Để hiện thực hóa được mục tiêu quốc gia phát triển vào năm 2045 thì không thể thiếu vai trò của đội ngũ doanh nhân dân tộc.
>>Doanh nhân Đỗ Quang Hiển và khát vọng “doanh nhân dân tộc”
Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra tầm nhìn lãnh đạo: đến năm 2045, đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao. Để gia nhập nhóm các quốc gia phát triển, hai tiêu chí căn bản mà chúng ta phải đạt được là: thu nhập bình quân đầu người (GDP) đạt 12.500 đến 15.000 USD/người/năm, và Chỉ số phát triển con người (HDI) phải vượt 0.8.
Sau gần bốn thập kỷ chuyển sang kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng, GDP bình quân đầu người của nước ta đã có những bước tăng đáng ghi nhận: từ 100 USD (năm 1990) lên 2.200 USD (năm 2015) và khoảng 3.700 USD (năm 2022). Chỉ số phát triển con người tăng từ 0,483 vào năm 1990 lên 0,704 vào năm 2019. Việt Nam được dự báo có thể gia nhập nửa trên của nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình vào năm 2030.
Tuy nhiên, “bẫy thu nhập trung bình” cũng là một nguy cơ cần được tính đến với nền kinh tế Việt Nam. Một số quốc gia trong khu vực đã đạt mức thu nhập trung bình cách đây 2 đến 3 thập kỷ như Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines nhưng lại đang bị mắc kẹt ở mức GDP bình quân đầu người dưới 10.000 USD/năm.
Dù cách thức tiến đến thịnh vượng có thể khác nhau, một điểm chung giữa các quốc gia thịnh vượng là đều có lực lượng doanh nhân đông đảo, trong đó nổi lên những nhóm thiểu số xuất sắc. Cũng có nghĩa, để hiện thực hóa được mục tiêu quốc gia phát triển vào năm 2045 thì không thể thiếu vai trò của đội ngũ doanh nhân dân tộc, lực lượng then chốt trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Động lực xã hội chính là các nhu cầu, lợi ích chính đáng của các nhóm, tầng lớp, giai cấp trong xã hội. Khi các mục tiêu lãnh đạo được lan tỏa, thẩm thấu và chia sẻ trong nhận thức của các lực lượng xã hội, thì sẽ trở thành một khát vọng mang tính tập thể, từ đó khơi dậy và hình thành các nỗ lực cùng hành động.
Đặt trong quan hệ với mục tiêu quốc gia phát triển vào năm 2045, doanh nhân hẳn nhiên sẽ là lực lượng xã hội then chốt. Những chuyển biến tích cực về đời sống kinh tế ở nước ta trong những thập kỷ gần đây là minh chứng thuyết phục cho thấy sức mạnh của đội ngũ doanh nhân đối với các mục tiêu thịnh vượng.
Sự công nhận những lợi ích chính đáng của các thành phần kinh tế đa dạng đã khai thông các động lực xã hội để giúp nước ta trở thành một trong những “câu chuyện thành công” được thế giới ghi nhận. Vì thế, đáp ứng những lợi ích chính đáng của lực lượng doanh nhân sẽ tạo ra những động lực chính yếu, có ảnh hưởng tiên quyết đối với khả năng hiện thực hóa tầm nhìn lãnh đạo 2045.
Hướng tới mục tiêu năm 2045, chúng ta cũng cần khách quan nhìn nhận về những hạn chế của lực lượng doanh nghiệp dân tộc. Bên cạnh những tập đoàn kinh tế Nhà nước liên tục báo lỗ, khoảng 800 nghìn doanh nghiệp trong khu vực tư nhân vẫn đang ở vị thế rất thấp. Tuyệt đại đa số doanh nghiệp tư nhân trong nước hiện nay là doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa (khoảng 95%).
Tình trạng “mãi không lớn được” cùng vị thế còn khiêm tốn của hệ thống doanh nghiệp dân tộc cảnh báo chúng ta rằng: một quốc gia sẽ không thể đạt được vị thế hùng cường nếu chỉ là nơi cung cấp địa điểm, nhân công, nguyên vật liệu, và gia công cho các doanh nghiệp nước ngoài. Vì thế, mục tiêu quốc gia phát triển vào năm 2045 tất yếu cần đến một đội ngũ doanh nhân đông đảo, doanh nghiệp lớn mạnh.
Như nhận định mới đây trong Nghị quyết 41-NQ/TW, “sự phát triển đội ngũ doanh nhân chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới”. Những bài học lãnh đạo thành công trong lịch sử nước ta và từ nhiều quốc gia khác cho thấy thách thức hiện nay với Đảng Cộng sản Việt Nam là phải làm sao nắm bắt và đáp ứng đúng những kỳ vọng và nhu cầu chính đáng của lực lượng doanh nhân, từ đó hình thành động lực xã hội then chốt cho tăng trưởng kinh tế có tính đột phá, góp phần đưa đất nước tiến đến vị thế “quốc gia phát triển”.
Về quan điểm, Nghị quyết 41 – NQ/TW khẳng định: “Đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế”. Trên cơ sở đó, trong những năm sắp tới, Đảng cũng đề ra mục tiêu phát triển đội ngũ doanh nhân cả về số lượng và chất lượng, để có thể đóng góp vào các mục tiêu phồn vinh, thịnh vượng, và phát triển đất nước.
Với vị thế hạt nhân của cấu trúc quyền lực chính trị, đảm nhiệm cả vai trò lãnh đạo và cầm quyền, vấn đề đặt ra hiện nay là Đảng phải có thể thu hút và gắn kết lực lượng doanh nhân vào trật tự chính trị. Để làm được việc này, khung khổ thể chế phải bảo đảm lợi ích và tiếng nói của các doanh nhân thực sự được tôn trọng trong quy trình chính sách, và thể hiện trong các quyết định chính sách.
Hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Nhà nước Việt Nam hiện đại chắc chắn sẽ là một kỳ tích tiếp theo trong sự nghiệp lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đáp ứng những nhu cầu chính đáng của doanh nhân sẽ giúp Đảng có thêm động lực xã hội then chốt để không lỡ hẹn với nhân dân.
Có thể bạn quan tâm