Doanh nhân Phan Minh Thông: Đề cao khác biệt, mong đợi cộng hưởng

Lê Mỹ 02/07/2019 15:34

Doanh nhân Phan Minh Thông - Chủ tịch Phúc Sinh Group là một trong những cộng tác viên có nhiều bài viết được độc giả đánh giá cao trên DĐDN - Doanh Nhân trong nhiều năm qua.

Sự xuất hiện và nhìn lại về thị trường tranh Việt sau một thời gian của doanh nhân phan Minh Thông còn “đính kèm” nhiều chia sẻ nhân Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6. BBT trân trọng trích giới thiệu một phần đối thoại, chia sẻ của anh.

Doanh nhân Phan Minh Thông

Doanh nhân Phan Minh Thông

“Nghề vẽ hay viết quá vất vả”

- Vẫn nói về tranh, cuộc chơi của anh với sưu tập nghệ thuật tính ra đã bao nhiêu năm?

Khoảng từ năm 2013 cho đến giờ. Tính ra, tôi vẫn là một người mới bước chân vào con đường sưu tập. Có lẽ chỉ có tình yêu với nghệ thuật, từ trong máu hay trong tiềm thức, là có tuổi đời dài lâu.

- Anh còn nhớ bức tranh đầu tiên mình mua?

Tất nhiên, đó là bức của họa sĩ Mai Xuân Oanh, mua tại một gallery với giá với khoảng 1.500 USD. Từ đó đến giờ, tranh của Mai Xuân Oanh đã lên giá.

Nhưng đây cũng là một điểm để tôi có thể nhìn lại và phát hiện các họa sĩ có thể xuất phát điểm giống nhau, nỗ lực sáng tác giống nhau, nhưng kết quả khác nhau. Điều đó không chỉ phụ thuộc vào tài năng của họ, còn có sự cộng hưởng của các nhà tham gia tạo lập thị trường - ở đây đặc biệt là các gallery. Đôi khi, độc quyền hợp tác với một gallery có thể triệt tiêu thiên bẩm sáng tạo của một họa sĩ. Nhưng cũng đôi khi, độc quyền hợp tác sẽ giúp tranh của họa sĩ có mặt

- Nếu mà xét giá tranh và mức tăng như anh bàn trong bàn viết, thì ngay ở Việt Nam cho dù thị trường tranh còn yếu và thấp, chơi tranh vẫn rất tốn kém và người chơi phải có tiền?

Cơ bản là đúng như thế. Đầu tiên mọi người nghĩ tranh không thực sự có giá, xét về mặt kinh tế, nhưng dần dần khi nhận thức được bồi đắp, thay đổi, mọi người nhận ra tranh là một tài sản có giá trị và có tính chuyển đổi cao. Còn xét về nghệ thuật, như chúng ta hay nói, đôi khi là vô giá. Không phải hễ sẵn sàng tốn kém và có tiền mà có được tranh đẹp.

- Với tài sản đắt giá như vậy, gìn giữ bảo quản hẳn cũng không dễ dàng?

Ở nhà và văn phòng, tôi thường để nhiệt độ phòng dưới 30 độ C. Ngoài ra tôi cũng mua bảo hiểm cho bộ sưu tập. Nhiều công ty bảo hiểm trong nước cung cấp dịch vụ và họ làm rất chuyên nghiệp.

- Ngoài chơi tranh, anh còn viết. Anh có nghĩ mình đang dần bước vào con đường sáng tác thực sự, hay vẫn dừng ở thú chơi?

Thực ra tôi nghĩ viết lách là 1 công việc trí tuệ, đòi hỏi sự tập trung cao, cập nhật, người viết giàu kiến thức. Để bài sau hay và khác biệt bài trước cũng không chỉ cần kiến thức, còn đòi hỏi đầu tư thời gian, cảm xúc. Sau khi ra mắt cuốn sách đầu tiên, thỉnh thoảng tôi cũng vẫn viết lách, nhưng chỉ khi thích hoặc cảm xúc thì mới viết. Nói thật là tôi thấy nguời vẽ hay viết lách đều quá vất vả.

“Chúng ta luôn thiếu Sự cộng hưởng”

- Gần đây, cùng với các sản phẩm cà phê mang thương hiệu K Coffee, Blue Sơn La… hướng kinh doanh B2C và phục vụ thị trường nội địa, có cảm giác như anh cởi mở hơn, xuất hiện nhiều hơn qua báo chí, truyền thông?

Đúng. Báo chí, truyền thông có vai trò rất quan trọng đối với doanh nghiệp. Sự hiểu biết rõ ràng, tiếp nhận thông chính xác của báo chí  về doanh nghiệp cũng giúp báo chí chuyển tải các thông điệp của doanh nghiệp đến khách hàng tốt hơn. Do đó, nếu có thời gian, tôi luôn cởi mở và sẵn sàng chia sẻ với mọi kênh thông tin cần biết về Phúc Sinh, về ngành hàng, nhãn hàng, về kinh doanh nói chung…

- Ý anh là anh tương tác với các nhà báo trực tiếp và qua chia sẻ mà định hướng thông cho họ?

Không phải. Thực tế là Phúc Sinh hay hợp tác với các agency. Tôi cho rằng nhất nghệ tinh nhất thân vinh. Trong nghề truyền thông, tương tác với báo chí, các agency uy tín sẽ có phương án trao đổi với báo chí thực tế, tích cực hơn. Điều đó vừa giúp tôi sắp xếp thời gian, dành được nhiều thời gian để chia sẻ các câu chuyện của doanh nghiệp mình với báo. Các agency cũng hướng dẫn Phúc Sinh tương tác với báo chí chuyên nghiệp và hiệu quả.

 - Theo cảm quan, kinh nghiệm của anh thì có quá khó khăn để nhà báo, phóng viên, những người cầm bút, và các doanh nhân, doanh chủ lắng nghe, chia sẻ, thấu hiểu lẫn nhau?

Nói chung ai cũng mong muốn một điều gì hoành tráng hơn, tốt hơn, nhiều hơn cái người ta có là khó. Nhưng nếu chỉ truyền đạt những gì đang có, thì không khó. Còn muốn hơn thế, không dễ.

- Vậy có rào cản nào khiến anh thấy “không dễ”?

Cũng có một vấn đề là đôi khi trong quá trình chia sẻ, tôi nhận thấy các  chính sách mà Phúc Sinh muốn chuyển tải thì báo chí không muốn hỏi, đào xới. Họ thích nói về những thành tựu, thành công của doanh nghiệp hơn là những vật lộn, những khó khăn mà chúng tôi đã trải qua. Tôi quan sát thấy những bài  báo viết về thành công của doanh nghiệp xuất hiện trên 1 báo, nhiều báo khác thường link lại. Nhưng những nội dung còn lại thì rất thiếu sự cộng hưởng. Tôi nghĩ là trong nghệ thuật, mỹ thuật cũng như trong báo chí, chúng ta vẫn luôn thiếu sự cộng hưởng để sẵn sàng chia sẻ các giá trị khác biệt và thừa nhận các giá trị khác biệt. Tôi hy vọng từ từ trong các lĩnh vực, với sự hội nhập ngày càng sâu rộng và thế giới ngày càng phẳng hơn, người Việt nói chung sẽ quan tâm, trân trọng hơn sự khác biệt cũng như sẵn sàng chia sẻ để tăng tính cộng hưởng cho các giá trị khác biệt.

 - Xin cảm ơn và chúc anh cũng có nhiều bài viết mang giá trị cộng hưởng nhiều hơn nữa đến độc giả thời gian tới!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nhân Phan Minh Thông: Đề cao khác biệt, mong đợi cộng hưởng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO