DOANH NHÂN VIỆT THẾ KỶ XX: “CHẤN HƯNG THƯƠNG TRƯỜNG - CỔ ĐỘNG THỰC NGHIỆP”

Đinh Thanh - Lê Liên 13/10/2019 16:08

Sau gần 100 năm, những bài học mà 4 doanh nhân giàu nhất thế kỷ 20 để lại về sự nhạy bén trong kinh doanh, ý chí vượt khó, tự tin giong buồm ra biển lớn vẫn còn nguyên giá trị.

Các vị doanh nhân này đã phát động phong trào còn tiếp diễn đến ngày nay đó là “Chấn hưng thương trường - Cổ động thực nghiệp”. Theo cách nói thời nay đó là “Cải thiện môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp”. Đó là chương trình hành động của Chính phủ, của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang triển khai.

Ông Trương Văn Bền (1883 – 1956) sinh tại Chợ Lớn (Sài Gòn) trong một gia đình có truyền thống làm nghề thủ công.
Ông Trương Văn Bền được xem là một trong những “huyền thoại doanh nhân” Việt Nam. Mặc dù hoạt động trong nhiều lĩnh vực như lúa gạo, nhà băng, canh nông,… nhưng ông Trương Văn Bền vẫn thành công nhất với thương hiệu xà bông Việt Nam.

Trong khoảng năm 1928, thị trường trong nước và cả Đông Dương bị chi phối bởi xà bông được nhập khẩu từ Pháp. Tại khu vực Chợ Lớn, có một vài xưởng nhỏ cũng cung cấp xà bông nhưng chất lượng thấp nên không cạnh tranh được với hàng hóa Pháp. Đây là cơ hội cho ông Trương Văn Bền, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất dầu ăn, dầu dừa, dầu salat,…
Năm 1932, ông mở thêm nhà máy sản xuất xà bông. Không dễ để thương hiệu mới toanh cạnh tranh, thậm chí đẩy lùi được các sản phẩm của Pháp. Tuy nhiên, ông Trương Văn Bền và các con đã thành công rực rỡ. Đặc biệt ở chỗ, ông nâng tầm xà bông Cô Ba nhờ chiến lược… marketing hiện đại.

Thời gian đầu, ông kêu gọi “người Việt dùng hàng Việt”. Tên của sản phẩm được đặt là xà bông Việt Nam. Mọi chiến lược quảng bá của ông đều kêu gọi tinh thần dân tộc, tự chủ vì một Việt Nam vững mạnh.
Chiến lược của ông Trương Văn Bền dường như không “lỗi mốt” vì hiện tại, chính sách này đang rất “nóng” với cả cơ quan chức năng cũng như doanh nghiệp hiện đại. Marketing quá xuất sắc giúp xà bông Cô Ba đẩy lùi các sản phẩm của Pháp, thống lĩnh thị trường trong nước cũng như Đông Dương.

Tên sản phẩm là xà bông Việt Nam nhưng xà bông Cô Ba mới lưu lại trong lòng bao thế hệ người tiêu dùng Việt. Sở dĩ người tiêu dùng mặc định sản phẩm của ông Trương Văn Bền là xà bông Cô Ba vì logo in trên vỏ là hình một người phụ nữ đẹp, phúc hậu. Đó là vợ ông Bền, người nổi danh vì sắc đẹp. Bà thậm chí được coi là Hoa khôi lục tỉnh.

Trước ngày giải phóng, xà bông Cô Ba của vị doanh nhân này không có đối thủ trên thị trường nội địa, thậm chí đánh bật cả sản phẩm của Pháp là xà bông Marseilles. Ngoài Việt Nam, xà bông Cô Ba được dùng rộng rãi ở Lào và Campuchia, xuất khẩu qua Hong Kong, Tân Đảo (Nouvelle Caledonie) và một số các nước châu Phi. Ngay đến những năm 1990, xà bông Cô Ba vẫn tạo lập được thị phần rộng lớn trên toàn quốc, và chỉ lui về sau khi hàng loạt sản phẩm của các hãng nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam trong khoảng 2 thập kỷ vừa qua.
Đến nay, thương hiệu xà bông Cô Ba của ông vẫn được nhiều người Sài Gòn nhớ đến, và còn được bán trong hệ thống Co.op Mart.

Bạch Thái Bưởi (1874-1932) là cái tên nổi danh nhất trong giới doanh nhân Việt 30 năm đầu thế kỷ 20. Lịch sử sẽ còn nói nhiều về ông, một nhân vật làm rạng danh cho giới doanh nhân Việt Nam với biệt danh “Chúa sông Bắc Kỳ, vua tàu thủy Việt Nam”. Ông cũng là doanh nhân có tên trong danh sách 4 người giàu nhất Việt Nam thế kỷ 20.

Sinh năm 1874 trong một gia đình họ Đỗ nghèo ở làng Yên Phúc, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông, tuổi thơ của ông lớn lên nhờ gánh hàng rong của mẹ vì cha mất sớm. Sau này, ông được nhận làm con nuôi, đổi thành họ Bạch, đến trường và sớm thể hiện năng lực. Năm 20 tuổi, ông làm thư ký cho một hãng buôn của người Pháp tại Hà Nội, sau chuyển sang hãng thầu công chính. Ông cũng từng được chính thống sứ Bắc kỳ chọn sang Pháp làm người giới thiệu gian hàng tại hội chợ Bordeaux.

Doanh nhân Bạch Thái Bười là hình mẫu điển hình cho tầng lớp thương nhân Việt giàu có, hưng thịnh trong những thập kỷ đầu thế kỷ 20.
Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, người Pháp bắt đầu công cuộc khai thác thuộc địa, mở mang đường sá, xây dựng cầu cống. Bạch Thái Bưởi tìm được cơ hội trở thành đối tác cung cấp nguyên liệu cho dự án xây dựng tuyến đường sắt lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ, bắt đầu bằng việc xây cây cầu dài 3.500 m nối Hà Nội với Gia Lâm bắc qua sông Cái (sông Hồng) là cầu Doumer (cầu Long Biên ngày nay).

Sau đó, ông bỏ vốn mua lại một hãng cầm đồ ở Nam Định, rồi mở hiệu cơm Tây ở Thanh Hóa, đại ký rượu ở Thái Bình và có một thời gian làm cai thầu thuế chợ từ miền Bắc đến miền Trung.
Không để đồng tiền trong túi mình ngủ yên, khoảng năm 1908 - 1909, Bạch Thái Bưởi đã quyết định chuyển hướng sang kinh doanh vận tải đường thủy, nơi mà những thương nhân Hoa Kiều gần như đang độc quyền chiếm lĩnh.
Và quyết định này là khởi nguồn cho danh hiệu “Vua tàu thủy Việt Nam” và “Chúa sông Bắc Kỳ” của Bạch Thái Bưởi sau này.

Ông lập công ty Hàng hải Bạch Thái Bưởi, thuê lại 3 chiếc Phenix, Dragron và Fai Tsi Long. Ông đổi tên chúng thành: Phi Phụng, Phi Long và Khoái Tử Long để kinh doanh vận tải đường thủy trên hai tuyến Nam Định – Bến Thủy (Nghệ An) và Nam Định – Hà Nội.
Từ chỗ chỉ có 3 chiếc tàu đi thuê, khai thác trên 2 tuyến, đến năm 1919, Bạch Thái Bưởi đã có cho mình 25 chiếc tàu cỡ lớn nhỏ. Tàu lớn nhất, dài nhất tới 40,25m; tàu ngắn nhất 18,28m. Đủ các chủng loại: Tàu sắt, tàu kẽm, tàu phụ, xà lan… Đội tàu của ông khai thác trên 17 chuyến đường thủy, chạy khắp các sông Đào, sống Cái, ở Bắc Hà từ phía Bắc đến Tuyên Quang, phía Nam tới Bên Thủy, Vinh. Đông từ Móng Cái đến tây là chợ Bờ (Bắc Cạn cũ). Thậm chí những con tầu của ông đã vươn ra các tuyến đường duyên hải, đến cả một số bến cảng của Hong Kong, Singapore…
Ước tính trung bình mỗi năm, công ty của Bạch Thái Bưởi chuyên chở tới 5.000 chuyến, trên dưới 1,5 triệu hành khách, hơn 15 vạn tấn hàng.
Con tàu Bình Chuẩn là đỉnh cao trong sự nghiệp kinh doanh vận tải đường thủy của Bạch Thái Bưởi. Đây là còn tàu dài 42m, trọng tải 600 tấn, động cơ 400 mã lực hoàn toàn do người Việt thiết kế và thi công.

Được hạ thủy vào 7/9/1919 tại Cửa Cấm (Hải Phòng), Bình Chuẩn nhổ neo vào ngày 20/8/1920 và cập cảng Sài Gòn vào 17/9/1920.
Sự kiện này đã làm nức lòng giới kinh doanh Nam Kỳ, họ cho đúc bảng đồng tặng tàu Bình Chuẩn với dòng chữ chói lọi: “Tặng tàu Bình Chuẩn, chiếc tàu Việt Nam đầu tiên tại Cảng Sài Gòn”.
Những điều này đã khiến những danh hiệu đầy tự hào “Vua tàu thủy Việt Nam”, “Chúa sông Bắc Kỳ” gắn liền với tên tuổi Bạch Thái Bưởi trong suốt cả cuộc đời ông, cũng như cho đến ngày hôm nay.

Tháng 4/1916, Bạch Thái Bưởi chính thức lập nghiệp ở Hải Phòng với cơ ngơi đồ sộ nằm trên bờ sông Tam Bạc. Ông chính thức tuyên bố thành lập Giang hải luân thuyền Bạch Thái công ty, điều hành 17 tuyến đường thủy từ Hà Nội đến Tuyên Quang, vươn ra đến tận các nước như Hong Kong, Nhật Bản, Philippines, Trung Quốc, Singapore…
Bạch Thái Bưởi từ bỏ một cuộc sống an nhàn để dấn thân vào con đường kinh doanh, ngoài mục tiêu tạo ra của cải, còn để khẳng định vị thế của người Việt trên thương trường, không thua kém bất cứ quốc gia nào khác.
Trong các công việc, ông sử dụng hầu hết người Việt để chứng minh dân tộc ta không kém cạnh bất cứ ai. Tinh thần dân tộc của Bạch Thái Bưởi cũng được thể hiện rõ nét khi ông lấy những địa danh của đất nước hay những niệm tự hào trong lịch sử dân tộc như Đinh Tiên Hoàng, Bạch Đằng… để đặt tên cho các con tàu của mình.

Và cũng chính tinh thần dân tộc đã nhiều lần giải cứu Bạch Thái Bưởi những lúc nguy nan trong kinh doanh. Ông được xem là doanh nhân đầu tiên áp dụng tinh thần dân tộc “Người Việt ủng hộ người Việt” trong kinh doanh.
Tại cuộc cạnh tranh vận tải đường thủy, khi mà Bạch Thái Bưởi đang đối diện với nguy cơ phá sản trong cuộc cạnh tranh về giá với các thương nhân người Hoa. Bạch Thái Bưởi đã vận dụng tinh thần dân tộc khuyến khích người Việt đi tàu của người Việt. Qua đó có thể vượt qua “cửa tử”, và trở thành “Vua tàu thủy Việt Nam” sau này.
Bạch Thái Bưởi mất vào năm 1932. Nay sau gần 100 năm, những bài học mà Bạch Thái Bưởi để lại về sự nhạy bén trong kinh doanh, ý chí vượt khó, tự tin giong buồm ra biển lớn vẫn còn nguyên giá trị.

Trịnh Văn Bô (1914 – 1988) cùng vợ là chủ nhân của cửa hiệu buôn vải sợi Phúc Lợi đặt tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang. Cho đến giữa năm 1940, ông được xem là một trong những người giàu có bậc nhất đất Hà Thành, có bạn hàng tại các nước Đông Dương, sở hữu một nhà máy dệt và có kinh doanh cả ngành bất động sản.

Tên tuổi của ông Trịnh Văn Bô được biết đến nhiều nhất qua những hoạt động từ thiện và sự đóng góp cho cách mạng Việt Nam. Là thương nhân giàu có, nhưng gia đình ông lại kinh doanh trên triết lý “Buôn bán 10 đồng thì giữ lại 7, còn lại giúp đỡ người nghèo và làm việc phúc đức”. Tầng hai của hiệu buôn sầm uất Phúc Lợi từng là nơi ở của nhiều cán bộ lãnh đạo cách mạng cấp cao của Việt Nam khi chuyển hoạt động từ chiến khu về Hà Nội, trong đó có cả Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính nơi đây, Bác Hồ đã khởi thảo và hoàn thành bản Tuyên Ngôn độc lập.

Sau khi Chính phủ lâm thời được thành lập, ngân khố quốc gia khi đó chỉ còn 1,2 triệu đồng tiền Đông Dương, trong đó đa phần đã rách nát, không thể tiêu dùng được. Khi “Tuần lễ vàng” được phát động, gia đình ông đã ủng hộ tới 5.147 lượng vàng, tương đương 2 triệu đồng Đông Dương cho Chính phủ. Ngoài ra, vợ chồng ông Trịnh Văn Bô còn là thành viên cốt cán trong Ban vận động “Tuần lễ vàng”, khích lệ giới công thương và các tầng lớp nhân dân quyên góp được 20 triệu đồng Đông Dương và 370 kg vàng.

Ngoài số vàng ủng hộ chính quyền cách mạng, họ còn hiến cả ngôi nhà 48 Hàng Ngang, trị giá hàng trăm tỉ đồng theo thời giá bây giờ, để làm Nhà lưu niệm, ghi dấu tích nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo Tuyên ngôn Độc lập đọc tại lễ Quốc khánh 2.9.1945.
Năm 1988, cụ ông Trịnh Văn Bô qua đời. Cụ Hoàng Thị Minh Hồ, vợ nhà tư sản Trịnh Văn Bô, mất vào đêm 5/11/2017, thọ 104 tuổi.

Cả hai cụ đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, huân chương cao quý của Nhà nước ta, như một ghi nhận xứng đáng mà những gì hai cụ đã đóng góp cho Tổ quốc Việt Nam.
Tháng 12/2018, Hà Nội chính thức có phố mang tên nhà tư sản Trịnh Văn Bô. Tuyến phố dài 900m, rộng 50m, từ ngã tư giao cắt với phố Nguyễn Văn Giáp và đoạn nối phố Trần Hữu Dực đến chân cầu vượt Xuân Phương, thuộc quận Nam Từ Liêm.

Nguyễn Sơn Hà sinh năm 1894 tại huyện Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây trong một gia đình có 7 anh chị em. Cha mất khi ông mới 14 tuổi, ông phải bỏ học xin làm phụ bàn giấy cho một hãng buôn của Pháp. Sau đó do lương thấp, ông đã bỏ sang làm cho hãng sơn dầu Sauvage Cottu ở Hải Phòng.

Ước mơ tự lập một hãng sơn dầu thôi thúc người thợ học việc trẻ, nhưng khi đó sách về kỹ thuật làm sơn của phương Tây đều viết bằng tiếng Pháp. Không nản chí, ông tìm thầy dạy thêm tiếng Pháp ban đêm, học hết tủ sách của ông chủ. Để lập nghiệp, ông bán đi chiếc xe đạp lấy tiền làm vốn ban đầu, mở một cửa hàng nhỏ, bên ngoài chuyên nhận việc quét sơn, kẻ biển, quét vôi ve nhà cửa, bên trong âm thầm chế tạo thử sơn dầu.

Sản phẩm đầu tiên mà gia đình ông Nguyễn Sơn Hà tung ra thị trường là thương hiệu “Resistanco”, tiếng Pháp có nghĩa là “bền chặt”, nhưng lại không được người Pháp đánh giá cao.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Mùi, vợ của ông từng kể lại rằng khi có một khách hàng người Pháp đầu tiên cầm hộp sơn đã thốt lên “đồ hàng An Nam bẩn thỉu” thì Nguyễn Sơn Hà đã rất tức giận. Sự tức giận đó biến thành một động cơ thúc đẩy ông phải làm được loại sơn tốt nhất.

Ông miệt mài nghiên cứu từ ngày này qua ngày khác và cuối cùng, mẫu sơn hoàn hảo ra đời. Với mẫu sơn ấy, ông đem gửi hãng Descous et Cabaud. Các cai thầu, thợ sửa chữa đến hãng này mua sơn và đem đi tiêu thụ trực tiếp đến các gia đình.
Chất lượng sơn của ông đã chinh phục cả người tiêu dùng Pháp và Việt. Hơn nữa, giá thành sơn Resistanco rẻ hơn rất nhiều so với các loại sơn khác. Hãng Descous et Cabaud thấy sơn Resistanco đã có chỗ đứng trên thị trường nên nhận làm đại lý. Từ đó, sơn Resistanco bắt đầu được tiêu thụ khắp nơi trong nước.

Đến năm 1920, ông mở được xưởng sơn tại Hải Phòng, rộng 7.000 m2, lấy tên là Gecko, khi mới tròn 26 tuổi.
Từ Hà Nội, Huế, Hội An, Sài Gòn, sơn Resistanco vượt biên giới sang Campuchia, Thái Lan, Lào… và được tiêu thụ nhanh đến mức làm không đủ bán. Người Pháp tìm đủ mọi cách chèn ép việc kinh doanh của gia đình, nhưng ông quyết giữ sự hưng thịnh của nền công nghiệp bản địa, khiến nhà cầm quyền phương Tây phải kinh sợ.

Để gắn bó người tâm phúc theo mình, ông mua hàng trăm ha ruộng đất ở Kinh Môn cấp đất cho vợ con họ cày cấy, số thóc thu được ông đem bán rẻ cho anh em công nhân những ngày khó khăn.
Lần gặp gỡ nhà yêu nước Phan Bội Châu ở Huế đã tác động sâu sắc đến doanh nhân Nguyễn Sơn Hà. Ông từng đấu tranh với Pháp, Nhật đòi mở kho tấm cám để cứu đói vào năm 1954, đứng ra lập trường Dục Anh tại số nhà 46, phố Lạch Tray để nuôi dạy các em bé mồ côi.
Trong “Tuần lễ vàng” tháng 8/1945 mà chính phủ phát động, ông Nguyễn Sơn Hà rất tích cực đóng góp tiền vàng và vận động các nhà tư sản khác và nhân dân mọi tầng lớp tham gia. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Ngọc Mùi và con gái Nguyễn Sơn Thạch đi cùng đã hiến tặng toàn bộ số nữ trang của gia đình, gồm vàng bạc, đá quý cân được 10,5kg.
Riêng ông Hà không ngần ngại tháo ngay chiếc nhẫn quý bằng platin gắn kim cương bỏ vào thùng hiến tặng. Ông Nguyễn Sơn Hà đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng ảnh và Mặt trận Việt Minh cấp giấy khen vì những đóng góp tích cực của mình.
Sau Cách mạnh tháng Tám, ông Nguyễn Sơn Hà trúng cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hải Phòng. Từ đây, ông có nhiều đóng góp cho cách mạng thông qua những sáng kiến của mình, như làm vải nhựa cách điện, sản xuất giấy than, mực in, vải che mưa, chế tạo lương khô, thuốc ho. Sau kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Sơn Hà trở về Hà Nội và tiếp tục trúng cử vào Quốc hội Việt Nam khóa khóa II, III, IV, V. Ông mất tại Hải Phòng năm 1980.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
DOANH NHÂN VIỆT THẾ KỶ XX: “CHẤN HƯNG THƯƠNG TRƯỜNG - CỔ ĐỘNG THỰC NGHIỆP”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO