò đốt phản xạ nhiệt để triệt tiêu khí thải độc hại.
Đó là một dự án thực nghiệm rất thành công trong việc xử lý rác thải cho một cộng đồng dân cư, được đánh giá cao và cộng đồng dân cư tự nguyện thực hiện, cho đến nay vẫn duy trì và phát triển tốt.
Tôi hy vọng từ mô hình này sẽ nhân rộng ra các khu dân cư khác về xử lý rác thải sinh hoạt để mọi người thấy được hiệu quả tuyệt vời của dự án thực nghiệm này.
Còn cuốn sách “Môi trường và sự sống”, tôi biên soạn với mong muốn nó như một cẩm nang cho hoạt động thu gom rác thải và xử lý rác thải tại nông thôn cho tất cả các xã phường trên cả nước, mong muốn mọi người có ý thức và thay đổi hành vi hàng ngày về xả rác và thu gom rác, cho cuộc sống trong lành, tươi đẹp hơn.